Thừa Thiên Huế: Đảm bảo môi trường giáo dục cho học sinh vùng cao

VHO - Nhằm xây dựng môi trường học tập tốt, đảm bảo học sinh đến trường ra lớp đúng độ tuổi, kế hoạch, ngay trước thềm năm học mới 2023 - 2024, ngành Giáo dục của huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã có nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, thiết thực…

Thừa Thiên Huế: Đảm bảo môi trường giáo dục cho học sinh vùng cao - Anh 1

Học sinh lớp 6 Trường THCS Trần Hưng Đạo, huyện A Lưới tập trung đầu năm học mới 2023- 2024

Ông Hồ Văn Khởi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện A Lưới cho biết, năm học 2023- 2024, trên địa bàn huyện có 44 trường học các cấp, với khoảng 13.000 học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở do phòng quản lý. Ngành GD&ĐT tập trung công tác tuyển sinh từ sớm nên đến nay các trường đã hoàn thành tuyển sinh và đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Các trường cũng đã tiến hành vệ sinh lớp học, phòng chức năng, trang bị cơ sở vật chất đảm bảo cho việc dạy học của năm học mới. Số liệu khảo sát thực tế cho thấy, bậc mầm non tuyển sinh đạt yêu cầu với tỉ lệ 41% nhóm nhà trẻ, nhóm mẫu giá đạt hơn 99%; bậc tiểu học đạt 100%...

Cơ sở vật chất của ngành giáo dục cơ bản đáp ứng, khó khăn chủ yếu là hệ thống các trường mầm non. Số lượng học sinh các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6) tuyển sinh đảm bảo chỉ tiêu, nhưng thực tế đợt tập trung vừa qua có tình trạng một số học sinh chưa kịp đến trường do bố mẹ đi làm ăn xa. Hiện nay, nếu xét theo Thông tư của Bộ GD&ĐT thì ngành Giáo dục huyện còn thiếu một số giáo viên do có một số người vừa đến tuổi nghỉ hưu, Phòng GD&ĐT đang tham mưu trình UBND huyện lên kế hoạch tuyển dụng để đảm bảo yêu cầu.

Huyện A Lưới là một trong 74 huyện nghèo của cả nước, nên công tác vận động học sinh đến trường ra lớp là nội dung quan trọng được ngành giáo dục và chính quyền địa phương các cấp chú trọng.

Cô Trần Thị Tỷ Muội, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới cho biết: Học sinh của trường là con em ở các xã Hồng Thượng, Phú Vinh, Sơn Thủy. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và chính quyền địa phương nên công tác tuyển sinh khối đầu cấp diễn ra thuận lợi. Chi đoàn trường cùng với các trưởng thôn, già làng, người có uy tín trên địa bàn đã đến các điểm xa của các xã, đặc biệt là các khu vực tái định cư để tuyên truyền, kêu gọi các gia đình đăng ký nhập học cho con em mình. Đồng thời, qua đó cũng nắm được tình hình các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời động viên, hỗ trợ, giúp đỡ. Năm học 2023- 2024, Trường THCS Trần Hưng Đạo có 465 học sinh với 13 lớp học, trong đó học sinh khối 6 đạt 134 học sinh (4 lớp). Các học sinh đầu cấp cũng rất hào hứng, phấn khởi trong đợt tập trung đầu năm học mới.

Thừa Thiên Huế: Đảm bảo môi trường giáo dục cho học sinh vùng cao - Anh 2

Nhờ chuẩn bị chu đáo, với sự hỗ trợ của các trưởng thôn, già làng nên công tác tuyển sinh của các trường ở A Lưới hoàn thành sớm

“Dịp họp phụ huynh đầu năm học, nhà trường cũng vận động các phụ huynh cam kết phối hợp cùng nhà trường giáo dục toàn diện, đồng thời cam kết không cho con em nghỉ học giữa chừng. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các giáo viên trong trường rất quan tâm, động viên, hỗ trợ kịp thời. Trong đó, có mô hình “Nuôi học sinh” của các cán bộ, giáo viên trong trường nhằm hỗ trợ các học sinh hộ nghèo khó khăn với hình thức tặng 10 kg gạo/tháng/học sinh; hoặc hỗ trợ mua sắm quần áo, giày dép, sách vở, dụng cụ học tập… cho các cháu. Trường cũng vận động các mạnh thường quân quan tâm, hỗ trợ các cháu hơn 100 suất quà (đồ dùng học tập và máy tính bỏ túi) trong dịp năm học mới”- cô Trần Thị Tỷ Muội thông tin.

Đại diện Phòng GD&ĐT huyện A Lưới cho biết, để đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa, các trường học đã nhận đặt mua giúp sách cho học sinh. Đối với trường hợp các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngành giáo dục cũng kết nối các nhà xuất bản, các mạnh thường quân trao tặng sách cho các cháu. Trong năm học này, từ nguồn kinh phí cho ngành giáo dục huyện A Lưới và lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có hơn 60 tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng, phòng học, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học… Qua đó, từng bước hoàn thiện, đồng bộ hệ thống thiết chế giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học tại huyện A Lưới.

Huyện A Lưới địa phương vùng sâu vùng xa, phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số như Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều… Thời gian qua, ngành giáo dục và chính quyền địa phương thường xuyên rà soát, thống kê số trẻ trong độ tuổi để vận động đến trường, nên tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng những năm gần đây giảm đáng kể.

Có một số trường hợp bỏ học nhưng thường sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán và tập trung ở bậc trung học cơ sở. Một số học sinh đã theo cha mẹ vào miền Nam làm ăn, nghỉ học phụ việc sớm. Để các em không dở dang chuyện học, thời gian qua cán bộ ngành giáo dục và địa phương đã phải vào TP.Hồ Chí Minh để vận động, hỗ trợ đưa các em trở lại trường; đến nay đã có 7 em trở về và hoàn thành chương trình trung học cơ sở.

“Chúng tôi yêu cầu các trường thường xuyên cập nhật thông tin, số liệu học sinh đến trường, tìm hiểu các trường hợp khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, giúp đỡ để các em không phải thiệt thòi nghỉ học giữa chừng. Một số trường cũng đã triển khai nhiều mô hình, cách làm hay để giúp đỡ học sinh trên địa bàn”- ông Hồ Văn Khởi cho biết.

Thừa Thiên Huế: Đảm bảo môi trường giáo dục cho học sinh vùng cao - Anh 3

Học sinh tiểu học ở xã Đông Sơn, huyện A Lưới háo hức trong dịp tựu trường

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, để đảm bảo cơ sở vật chất trong năm học 2023- 2024, tỉnh đã giành kinh phí 406 tỉ đồng từ nhiều nguồn lực khác nhau cho việc xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các phòng học và phòng chức năng. Cụ thể, toàn tỉnh có 216 phòng học được đầu tư xây dựng mới, 227 phòng học được cải tạo, sửa chữa, kiên cố hóa và 215 phòng học bộ môn, thư viện, nhà vệ sinh được đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin: Hiện nay toàn tỉnh đang tập trung nguồn lực để xóa nghèo đối với huyện A Lưới; và ngành giáo dục cũng có nhiệm vụ rất lớn về chuẩn bị đội ngũ, chương trình giáo dục, sách giáo khoa, đặc biệt là huy động trẻ đến trường và thực hiện tốt các giải pháp để hạn chế tối đa học sinh lưu ban, bỏ học… Ngành giáo dục cũng đang triển khai đề án về phát triển giáo dục ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số; cần các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm đầu tư tạo ra cơ hội học tập cho học sinh miền núi và vùng dân tộc thiểu số, góp phần rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa thành thị, nông thôn và vùng khó khăn.  Đó cũng là việc thực hiện cho mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng phát huy các trụ cột về văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ…

“Được sự quan tâm của các cấp, hệ thống cơ sở giáo dục tại huyện A Lưới, Nam Đông đã được xây dựng, nâng cấp khá đồng bộ từ các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Điều kiện học tập của con em vùng DTTS đã được nâng cao, tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng đã giảm rất đáng kể trong vòng 2-3 năm trở lại đây. Tại huyện A Lưới, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm học 2022-2023 đạt trên 90%, đó là kết quả rất tốt,- ông Nguyễn Tân cho biết.

Lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết, thời gian qua tỉnh rất quan tâm đến công tác giáo dục ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số: ngoài các chính sách từ cấp Trung ương đến địa phương, Sở cũng kết nối nhiều nguồn lực, các tổ chức, mạnh thường quân hỗ trợ học bổng cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số; tỉnh cũng có chương trình khen thưởng riêng dành cho học sinh vùng dân tộc thiểu số…

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc