Thanh Hoá: Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình cho học sinh

VHO - Trong thời đại công nghệ 4.0, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh ngày càng trở nên cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do đó, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Thanh Hoá: Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình cho học sinh - Anh 1

Các đội thể hiện phần thi năng khiếu tại chương trình truyền thông giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh các trường THCS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh các trường THCS về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng và nhà trường, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức Chương trình truyền thông giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh các trường THCS trên địa bàn tỉnh năm 2023. Thông qua 3 phần thi, chào hỏi, hùng biện truyền thông và năng khiếu các đội thi đã gửi đến những câu chuyện ý nghĩa về đạo đức, lối sống trong gia đình, văn hóa ứng xử trong gia đình, trường học và những câu chuyện ý nghĩa về vai trò của gia đình, về chung tay phòng, chống BLGĐ...

Có mặt tại Chương trình truyền thông giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh các trường THCS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023, chúng tôi mới thấy sức mạnh của tuyên truyền. Nó tác động nhanh, trực tiếp đến cảm xúc, nhận thức của học sinh. Tất cả những điều luật, quy định khô cứng được truyền tải sinh động, gần gũi qua những tiểu phẩm. Xúc động trước những tiểu phẩm về cách ứng xử trong gia đình, em Lê Minh, học sinh lớp 6G, trường THCS Điện Biên, thành phố Thanh Hóa, chia sẻ: “Tiểu phẩm của đội thi huyện Nông Cống nói về gia đình của một bạn học sinh lớp 9 có bố làm phụ hồ, mẹ bán ve chai. Mặc dù kinh tế gia đình khó khăn, nhưng bố mẹ bạn lại rất chăm lo đầu tư việc học và mong ban học thật giỏi, sau này thay đổi cuộc đời, đã khiến em và nhiều người xúc động. Cách diễn xuất tự nhiên, nội dung gần gũi với đời sống đã chạm đến trái tim người xem. Tiểu phẩm khiến em ngẫm lại bản thân trong những lần bất đồng quan điểm đã làm người thân và bạn bè phải buồn, từ đó nhắc nhở em cần học cách ứng xử hài hòa, chuẩn mực hơn để hạn chế mâu thuẫn với người thân và bạn bè". "Qua chương trình, chúng em được trau dồi thêm nhiều kiến thức về pháp luật,  văn hóa, đạo đức lối sống, từ đó nhìn nhận lại bản thân mình, cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành những con ngoan, trò giỏi", em Lê Minh chia sẻ.

Còn em Hà Hồng Ly, học sinh Trường THCS Cũ Lũng, cho biết, không những rất sinh động, hấp dẫn, tạo môi trường, không khí thoải mái để HS chủ động trao đổi, sẻ chia những vấn đề liên quan đến phòng, chống bạo lực học đường. Chương trình còn cập nhật những kiến thức pháp luật có liên quan đến hậu quả do bạo lực học đường gây ra, từ đó trang bị những kỹ năng xử lý tình huống để ngăn chặn hoặc tham gia giải quyết, đấu tranh với các hành vi bạo lực học đường. Bên canh đó, chương trình cũng đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng mỗi học sinh khi những câu chuyện đẹp về tình bạn trong môi trường học đường được lan tỏa; những thông điệp ý nghĩa hướng học sinh đến lối sống, hành vi chuẩn mực; đồng thời cổ vũ những thói quen tốt, hành động đẹp để phòng, chống bạo lực trong môi trường học đường…”.

Cô giáo Nguyễn Thị Khánh, Trường THCS Điện Biên (TP Thanh Hóa) chia sẻ, cách tuyên truyền thông qua những tiểu phẩm này đã tác động nhanh, trực tiếp đến người xem, đặc biệt là các em học sinh. Những tiểu phẩm truyền thông ấy được các em học sinh, người dân và cán bộ, công chức làm trong lĩnh vực công tác văn hóa, gia đình ghi lại, chia sẻ trên các trang mạng xã hội, trở thành những bài tuyên truyền có tính lan tỏa sâu rộng.

Theo đánh giá của Ban tổ chức chương trình, các đội thi đã có nhiều sáng tạo trong thể hiện, nội dung phong phú, ấn tượng. Qua 3 phần thi, nhiều đội đã đầu tư khá công phu từ nội dung, đạo cụ, diễn xuất mang đến cho chương trình góc nhìn toàn diện về hoạt động truyền thông tại các địa phương, sự lan tỏa và truyền tải được những thông điệp rất ý nghĩa từ việc khai thác các vấn đề về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng và nhà trường.

Có thể thấy, công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc cung cấp kiến thức cho học sinh các trường THCS về các vấn đề về đạo đức, lối sống trong gia đình, văn hóa ứng xử trong gia đình, trường học, từng bước tạo sự chuyển biến, thay đổi hành vi, nhận thức của học sinh trong văn hóa ứng xử, đạo đức lối sống từ đó bồi đắp, nuôi dưỡng, hình thành nhân cách tốt cho học sinh; tạo hiệu ứng, lan tỏa về hành động đẹp, nghĩa cử đẹp, ứng xử đẹp cho học sinh các trường THCS trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời nâng cao nhận thức và thay đổi hành động của người dân về phòng, chống BLGĐ, chung tay xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, ngoài chương trình truyền thông giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, văn hóa ứng xử trong gia đình cho học sinh, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền có sức lan tỏa sâu rộng như: Tuyên truyền về gia đình, phòng chống BLGĐ và kỹ năng xây dựng gia đình trong tình hình mới; tập huấn tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống BLGĐ...

Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai công tác gia đình hằng năm. Từ đó, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thành viên và ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tùy theo chức năng nhiệm vụ tăng cường tuyên truyền về công tác gia đình nói chung và phòng, chống BLGĐ nói riêng với nhiều hình thức và nội dung phong phú. Các sở, ngành liên quan đã bám sát chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên trong công tác gia đình để xây dựng kế hoạch tuyên truyền; lồng ghép nội dung tuyên truyền về gia đình và phòng, chống BLGĐ vào nội dung, chương trình hoạt động của đơn vị. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền lưu động, cổ động trực quan; cấp phát tài liệu; qua diễn đàn, hội thi...

Theo báo cáo của Sở VHTTDL Thanh Hóa, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan, đơn vị đã cấp phát trên 39.400 tài liệu về gia đình và phòng, chống BLGĐ; cấp phát hơn 30.000 tờ gấp tuyên truyền về công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ; treo trên 3.300 băng rôn, áp phích tuyên truyền về công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ; tổ chức hơn 2.000 hội nghị tập huấn, tọa đàm truyền thông tuyên truyền cho hàng nghìn cán bộ, công chức và người dân về phòng, chống BLGĐ... Những nổ lực của các của các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua đã góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp trong gia đình, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. 

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc