Áp lực sĩ số khó đảm bảo chất lượng

VH- Theo thông tin từ các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, trước số lượng học sinh tăng cao trong năm học 2018-2019, để đảm bảo chỗ học, nhiều địa phương phải giảm tỷ lệ học 2 buổi/ngày đồng thời sĩ số tại nhiều nơi vượt quá ngưỡng so với quy định.

Áp lực sĩ số khó đảm bảo chất lượng - Anh 1

 Năm nay TP.HCM tăng gần 27.000 học sinh tiểu học

Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT quận 12 cho biết, năm học 2018-2019 quận có gần 104.000 học sinh từ mầm non đến THCS, tăng trên 7.500 so với năm học trước, riêng học sinh lớp 1 tăng gần 3.200 em.

“Căng thẳng nhất là bậc tiểu học. Trong khi số học sinh đầu vào cao mà quận chỉ xây mới 1 Trường Tiểu học là Võ Thị Thừa, phường An Phú Đông, đáp ứng chỗ học cho 500 học sinh nên không những sĩ số tăng mà số học sinh được học 2 buổi/ngày cũng buộc phải giảm. Theo đó, tỷ lệ học sinh 2 buổi/ngày giảm từ 24% của năm học trước xuống còn 21%. Sĩ số học sinh lớp 1 năm học này là 56 học sinh/lớp; còn các khối 2, 3, 4, 5 có từ 52 học sinh/lớp trở lên, trong khi theo quy định thì bậc tiểu học chỉ 35 học sinh/lớp”, ông Hùng cho hay. Theo kế hoạch trong tháng 10 tới quận cần tuyển thêm 200 giáo viên để đáp ứng nhu cầu này.

Áp lực sĩ số tại quận Bình Tân còn căng thẳng hơn. Chỉ tính riêng học sinh tiểu học và THCS của quận này đã tăng khoảng 7.500 em, riêng bậc tiểu học tăng gần 5.000 học sinh, trong đó tăng đến 3.100 học sinh lớp 1. Chính vì vậy, tỷ lệ học sinh 2 buổi/ngày của Bình Tân cũng giảm đáng kể, trong đó bậc THCS giảm khoảng 5%; sĩ số học sinh lớp 1 vào khoảng 45 em/lớp (vượt ngưỡng quy định 10 học sinh). Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân cho hay, khó nhất là phường Bình Trị Đông A, có trên 1.000 trẻ vào lớp 1 nhưng phường hiện chỉ có 1 trường tiểu học, đáp ứng được chỉ 300 chỗ học, do đó số học sinh còn lại phải học tại các phường khác, phụ huynh đưa con đi học hơi xa và không thể giải quyết được nhu cầu bán trú cho số học sinh này.

Tại các quận, huyện khác, số lượng học sinh đầu cấp đều tăng từ vài trăm đến vài ngàn học sinh, trong khi trường lớp, giáo viên đều không đáp ứng yêu cầu. Ông Nguyễn Thành Văn, Trưởng phòng GD&ĐT quận 10 cho hay, quận 10 có Trường THCS Hoàng Văn Thụ có số lượng học sinh đến 64 lớp. Do số học sinh đông nên trường chưa thể đáp ứng nhu cầu được học 2 buổi/ngày. Theo đó có 32 lớp sẽ học vào buổi sáng và 32 lớp sẽ học vào buổi chiều. Quận đang xin khu đất ở phường bên cạnh để xây trường nhằm giải tỏa tình trạng quá tải này, tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho học sinh.

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2018-2019, dự kiến toàn TP có gần 1,7 triệu học sinh, tăng trên 67.000 em so với năm học trước. Trong đó bậc mầm non tăng hơn 20.000 trẻ; tiểu học tăng gần 27.000 học sinh; THCS tăng 10.400 và THPT tăng gần 9.800 học sinh. Riêng số học sinh không có hộ khẩu tại TP, bình quân mỗi năm tăng khoảng 15.000 em.

Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP cho rằng, trước sức ép về chỗ học rất lớn như hiện nay khiến các trường khó đảm bảo sĩ số theo quy định, học sinh chỉ học 1 buổi/ngày sẽ khó bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện, rèn luyện các kỹ năng. Do vậy, trong buổi đối thoại với chính quyền TP trước thềm năm học mới vừa qua, ông Nguyễn Hồng Hà đã chỉ đạo các quận, huyện cần cân nhắc, lựa chọn phù hợp việc triển khai mô hình trường tiên tiến, cần ưu tiên trước hết việc đảm bảo chỗ học cho học sinh, vì thực hiện mô hình trường tiên tiến 30 học sinh/lớp sẽ không đủ chỗ học cho các học sinh khác. 

 THÙY TRANG

 

Ý kiến bạn đọc