Chức danh khoa học ở Việt Nam(Bài cuối): Cần quyết liệt đổi mới quy định

VH- Từ những phân tích, nhận định và thông tin trình bày trong hai bài viết trước về việc phong hàm GS, PGS, tôi xin phép được nêu một số đề xuất với ý nghĩa “trả tinh hoa về với… tự nhiên”.

Chức danh khoa học ở Việt Nam(Bài cuối): Cần quyết liệt đổi mới quy định - Anh 1

 Cần mạnh dạn giao về cho các trường nhiệm vụ đào tạo và phong học hàm GS, PGS. Ảnh mang tính minh họa

Ba thay đổi

Để khắc phục tình trạng “quá tải” về số lượng GS, PGS như hiện nay, xin nêu lại quan điểm hội nhập trong hai bài trên: Nhà nước nên có quyết định về vị trí GS, PGS như quốc tế đang làm. Nghĩa là: (1) Giao về cho các trường nhiệm vụ đào tạo và phong HỌC HÀM (GS, PGS) cho giảng viên cơ hữu; và phối hợp cùng các cơ sở thực hành phối hợp của nhà trường xây dựng đội ngũ, đào tạo và xem xét để phong danh hiệu tượng trưng cho các GIẢNG VIÊN KIÊM NHIỆM (associated “professor”). Để tránh sự mập mờ gây hiểu nhầm, trong tiếng Việt, nên quy định rõ ràng các thuật ngữ giáo sư, phó giáo sư và giảng viên kiêm nhiệm.

(2) Cũng nên có cơ chế chuyển đổi vị trí giáo sư cho những giảng viên kiêm nhiệm xuất sắc và cá biệt là những cán bộ kiêm nhiệm nhưng nổi trội trong toàn chuyên ngành, được giáo sư đầu chuyên ngành của nhà trường và các phó giáo sư cùng toàn thể cán bộ giảng viên cơ hữu cũng như đối tượng trực tiếp là sinh viên và học viên sau đại học đề xuất, giới thiệu, lãnh đạo phía cơ sở mà họ làm việc đồng ý, và hội đồng khoa học/hội đồng học hàm nhà trường xét duyệt và chấp thuận. Có như vậy mới thu hút được những nhân tài ngoài trường để tăng thêm nhân lực cao và uy tín của nhà trường.

(3) Nâng tiêu chuẩn phong học hàm hiện nay lên gấp rưỡi (9 điểm so với 6 điểm cho PGS và 18 điểm so với 12 điểm hiện nay), vì tiêu chuẩn hiện nay đã lỗi thời, quá thấp nên dẫn đến việc có quá nhiều ứng viên, quá tải cho việc xét duyệt tại các hội đồng.

Với ba sự thay đổi trên, chắc chắn số lượng ứng viên GS, PGS sẽ tự thân giảm xuống và cô đọng lại ở những ứng viên thực chất và có chất lượng cao, tránh gánh nặng cho hội đồng và sự lãng phí công sức của cán bộ tại các cơ sở đào tạo và cơ sở phối hợp, nhưng không bỏ sót nhân tài gây tổn thất cho các chuyên ngành khoa học.

Cần tập trung những vấn đề gì?

Để nâng cao một cách thực sự chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành (GS, PGS), nhằm tạo nên một sức mạnh thực sự cho nền khoa học nước nhà, nhà nước cần tin tưởng và giao phó trách nhiệm cho các trường và các viện nghiên cứu quốc gia bằng những quy định có tính pháp lý trong việc hoạch định cơ cấu, xây dựng chiến lược, phương pháp đào tạo; xây dựng, thông qua và công bố công khai bộ tiêu chí cùng quy trình, lộ trình và phương pháp đánh giá định kỳ đội ngũ ứng viên cho việc phong hàm. Cụ thể, cần tập trung vào những điểm sau:

(1) Nhà nước giao cho Hội đồng khoa học cùng Hội đồng học hàm nhà trường thiết lập danh sách GS, PGS dựa theo số lượng học viên đào tạo và nhiệm vụ cơ bản của từng chuyên ngành (quota); (2) Hội đồng khoa học nhà trường giao cho giáo sư đầu ngành/chủ nhiệm bộ môn/ trưởng khoa của trường chịu trách nhiệm với nhà trường và Hội đồng khoa học/Hội đồng học hàm trong việc tuyển chọn, lên kế hoạch đào tạo, chọn người thay thế; (3) Dưới sự quản lý và điều hành của Hội đồng khoa học/Hội đồng học hàm nhà trường, giáo sư đầu chuyên ngành/chủ nhiệm Bộ môn/trưởng khoa tổ chức đánh giá định kỳ và tổng kết điểm tích lũy theo các tiêu chí đào tạo của trường trình lên Hội đồng khoa học hằng năm và đề xuất với Hội đồng học hàm để công nhận các đối tượng trong kế hoạch bổ nhiệm PGS; chọn và đề xuất PGS xuất sắc nhất cho việc bổ nhiệm phong hàm GS thay thế khi GS đầu ngành đã đến lúc nghỉ (hoặc thấy cần nghỉ); (4) Giáo sư đầu chuyên ngành/ chủ nhiệm bộ môn/trưởng khoa phải là người chịu trách nhiệm trong đào tạo “phần cứng” điều phối, phân bổ về việc đào tạo các học viên đại học và nhất là sau đại học cùng các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cấp Bộ/ngành và cấp nhà nước cho các ứng viên PGS (và các giảng viên cơ hữu) để đảm bảo về chất lượng giảng dạy và nội dung chất lượng các bài báo từ các công trình khoa học đủ tầm quốc tế khi đăng các bài báo trong các tạp chí khoa học có uy tín (có ISI>3 điểm); (5) Giáo sư đầu chuyên ngành/chủ nhiệm bộ môn/trưởng khoa cũng phải là người chịu trách nhiệm trong đào tạo “phần mềm” của các ứng viên trong chuyên ngành/ bộ môn/khoa mình chịu trách nhiệm; (6) Giáo sư đầu chuyên ngành/chủ nhiệm bộ môn/trưởng khoa cũng phải là người chịu trách nhiệm cùng với Hội đồng khoa học các cơ sở phối hợp đào tạo để xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm có đầy đủ phẩm chất khoa học và nhân văn để từ đó đào tạo, giám sát, ký kết và thanh lý hợp đồng đào tạo hằng năm, nhằm đảm bảo chất lượng thực của các giảng viên kiêm nhiệm và tìm kiếm các nhân tài thay thế mình cho nhà trường khi cần thiết; (7) Các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín nước ngoài cần được xác định rõ tác giả, thường đó là các tác giả thông tấn (correspondent authors), thông thường là tác giả chính thức (nghiên cứu viên chủ chốt, nghiên cứu sinh là người có tên đứng đầu danh sách tác giả) hoặc thầy hướng dẫn của đề tài hoặc nghiên cứu sinh đó (thường là đứng cuối danh sách tác giả trong bài báo). Những người có tên trong danh sách tác giả bài báo chỉ là cộng tác viên, không được tính là tác giả chính, nên chỉ có giá trị “thành tích” khoa học nhưng không được tính là tác giả chính bài báo quốc tế.

Với những nội dung trên đây, việc phong học hàm GS, PGS sẽ trở nên thực chất, thường quy, có chất lượng và số lượng đảm bảo cho sự phát triển của đội ngũ khoa học từng chuyên ngành, từng trường và sẽ dần dần tạo nền móng cho sự phát triển thực sự và mạnh mẽ nền khoa học nước nhà, vinh danh đúng những cá nhân và trường có đóng góp thực chất cho nền khoa học nước nhà. Từ đó, vị thế Việt Nam mới tăng dần trên bảng thành tích khoa học thế giới. 

 ​Đề xuất giải pháp

* Xác định lại vai trò cũng như số lượng và nhất là chất lượng thực sự của các nhà khoa học dựa theo tiêu chí và số lượng học viên của từng trường.

* Nhà nước có chủ trương chung cho từng trường nâng tiêu chí ngang với các nước trong khu vực và trung bình trên thế giới.

* Giao quyền làm kế hoạch (cả về đào tạo, phát triển) gắn liền với nhu cầu đích thực về cán bộ khoa học đầu ngành và kế cận của từng chuyên ngành trong từng trường cụ thể, cả về số cơ hữu và kiêm nhiệm/thỉnh giảng. Mọi tiêu chuẩn đều theo chất lượng công việc hàng năm, kiên quyết loại bỏ kiểu “kê khai” hồ sơ một lần lúc bổ nhiệm để tránh “chạy chọt” và “xin giờ giảng” từ đơn vị cơ sở (khoa, bộ môn).

* Giao toàn bộ việc xét duyệt cho Hội đồng khoa học nhà trường là cơ quan có đủ cả về điều kiện chuyên môn và theo dõi tính nhân văn và sức lôi cuốn của từng cán bộ giảng khi phong học hàm.

* Kiện toàn Ban chuyên môn học hàm nhà nước (Bộ GD&ĐT) theo hướng: tầm nhìn, được đào tạo chuyên sâu và có khả năng/năng khiếu quản lý, tính sát thực và phẩm chất nhân văn (trung thực, tự trọng, liêm chính).

* Nâng cao chất lượng đầu vào (TS) cả về thầy và trò, cả về công trình khoa học đích thực (đề tài cấp bộ/tỉnh/ngành, cấp nhà nước, cấp quốc tế) và các bài báo khoa học đích thực (Scopus/ISI).

 

  PGS.TS NGUYỄN VĂN BÀNG

Ý kiến bạn đọc