Nghệ An có 6 cơ sở kinh doanh karaoke, bar, pub đủ điều kiện hoạt động

VHO - Sau thời gian bị đình chỉ để khắc phục phòng cháy, chữa cháy, 6 quán bar, karaoke ở Nghệ An đã được phép hoạt động trở lại.

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 399 cơ sở karaoke, quán bar, pub thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC. Trong đó, 172 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, 221 cơ sở tự dừng hoạt động, chỉ có 6 cơ sở thuộc địa bàn thành phố Vinh đủ điều kiện hoạt động, gồm: Bar Seven, Bar Zuly, Pub The Local, Karaoke Vertu, Karaoke Apec, Karaoke 48.

Trong thời gian qua, Cơ quan chức năng Nghệ An đã thành lập các tổ công tác để hướng dẫn các cơ sở khắc phục các tồn tại (là lý do phải ngừng hoạt động đến thời điểm hiện nay) gồm: vật liệu dùng trang trí, cách âm không đạt tiêu chuẩn; hành lang, lối thoát nạn không đảm bảo; chưa đấu nối hệ thống âm thanh với hệ thống báo cháy… lực lượng đã tăng cường việc kiểm tra giám sát, qua đó đã tiến hành xử phạt 67 trường hợp không đủ điều kiện về PCCC nhưng vẫn lén lút hoạt động với số tiền gần 700 triệu đồng.
Hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã bị đình chỉ hoạt động hoặc tự cam kết ngừng hoạt động để thực hiện đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy. Các chủ kinh doanh karaoke đang tìm cách thích ứng để có thể hoạt động ổn định lâu dài. Ông Nguyễn Đình Tài, chủ một cơ sở kinh doanh karaoke tại TP.Vinh cho biết: Trong những năm qua, kinh doanh dịch vụ karaoke gặp nhiều khó khăn. Sau dịch Covid-19 khiến toàn bộ hoạt động bị đóng băng. Sau khi được mở cửa trở lại không lâu thì lại xảy ra nhiều vụ cháy karaoke trên cả nước, nên chúng tôi dừng hoạt động để sửa chữa, cải tạo lại quán. Từ đó đến nay, việc kinh doanh vẫn chưa thể ổn định trở lại do chi phí đầu tư để đạt yêu cầu là rất lớn.

Nghệ An có 6 cơ sở kinh doanh karaoke, bar, pub đủ điều kiện hoạt động - Anh 1

Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra việc PCCC ở tất cả các quán karaoke, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh

Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Karaoke Nghệ An cho biết: Để xây dựng được một phòng karaoke, bar, doanh nghiệp phải đầu tư hàng tỷ đồng. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã vay ngân hàng số tiền rất lớn để đầu tư về trang thiết bị, nâng cấp phòng ốc. Đặc điểm của kinh doanh karaoke, bar là đầu tư cao cho máy móc, thiết bị. Nếu lâu không sử dụng thiết bị sẽ hư hỏng, phòng ốc ẩm mốc; Chi phí để bảo dưỡng, bảo trì máy móc khi không hoạt động cũng rất lớn. Do đó, đây được xem là một trong những thời điểm khó khăn nhất của dịch vụ này.
Chủ tịch Hiệp hội Karaoke Nghệ An kiến nghị: Nếu cơ quan chức năng yêu cầu các cơ sở kinh doanh karaoke thực hiện theo QCVN 06:2022/BXD thì đồng nghĩa với việc các cơ sở phải phá bỏ toàn bộ nội thất làm lại từ đầu. Mỗi phòng đầu tư 500-700 triệu giờ phá bỏ để đầu tư mới sẽ khiến doanh nghiệp lâm vào phá sản. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở theo lộ trình khắc phục mà không bị tạm đình chỉ, có thể phân thành 2 nhóm. Một là, các cơ sở đã được thẩm duyệt PCCC và được cấp phép có đầy đủ giấy tờ, điều kiện, thiết bị, cứu hộ cứu nạn, cơ sở hạ tầng lối thoát hiểm…. đạt chuẩn về PCCC thì xin được vừa hoạt động vừa khắc phục với cam kết đảm bảo an toàn về PCCC, nếu xảy ra sự cố sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Hai là những cơ sở thiếu trang thiết bị, không đủ điều kiện về sự an toàn về hệ thống điện, hệ thống báo cháy tự động, không đủ lối thoát nạn, xa trụ nước công cộng... không đáp ứng yêu cầu A.4.2 QCVN 06:2022/Bộ xây dựng thì tạm dừng để khắc phục.
                                                                                                                                                                       PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc