Di sản cộng đồng kết tinh từ văn hóa các dân tộc  Việt, Khmer, Chăm và Hoa ở Nam Bộ

VHO - Là loại hình sinh hoạt tín ngưỡng dân gian truyền thống, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân An Giang nói riêng và Nam Bộ nói chung. Lễ hội mang đậm văn hóa của cư dân vùng Nam Bộ, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với cộng đồng các dân tộc Khmer, Chăm và Hoa.

Di sản cộng đồng kết tinh từ văn hóa các dân tộc  Việt, Khmer, Chăm và Hoa ở Nam Bộ - Anh 1

Nghi thức rước Bà Chúa Xứ từ đỉnh núi Sam về nhập miếu

Năm 2014, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia. Hiện nay, Lễ hội đang được Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là DSVHPVT đại diện nhân loại. Bộ cũng đã có văn bản gửi Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam về việc đề cử Lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lựa chọn ưu tiên trình UNESCO xem xét vào năm 2024. 

Hiện nay, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam có sức hút mạnh mẽ đối với người dân, du khách trong và ngoài nước. Do đó, việc bảo tồn và phát huy Lễ hội, song song với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch. 

Di sản cộng đồng kết tinh từ văn hóa các dân tộc  Việt, Khmer, Chăm và Hoa ở Nam Bộ - Anh 2

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam với sự quan tâm của chính quyền, người dân thành phố Châu Đốc và cộng đồng thực hành lễ hội

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội truyền thống trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu của các cộng đồng dân tộc Việt, Chăm, Khmer, Hoa ở Nam Bộ, Việt Nam được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã trở thành một địa điểm du lịch tâm linh của của người dân trong và ngoài nước với sự quan tâm của chính quyền, người dân thành phố Châu Đốc và cộng đồng thực hành lễ hội. 

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được tổ chức vào các ngày 23, 24, 25, 26 và 27 tháng Tư âm lịch hằng năm. Vía chính vào ngày 24 tháng Tư âm lịch. Trình tự của lễ hội có các nghi thức: Lễ tắm Bà; Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về miếu Bà; Lễ túc yết; Lễ xây chầu; Lễ chánh tế.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam chứa đựng những cứ liệu sinh động về dấu ấn lịch sử thời kỳ người Việt “mang gươm đi mở cõi” đến vùng đất An Giang, với sự giao lưu, hội nhập về các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị và quân sự cùng các dân tộc Khmer, Chăm, Hoa để rồi tạo ra sự đồng thuận trong quá trình dựng nước và giữ nước, sự hài hòa trong quan hệ cộng đồng về mặt văn hóa, vừa kế tục được sự nghiệp văn hóa của người cổ xưa, vừa tôn tạo, bồi đắp được nền văn hóa mang bản sắc Việt độc đáo. 

Di sản cộng đồng kết tinh từ văn hóa các dân tộc  Việt, Khmer, Chăm và Hoa ở Nam Bộ - Anh 3

Lễ hội là một hiện tượng sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú không chỉ đối với người Việt, Khmer, Chăm, Hoa

Lễ hội miếu Bà chúa Xứ bên cạnh các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng hướng tới chủ điện thờ là một nhân vật huyền thoại, còn gắn với những nhân vật lịch sử – những người có công khai phá và bảo vệ vùng đất này – là vợ chồng danh tướng Thoại Ngọc Hầu cùng các bộ tướng và binh sĩ. Những hành trạng đích thực được gắn kết với đời sống văn hóa tâm linh đã góp phần lưu giữ những giá trị lịch sử phát triển vùng đất phía tây – nam của Tổ quốc trong xã hội đương đại. 

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là một hiện tượng sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú không chỉ đối với người Việt, Khmer, Chăm, Hoa của vùng đất Nam Bộ mà còn ảnh hưởng và thu hút đông đảo khách hành hương từ khắp mọi miền đất nước và du khách nước ngoài. Theo Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam, trung bình mỗi năm có hơn hơn 5 triệu khách thập phương đến thăm viếng và cầu khấn ở miếu Bà, riêng những ngày tháng Giêng, ước tính khoảng 2 triệu lượt khách hành hương đến viếng. 

Di sản cộng đồng kết tinh từ văn hóa các dân tộc  Việt, Khmer, Chăm và Hoa ở Nam Bộ - Anh 4

Sức hút khách hành hương của cụm di tích Lăng – Miếu và Lễ hội miếu Bà, về mặt tâm linh cùng những giá trị văn hóa truyền thống khác đã góp phần quảng bá cho những nét văn hóa độc đáo của vùng đất Núi Sam nói riêng và văn hóa An Giang nói chung. Chính vì thế, bên cạnh các giá trị về mặt tâm linh, kiến trúc, nghệ thuật, thì Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam còn mang trong mình nhiều giá trị và tiềm năng phục vụ cho việc phát triển du lịch bền vững ở địa phương, trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch vùng đất này. 

Những năm qua, các nhà quản lý, cộng đồng tỉnh An Giang cùng với các nhà nghiên cứu đang dành nguồn lực ưu tiên về chuyên môn và chính sách cho việc nghiên cứu, bảo vệ và phát huy DSVHPVT thực hành Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, một lễ hội đặc sắc có từ lâu đời, mang đậm giá trị văn hóa tâm linh tín ngưỡng của người dân vùng sông nước Nam Bộ. 

Di sản cộng đồng kết tinh từ văn hóa các dân tộc  Việt, Khmer, Chăm và Hoa ở Nam Bộ - Anh 5

Lễ hội đang được Thủ tướng cho phép xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là DSVHPVT đại diện nhân loại

Năm 2023, Bộ VHTTDL đã có văn bản số 1878/BVHTTDL-DSVH gửi Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam về việc đề cử Lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lựa chọn ưu tiên trình UNESCO xem xét vào năm 2024. Theo Bộ VHTTDL, hiện, miền Nam Việt Nam mới có một di sản được ghi danh là Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian. Như vậy, ở khu vực Nam Bộ chưa có di sản của dân tộc thiểu số nào được ghi danh. 

Di sản Lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam thuộc các loại hình Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng, Tri thức dân gian của đồng bào các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm. 

Di sản cộng đồng kết tinh từ văn hóa các dân tộc  Việt, Khmer, Chăm và Hoa ở Nam Bộ - Anh 6

Di sản Việt Nam có chủ thể là các dân tộc cả đa số và thiểu số 

Nếu được ghi danh, đây sẽ là di sản đầu tiên của Việt Nam có chủ thể là các dân tộc cả đa số và thiểu số, và tạo ra sự cân đối về di sản tín ngưỡng được ghi danh ở các vùng miền (Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở Nam Định, mà hiện đang thực hành chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam), sự cân đối về các tộc người là chủ thể thực hành di sản (hiện đã có di sản của các dân tộc thiểu số ở phía Bắc và miền Trung được ghi danh như Nghệ thuật Xòe Thái, Then Tày, Nùng, Thái, Không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc ở Tây Nguyên và Nghề làm gốm của người Chăm) và cân đối về sự phân bố di sản được UNESCO ghi danh trên mảnh đất Việt Nam. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc