Vụ việc 42 người phát hiện bị HIV ở Phú Thọ: Cần sớm ổn định tâm lý và điều trị cho bệnh nhân

VH- Người dân xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn-Phú Thọ) chưa kịp hết khó khăn vì đợt ngập lụt vừa qua thì lại hoang mang, hốt hoảng khi nghe tin 42 người trong xã sau khi xét nghiệm biết nhiễm HIV/AIDS.

Vụ việc 42 người phát hiện bị HIV ở Phú Thọ: Cần sớm ổn định tâm lý và điều trị cho bệnh nhân - Anh 1

Các cơ quan chức năng đến thăm người mắc HIV/AIDS tại xã Kim Thượng

Trước thông tin 42 người dân ở xã Kim Thượng bị phát hiện nhiễm HIV, ngày 13.8, đoàn công tác của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã có mặt tại địa bàn để tìm hiểu và khảo sát tình hình. Bước đầu các chuyên gia nhận định, chưa có cơ sở để kết luận về nguồn lây nhiễm bệnh, hay định hướng về nguồn lây nào.

Bệnh nhân đã mắc bệnh trong thời gian dài

Đại diện chính quyền tỉnh Phú Thọ cũng bác bỏ về thông tin ban đầu gây xôn xao dư luận là sự việc bắt nguồn từ một nữ bệnh nhân ở xã Kim Thượng được phát hiện nhiễm HIV, trong khi chị này chỉ quanh quẩn trong khu vực và không quan hệ “ngoài luồng” với ai. Theo đó, bà đã đến nhà y sĩ H.T.T để tiêm thuốc. Lo sợ về tình trạng bệnh của mình, rất nhiều người dân cùng xã đã từng khám tại nhà y sĩ T đến Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn để xét nghiệm và nhận được kết quả dương tính với HIV. Từ đây đã dấy lên nghi ngờ về việc y sĩ T đã dùng chung bơm kim tiêm để tiêm cho các bệnh nhân.

Báo cáo nhanh của Sở Y tế Phú Thọ cho biết, dân số xã Kim Thượng chủ yếu là người dân tộc Mường, xã đã phát hiện bệnh nhân HIV/AIDS từ năm 2012 và được đưa vào danh sách giám sát thường xuyên. Tuy nhiên, từ tháng 2 - 6.2018, tại Khoa Nhiệt đới (BV đa khoa tỉnh Phú Thọ) ghi nhận hai trường hợp tử vong do bị AIDS đều có địa chỉ ở xã Kim Thượng. Đồng thời phát hiện thêm 4 người nhiễm HIV mới cũng tại xã này. Trước tình hình đó, Sở Y tế tỉnh đã phối hợp với Trung tâm y tế huyện Tân Sơn triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về “Tình trạng sức khoẻ của người dân liên quan đến một số bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm tại cộng đồng” tại 8 cụm dân cư ở xã Kim Thượng từ ngày 1-31.7. Qua kết quả xét nghiệm đã phát hiện 42 người nhiễm mới HIV/AIDS trên tổng số 490 mẫu.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, trong những người mới phát hiện đã có người đã chuyển sang giai đoạn bệnh AIDS, giai đoạn nặng. Thông thường, nhiễm HIV có thể mất ít nhất 3 tháng để biết kết quả nhưng chuyển sang giai đoạn AIDS nặng phải trải qua 5 - 7 năm. “Lây nhiễm HIV có nhiều nguồn khác nhau như có va chạm qua đường dính máu, đường tiêm chích, tình dục không an toàn, lây từ mẹ sang con… Các số liệu và căn cứ hiện nay chưa thể kết luận được nguồn lây tại địa phương, những người bị nhiễm chuyển sang giai đoạn AIDS tức là họ đã bị lây nhiễm từ nhiều năm trước. Chúng tôi đã tới thăm hai bệnh nhân bị nhiễm và họ cũng khẳng định không phải nguồn lây nhiễm từ bơm kim tiêm từ nhà y sĩ T. Bệnh nhân chia sẻ, đã bị ốm trước đó một năm và chỉ đến nhà y sĩ này từ tháng 2.2018”, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho hay.

Vụ việc 42 người phát hiện bị HIV ở Phú Thọ: Cần sớm ổn định tâm lý và điều trị cho bệnh nhân - Anh 2

 Ông Nguyễn Hoàng Long (trái) thăm một trong 42 bệnh nhân mới mắc HIV tại xã Kim Thượng

Cần phải chờ kết luận của cơ quan chức năng

Là người trực tiếp đến xã Kim Thượng để khảo sát tình hình, ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho rằng, với số lượng người mắc này, tỷ lệ người mắc HIV/AIDS tại xã Kim Thượng được xếp vào nhóm cao thứ ba trong các xã có người mắc bệnh trên toàn quốc (trên 50 người mắc trở lên).

Việc tìm ra nguyên nhân của sự lây lan dịch bệnh này, và có hay không chuyện lây nhiễm từ dịch vụ y tế tư nhân, cụ thể là từ nhà y sĩ T, ông Cảnh cho biết: Cần chờ kết luận của cơ quan công an, Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. “Và để có kết luận chính thức phải có bằng chứng khoa học, chính xác vì liên quan đến sinh mệnh, danh dự, nghề nghiệp của một con người. Nếu có kết luận lây nhiễm do hành nghề gây ra sẽ bị xử lý hình sự, do đó cơ quan điều tra sẽ rất thận trọng để kết luận đúng người, đúng tội, không có oan sai”, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ.

Sự việc đau lòng này đã xảy ra dù không ai muốn, do đó tìm ra nguyên nhân của lây lan này là cần thiết nhưng điều cấp thiết, khẩn trương nhất hiện nay là quan tâm đến công tác ổn định tâm lý và điều trị bệnh cho người dân, cũng như hạn chế việc lây lan ra cộng đồng. Theo ông Cảnh, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng sẽ tiến hành giải thích và gặp gỡ người dân để không để xảy ra tình trạng bị kích động, trả thù cá nhân, hoang mang, lo sợ, tự tử… Bộ Y tế sẽ cấp toàn bộ thuốc ARV và các sinh phẩm cần thiết như bao cao su, bơm kim tiêm… miễn phí cho địa phương và lập trạm tư vấn, cử cán bộ chuyên môn, cấp phát thuốc ngay tại xã. “Nếu bệnh nhân HIV uống thuốc đều trong thời gian ba tháng, lượng virus HIV sẽ giảm xuống và giảm nguy cơ lây lan sang người khác, thậm chí không lây lan được. Người bệnh có thể sống khoẻ mạnh tới 30 năm”, ông Cảnh nói. 

 QUỲNH HOA

 

Ý kiến bạn đọc