Xét xử vụ chạy thận: Hàng loạt câu hỏi “xoáy” đang bị “treo”

VH- Điều khiến nhiều người bức xúc trong phiên tòa kéo dài 4 ngày chưa có hồi kết tại TAND tỉnh Hòa Bình, đó chính là sự vắng mặt của nhiều người có nghĩa vụ phải hầu tòa.

Xét xử vụ chạy thận: Hàng loạt câu hỏi “xoáy” đang bị “treo” - Anh 1

Liệu các bị cáo đang bị xét xử có thực sự là người phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án?

Người có nghĩa vụ hầu tòa “biến mất”

Trước tiên, đó là ông Trương Quý Dương, người đứng đầu BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình thời điểm xảy ra vụ việc. Trong phiên xét xử sơ thẩm, ông Dương được triệu tập đến tòa với tư cách “Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”. Tuy nhiên, ngay từ phần thủ tục phiên tòa sáng 15.5, thư ký phiên tòa đã công bố ông Dương xin phép vắng mặt và ủy quyền cho ông Đỗ Quốc Quyền tham gia phiên tòa kể từ khi ký giấy ủy quyền (ngày 9.5.2018) cho đến khi kết thúc phiên tòa. Thế nhưng chỉ sau một ngày phiên tòa được mở, ông Quyền có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa với lý do bị ốm. Cũng xin nói thêm rằng, ngay cả ngày đầu tiên tham gia phiên tòa, ông Quyền cũng chưa trả lời vấn đề nào liên quan đến trách nhiệm của ông Dương trong sự cố đau lòng xảy ra trước đó một năm.

Người thứ hai cũng chưa một lần xuất hiện trước tòa trong suốt mấy ngày xử án, đó chính là ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng vật tư và trang thiết bị y tế của BV. Ông Thắng chính là người có quyền và trách nhiệm quản lý toàn bộ máy móc, trang thiết bị, vật tư của BV để phân phối, cấp phát cho các khoa, phòng cũng như chịu trách nhiệm trong việc sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng các máy móc, trang thiết bị theo định kỳ hoặc khi bị hư hỏng và bàn giao lại cho các khoa, phòng sau khi đã được sửa chữa, bảo dưỡng. Ông Thắng cũng chính là cấp trên trực tiếp của bị cáo Trần Văn Sơn, người đã bị tạm giam gần một năm qua kể từ khi xảy ra sự cố. Nhiều người bức xúc vì không chỉ đến tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo giấy triệu tập của tòa, mà còn với tư cách người quản lý trực tiếp của bị cáo Sơn, ông Thắng có lẽ cũng nên dành thời gian đến để “động viên” nhân viên của mình.

Ông Hoàng Đình Khiếu, Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng chỉ đến tòa được 2 ngày (ngày đầu cũng chưa phải trả lời câu hỏi nào của Hội đồng xét xử), thì ngày thứ 3 cũng tự nhiên lăn đùng ra… ốm nên có đơn xin vắng mặt tại tòa. Điều dưỡng viên trưởng Đinh Tiến Công, đến ngày thứ 3 của phiên xử cũng nại lý do: “Hiện nay do sức khỏe, tinh thần không tốt nên tôi không thể tiếp tục tham gia vụ án được”, và ông Công đã đề nghị vắng mặt trong tất cả các buổi làm việc của Tòa án. Tiếp theo là điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng cũng lấy lý do sức khỏe không bảo đảm và xin vắng mặt tại tòa.

Trong một phiên xét hỏi, khi được đề nghị hỏi ông Khiếu, ông Công, chị Hằng, tất cả đều không có mặt, luật sư Nguyễn Văn Chiến đã phải thốt lên: “Chúng tôi muốn làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án, nhưng không ai có mặt thế này thì biết hỏi ai”. Nhiều luật sư khác cũng đặt thẳng vấn đề, nếu đã mở phiên tòa công khai để xét hỏi mà phải dựa vào hồ sơ có sẵn thì liệu có khách quan không?

Quá bức xúc vì sự vắng mặt của những người mà “lời khai của họ sẽ làm sáng tỏ các vấn đề quan trọng trong vụ án” nên các luật sư đã “khẩn thiết” đề nghị Tòa cho triệu tập đầy đủ. Tuy nhiên, ngoài sự vắng mặt suốt mấy ngày trời của ông Dương và ông Thắng, thì sự xuất hiện “cắc bụp” của một số người có nghĩa vụ hầu tòa khác cũng khiến nhiều vấn đề đang bị bỏ lửng.

Cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Đại diện BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, do nhu cầu xã hội hóa nên BV đã liên kết với Công ty Thiên Sơn và Công ty này đã đến BV lắp đặt các trang thiết bị máy móc. BS Hoàng Công Tình cũng cho biết, các máy chạy thận tại nguyên đơn thận nhân tạo của BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng được Công ty này cung cấp, do đó hằng ngày Công ty Thiên Sơn có cử người đến đếm các ca chạy thận, tỷ lệ ăn chia là Công ty Thiên Sơn 90%, BV 10%. Trong liên kết này, Công ty Thiên Sơn là người sở hữu các máy móc, thiết bị này, sau khi khấu hao hết thì máy móc sẽ thuộc sở hữu của BV.

Theo Luật sư Trần Đình Triển, chính vì có sự liên kết này nên cần phải làm rõ xem Hợp đồng của Công ty cung cấp thiết bị với BV Đa khoa Hòa Bình. Nếu có hợp đồng và làm rõ những quy định trong hợp đồng thì có thể tội chính trong vụ án này là Giám đốc Công ty cung cấp thiết bị và Giám đốc BV. Nếu không có hợp đồng giữa hai bên thì lại càng đủ căn cứ khởi tố Giám đốc Công ty và Giám đốc BV.

Trở lại vụ án, nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết cho các nạn nhân là do tồn dư một lượng lớn hóa chất trong hệ thống lọc nước RO số 2 sau khi sục rửa. Theo luật sư Triển, cần làm rõ Hợp đồng giữa Công ty cung cấp thiết bị với Công ty bảo dưỡng, lắp đặt, thay thế: Có hợp đồng không? Ký lúc nào? Đây là lần đầu tiên hay đã sữa chữa nhiều lần? Nếu đã có thì những lần trước có hợp đồng không? Làm rõ những quy định trong hợp đồng để quy trách nhiệm. Công ty sửa chữa này có chức năng không? Có đủ điều kiện chuyên môn không?... Phải làm rõ những vấn đề đó để xác định trách nhiệm của Giám đốc BV và Giám đốc công ty cung cấp thiết bị.

Để trả lời các câu hỏi: Hậu quả đau thương là 9 bệnh nhân bị chết lỗi do đâu? Ai phải chịu trách nhiệm? Cơ quan quản lý nhà nước rút ra được bài học gì trước tính mạng của bệnh nhân hiện tại và tương lai? Luật sư Triển cho rằng: Hội đồng xét xử cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ những vấn đề trên, để giải quyết vụ án đúng pháp luật. 

 HOÀNG HƯƠNG

 

Ý kiến bạn đọc