Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11: Khắc họa giá trị nổi bật di sản văn hóa Việt Nam qua ảnh

Thứ Sáu 13/11/2020 | 11:40 GMT+7

VHO- Kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam phối hợp với Sở VHTTDL; Sở VHTT các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Phước, Kiên Giang và các đơn vị liên quan tổ chức Triển lãm “Du lịch qua các miền Di sản văn hóa Việt Nam năm 2020”.

  Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu

Triển lãm diễn ra từ 19-23.11, là sự kiện nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các giá trị di sản văn hoá, thiên nhiên và danh thắng độc đáo của Việt Nam, đặc biệt là các di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh.

Khám phá Việt Nam

Theo BTC triển lãm, thông qua những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, những cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, phong tục tập quán, những nét văn hóa đặc trưng... sẽ giúp khách tham quan hiểu sâu sắc hơn về đất nước, con người, những yếu tố đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao về du lịch trong những năm qua.

Triển lãm “Du lịch qua các miền Di sản văn hóa Việt Nam năm 2020” được tổ chức với nhiều nội dung hoạt động phong phú, hấp dẫn. Điểm nhấn là các không gian trưng bày được bài trí công phu, sinh động. Triển lãm ảnh tập trung khắc họa nổi bật giá trị của các di sản văn hóa Việt Nam với các nội dung: “Khám phá Việt Nam”, “Du lịch qua các lễ hội truyền thống Việt Nam”, “Thiên nhiên Việt Nam”. Không gian trưng bày Triển lãm ảnh nghệ thuật du lịch toàn quốc lần thứ 9 “Khám phá Việt Nam” giới thiệu 181 tác phẩm xuất sắc của Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Du lịch toàn quốc lần thứ 9. Các tác phẩm với nhiều đề tài phong phú, góc nhìn mới lạ, sáng tạo đã mô tả bức tranh du lịch Việt Nam tươi đẹp, đa dạng, sống động, xoay quanh các chủ đề ẩm thực, biển đảo, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa, đời thường, du lịch khám phá, làng nghề truyền thống, lễ hội…

Triển lãm “Du lịch qua các lễ hội truyền thống Việt Namtrưng bày 100 bức ảnh về các lễ hội từ Bắc vào Nam, từ miền núi đến miền biển. Triển lãm là cơ hội để khách tham quan nhớ về cội nguồn, nguyện cầu bình an và tôn vinh những nét đẹp văn hóa đặc sắc. Khu trưng bày “Thiên nhiên Việt Nam” giới thiệu 35 bức ảnh tiêu biểu về thiên nhiên Việt Nam như rừng tự nhiên dãy núi Fansipan (Lào Cai), Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Hang động Sơn Đoòng (Quảng Bình), núi Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), sự đa dạng muôn màu muôn vẻ của thế giới các loài côn trùng, các loài thực vật, bò sát - lưỡng cư,… do các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và nhiếp ảnh gia của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đại học Florence Italia ghi lại được ở Việt Nam trong 20 năm qua.

Tại không gian trưng bày của các tỉnh, thành phố, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những sắc màu văn hóa đặc trưng, các di sản văn hóa, thiên nhiên, các danh thắng tiêu biểu cùng những điểm đến du lịch được yêu thích. Đây cũng là không gian hấp dẫn để các tỉnh, thành giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch thông qua các mô hình, hiện vật, hình ảnh, băng hình, nghệ thuật sắp đặt, ấn phẩm, trang phục, trình diễn nghệ thuật, ẩm thực, đặc sản địa phương và thao diễn nghề truyền thống, giao lưu cùng các nghệ nhân. Tại đây, Hà Nội “khoe” những “đặc sản” trong trưng bày “Du lịch Di sản Văn hóa Hà Nội”, điểm nhấn là mô hình Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các hình ảnh về di sản hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh như: Hoàng thành Thăng Long, Hồ Hoàn Kiếm, Đền Ngọc Sơn, làng cổ Đường Lâm, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, làng nghề Gốm sứ Bát Tràng, làng nghề Mây tre đan Phú Vinh; Hội Gióng, hát ca trù... Những nội dung quảng bá, xúc tiến du lịch gửi đến thông điệp: Hà Nội - điểm đến an toàn, hấp dẫn, thúc đẩy du lịch nội địa hoạt động trở lại sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó là các không gian trưng bày: “Đắk Lắk - Điểm đến của cà phê thế giới”, Không gian di sản văn hóa của tỉnh Thanh Hóa; Khu trưng bày “Gốm Phù điêu Hải Phòng”; Khu trưng bày “Cánh diều di sản”; tổ hợp trưng bày “Du lịch qua các miền Di sản văn hóa Khánh Hòa”, “Du lịch Di sản văn hóa Hà Giang”, “Quảng bá xúc tiến Du lịch Bắc Kạn”; “Văn hóa tộc người X-tiêng Bình Phước và di tích thắng cảnh tiêu biểu của Bình Phước”...

 Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Di sản văn hóa nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam

Với tiêu chí tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam là mảng trưng bày hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm cuốn hút đối với người xem. Phần triển lãm này trưng bày, giới thiệu những sản phẩm tinh hoa của nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Những sản phẩm được trưng bày nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, tinh thần cần cù lao động sáng tạo trong các gia đình, các dòng họ cha truyền con nối, nuôi dưỡng tình yêu nghề truyền thống; những sản phẩm xuất sắc của các nghệ nhân trẻ nhằm sáng tạo ra những mẫu mã sản phẩm mới, công nghệ mới thân thiện với môi trường...

Triển lãm còn trưng bày các tư liệu, hình ảnh của các làng nghề truyền thống đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể nghề thủ công mỹ nghệ; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ văn hóa tâm linh thuần Việt, sản phẩm và quà tặng phục vụ du lịch; các kỷ lục Việt Nam của các làng nghề truyền thống và của các nghệ nhân đã được Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận.

Trong khuôn khổ triển lãm “Du lịch qua các miền Di sản văn hóa Việt Nam năm 2020” còn diễn ra nhiều hoạt động khác như: Khu trưng bày, xúc tiến Du lịch Việt Nam và các nước; Tọa đàm “Kết nối cộng đồng làng nghề - Bảo tồn văn hóa - Phát triển du lịch - Hội nhập quốc tế”; giao lưu văn hóa nghệ thuật... “Các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật cũng thiết kế nên những mảng không gian mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, những nét đặc trưng di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO tôn vinh như: cồng chiêng Tây Nguyên, Then cổ, diễn xướng dân gian, các hoạt động giao lưu văn hóa cộng đồng...”, BTC cho biết.

Cùng với các chương trình trình diễn di sản văn hóa phi vật thể và nghệ thuật dân gian truyền thống, tại triển lãm còn diễn ra các đêm giao lưu: “Hương sắc Việt Nam”, Gala “Kết nối văn hóa Việt Nam - ASEAN”; đêm giao lưu “Du lịch qua các miền Di săn văn hóa Việt Nam”... Đây là những chương trình ý nghĩa, thể hiện sự chung tay của thế hệ trẻ với bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. 

HOÀNG PHƯƠNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top