Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Báo động nguồn lực diễn viên nghệ thuật truyền thống (Bài 2): Lãng phí của..."hiếm"?

Thứ Tư 25/11/2020 | 10:29 GMT+7

VHO- Hiện có một tồn tại nghịch lý đầy tréo ngoe: Trong khi nhiều đơn vị nghệ thuật kịch hát dân tộc đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực thì không ít diễn viên, nhạc công trẻ được đào tạo bài bản, chính quy lại bơ vơ không biết đi đâu về đâu… chỉ vì không có chỉ tiêu biên chế và cũng không thể ký hợp đồng lao động.

Vở “Nữ tướng Đào Tam Xuân”, chương trình báo cáo kết quả tốt nghiệp của lớp diễn diễn viên và nhạc công trẻ của Nhà hát Tuồng VN và Trường ĐH SKĐA Hà Nội

 Lãnh đạo nhiều nhà hát thực sự “đau đầu” để tính toán và tìm đủ mọi cách, thậm chí là “lách luật” để giữ chân người trẻ trụ lại với nghề.

Đổi mới để “giải cứu” kịch hát dân tộc

Để giải bài toán thiếu hụt lực lượng kế thừa, trong khi “đầu vào” không có người dự tuyển, Bộ VHTTDL đã đổi mới hình thức đào tạo theo kiểu “đặt hàng”, phối hợp giữa các đơn vị nghệ thuật và cơ sở giáo dục. Năm 2014, Đề án đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công Tuồng, Chèo, Cải lương được Bộ VHTTDL triển khai thí điểm ở ba nhà hát gồm Nhà hát Chèo VN, Nhà hát Tuồng VN, Nhà hát Cải lương VN và mới qua 1 năm đã nhìn thấy hiệu quả.

Bộ VHTTDL đang tiếp tục mở rộng triển khai cho các đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Theo đó, các nhà hát sẽ chủ trì, đề xuất số lượng thí sinh tuyển sinh dựa trên yêu cầu thực tế của từng đơn vị và chủ động sơ tuyển tại địa phương rồi gửi danh sách đến Trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội để phối hợp đào tạo; các nhà hát sẽ mời các nghệ sĩ giỏi của ngành tham gia công tác giảng dạy chuyên môn; học viên được hỗ trợ tiền ở và miễn 100% học phí cả 4 năm học. Hiện đã có hai khóa học sinh tốt nghiệp theo Đề án này.

Trao đổi với Văn Hóa, những người trực tiếp triển khai thực hiện Đề án là PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội; Giám đốc Nhà hát Chèo VN NSND Thanh Ngoan; Giám đốc Nhà hát Tuồng VN Phạm Ngọc Tuấn; Giám đốc Nhà hát Cải lương VN NSND Triệu Trung Kiên đều đánh giá cao hiệu quả tích cực của hình thức đào tạo theo nhu cầu qua việc các đơn vị nghệ thuật chủ động tuyển sinh, tham gia đào tạo và trực tiếp nhận “đầu ra”, không chỉ học sinh an tâm vì sau khi tốt nghiệp sẽ có đơn vị tuyển dụng ngay và quan trọng hơn là các đơn vị thoát cảnh lo lắng khi thiếu người trẻ hóa đội ngũ.

 Tiết mục “Thị Màu lên chùa” của thí sinh Trịnh Tuyết Anh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, đoạt giải Diễn viên Chèo trẻ nhất Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc 2020 (ảnh lớn). Trở về sau cuộc thi, Tuyết Anh vẫn phải đi hát đám cưới, đám hỏi, hội nghị… để mưu sinh và mòn mỏi chờ ngày được tuyển dụng (ảnh nhỏ) Ảnh: P.V

“Chảy máu”... tài năng trẻ nghệ thuật

Tuy nhiên, qua chia sẻ của chính những người triển khai Đề án thì có rất nhiều đơn vị nghệ thuật không biết làm sao để có thể tiếp nhận được lớp diễn viên, nhạc công trẻ ngay tại chính đơn vị mà họ được tuyển và cử đi đào tạo. Hiệu trưởng Trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Đình Thi cho biết, một số học sinh tốt nghiệp ra trường nhưng khi về đến “nhà” lại không có biên chế, không được ký hợp đồng lao động, trong đó có cả những em đạt thành tích cao như HCV, HCB tại các cuộc thi tài năng trẻ. Hiện tượng này đang xảy ra ở nhiều đơn vị như Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa...

NSND Phương Thảo, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định chia sẻ: “Muốn lớp trẻ theo nghệ thuật truyền thống thì phải cho họ nhìn thấy tương lai của mình chứ khi ra trường thì biên chế đã “kẹt cứng”, các đơn vị không nhận về được, lương không có, chỉ hỗ trợ 1 triệu/tháng thì làm sao các em yên tâm làm nghề?... Chúng tôi mỗi lần lặn lội đi tuyển ở cơ sở cũng cảm thấy xấu hổ bởi người ta xì xào đó là “phỉnh” các em vào học chứ đầu ra không có, tương lai bấp bênh... Công tác đào tạo rất tốn kém, cả chi phí và tâm huyết, nhưng không tạo dựng được tương lai cho các em thì đào tạo để làm gì? Nói giữ gìn nghệ thuật truyền thống mà không có diễn viên trẻ thì hóa ra nói suông. Vậy nên, rất cần có thêm những chính sách hỗ trợ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hạn chế”.

Không nói đâu xa, ngay như Nhà hát Chèo VN cũng đang vấp phải những khó khăn tương tự. NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát cho biết: “Chúng tôi rất mừng khi có được những diễn viên, nhạc công theo Đề án đào tạo đặc thù của Bộ, các nhà hát được quyền tuyển diễn viên vào đào tạo từ độ tuổi 14, 15 nên khi nhận về làm việc các em còn rất trẻ. Tuổi trẻ thì thời gian cống hiến cho nghề nghiệp sẽ dài hơn, chỉ tiếc là khi ra trường lại hưởng mức lương trung cấp 1,86 quá thấp (khoảng 3 triệu đồng), đây cũng là thiệt thòi chung của diễn viên kịch hát dân tộc”. Nhà hát Chèo VN mới tiến hành thi tuyển viên chức và chỉ nhận được khoảng 50% số diễn viên trẻ được đào tạo theo Đề án bởi chỉ tiêu biên chế có hạn, hiện Nhà hát cũng đang tìm đủ mọi cách “xoay xở” để trả lương và giữ chân các em không bỏ nghề.

 Diễn viên trẻ Trịnh Tuyết Anh (bên phải) đi hát tại một đám ăn hỏi để mưu sinh

NSND Hàn Hải, Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa bộc bạch: “Thanh Hóa cử 15 em đào tạo theo Đề án của Bộ. Hiện chỉ có 3 em trụ lại đơn vị, số còn lại thì bỏ nghề hoặc đầu quân sang địa phương khác vì đơn vị không có chỉ tiêu biên chế và không được ký hợp đồng lao động”. Đến với Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc 2020, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa chỉ có duy nhất diễn viên Trịnh Tuyết Anh thuộc lứa học sinh được đào tạo theo Đề án của Bộ tham gia và đã được trao giải Diễn viên Chèo trẻ nhất. Tuy nhiên, có ai thấu hiểu khi gần một năm nay Tuyết Anh “vật vờ” đi hát đám cưới, hội nghị để có tiền mưu sinh. Khi không có show thì “chầu chực” đợi Nhà hát gọi khi có vai nào đó dành cho mình. Chẳng biết “lửa nghề” giữ cô gái trẻ xinh đẹp trụ được bao lâu khi mà cô đang phải mòn mỏi để chờ được tuyển chính thức.

Cho đến thời điểm này thì rõ ràng việc đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công nghệ thuật truyền thống theo Đề án phối kết hợp giữa nhà hát và cơ sở đào tạo đã đạt được những hiệu quả bước đầu đầy khả quan. Nhưng để nguồn nhân lực này không bị lãng phí lại phụ thuộc vào cơ chế, chính sách của cả ngành cũng như ở từng địa phương. “Chảy máu” chất xám và tài năng trẻ trong nghệ thuật kịch hát dân tộc đã và đang là bài toán làm đau đầu những người trong cuộc, khi họ chưa có được “lời giải” thỏa đáng.

(Còn nữa)

 Muốn lớp trẻ theo nghệ thuật truyền thống thì phải cho họ nhìn thấy tương lai của mình, chứ khi ra trường thì biên chế đã “kẹt cứng”, các đơn vị không nhận về được, lương không có, chỉ hỗ trợ 1 triệu/tháng thì làm sao các em yên tâm làm nghề (?) Chúng tôi mỗi lần lặn lội đi tuyển ở cơ sở cũng cảm thấy rất xấu hổ bởi người ta xì xào đó là “phỉnh” các em vào học chứ thực tế đầu ra không có, tương lai bấp bênh... Công tác đào tạo rất tốn kém, cả chi phí và tâm huyết, nhưng không tạo dựng được tương lai cho các em thì đào tạo để làm gì? Nói giữ gìn nghệ thuật truyền thống mà không có diễn viên trẻ thì hóa ra nói suông…

(NSND PHƯƠNG THẢO, Nhà hát NTTT tỉnh Bình Định)

 

Tìm kiếm Tài năng trẻ Cải lương toàn quốc

Từ ngày 25.11 đến ngày 4.12, tại Cà Mau, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, Sở VHTTDL Cà Mau sẽ tổ chức Cuộc thi “Tìm kiếm Tài năng trẻ Cải lương toàn quốc - 2020”. Cuộc thi là cơ hội để các nghệ sĩ trẻ giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng biểu diễn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới. Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đánh giá thực trạng đội ngũ diễn viên trẻ sân khấu cải lương hiện nay, từ đó có giải pháp thúc đẩy, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng nghệ sĩ trẻ. Cuộc thi năm nay có 52 thí sinh đăng ký tham gia đến từ 18 đơn vị nghệ thuật trên cả nước. Mỗi thí sinh dự thi sẽ biểu diễn một trích đoạn cải lương tự chọn không quá 25 phút và phải thể hiện được các đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật cải lương. Theo kế hoạch, BTC sẽ trao HCV, HCB cho cá nhân diễn viên đạt các tiêu chí trong quy chế chấm thi và khen thưởng. Ngoài ra, còn các giải thưởng khác trao cho một diễn viên trẻ nhất, một nam diễn viên triển vọng, một nữ diễn viên triển vọng. BÁ TRƯỜNG

 THÚY HIỀN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top