40 năm vẫn còn… thí điểm

VH- Dư luận đang rất quan tâm và hiện có nhiều luồng ý kiến khác nhau về cuốn sách dành cho học sinh lớp 1 với những thay đổi về cách đánh vần rất “lạ”, nội dung có nhiều chi tiết không phù hợp. Điều đáng ngạc nhiên là cuốn sách nói trên được phát hành chính thống, đang được thử nghiệm tại nhiều địa phương.

40 năm vẫn còn… thí điểm - Anh 1

Cuốn sách “Tiếng Việt Công nghệ giáo dục (CNGD) lớp 1” đang được áp dụng thử nghiệm ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Trong cuốn sách có nhiều bài có nội dung không phù hợp với trẻ gây bức xúc. Chẳng hạn bài học mô tả 2 trẻ giành nhau một quả bứa sau đó nhờ người phân xử để chia phần. Không phải địa phương nào cũng có quả bứa để trẻ có thể biết quả bứa là quả gì. Trong bài học này còn dùng nhiều từ ngữ thô tục, không phù hợp với lứa tuổi, phản giáo dục như cách xưng hô “mày, tao”, kể cả cách hành xử trong nội dung bài viết khi 3 người giành nhau một thứ không phải là của mình. Nhiều từ ngữ, nội dung khác trong cuốn sách cũng không phù hợp với lứa tuổi, rất phản cảm như nói tới đánh ghen, những tiểu xảo tranh giành để giành phần hơn cho mình thể hiện tính ích kỉ, gian xảo… Ngoài ra, mặc dù cuốn sách được phát hành tới nhiều địa phương trong chương trình thử nghiệm nhưng lại dùng quá nhiều từ địa phương, trong đó có cả những từ cổ bây giờ ít dùng. Nhiều từ ngữ khác khó hiểu, khó đọc, khó viết ngay cả với người lớn cũng có trong sách này như “thia lia”, “thìa lìa”, “chon chót”, “sứt sát”, “quằm quặp”, “khuýp khuỳm khuỵp”, “trăm thứ bà giằn”, “bạt ngàn san dã”, “đổ vỡ tóe loe”… để học sinh làm quen chứ không phải để học.

Theo sách này, học sinh đánh vần theo âm, không đánh vần theo chữ. Điển hình các vần “c, k, qu” đều đọc là “cờ” khiến các bậc phụ huynh vốn được học từ nền giáo dục cũ hoang mang, rối bời. Ví dụ “ca: /cờ/ - /a/ - ca”, “ke: /cờ/ - /e/ - /ke/”, “quê: /cờ/ - /uê/ - /quê/”… Học sinh phải đánh vần theo âm nhưng khi viết phải viết theo luật chính tả: Âm “cờ” đứng trước âm e, ê, i phải viết bằng chữ k (ca). Âm “cờ” đứng trước âm đệm phải viết bằng chữ q (cu), âm đệm viết bằng chữ u… Nhiều từ, cụm từ khác cũng có cách phát âm lạ khiến phụ huynh và học sinh bối rối, hoang mang khi tiếp cận. Nhiều người cho rằng cách phát âm khác với truyền thống như vậy cùng với quy tắc chính tả cũ khiến cho học sinh dễ bị nhầm lẫn, rất nguy hiểm đối với lớp học sinh mới bắt đầu học chữ và học phát âm…

Được biết, Chương trình CNGD được thí điểm năm từ năm 1978, đến năm 2000, chương trình được áp dụng tại 43 tỉnh, thành nhưng sau đó bị tạm dừng vì Luật Giáo dục 2005 quy định thực hiện một chương trình, một bộ SGK thống nhất trong cả nước. Năm 2008, chương trình này được quay lại thực hiện ở 8 tỉnh. Năm học 2010-2011, Bộ GD&ĐT đã cho phép thí điểm bộ sách này trong nhà trường. Đến nay, chương trình đã được áp dụng tại 49 tỉnh, thành với hơn 800.000 học sinh.

Theo Ban Soạn thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, trong Chương trình Tiếng Việt lớp 1 mới không áp dụng những cải cách cách đánh vần tiếng Việt như sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục đang thí điểm tại nhiều địa phương. Chương trình Tiếng Việt mới sẽ vẫn theo phương pháp truyền thống, tập trung dạy học sinh các kỹ năng đọc - viết, nghe - nói, không dạy các kiến thức, khái niệm chuyên sâu về ngữ âm học.

QUỐC HÙNG

Ý kiến bạn đọc