​Nữ lãnh đạo và quản lý trong tình hình mới: Dường như có bức trần vô hình ở cấp Vụ trưởng?

VH- Tại Hội thảo chuyên đề “Nữ lãnh đạo và quản lý trong tình hình mới” do Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (Bộ LĐ,TB&XH) vừa tổ chức tại TP.HCM, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới đang diễn ra liên tục và đến nay vai trò của nữ giới vẫn chưa được đề cao.

Nghiên cứu về thực trạng nữ giới tham gia lãnh đạo ở Việt Nam, bà Vũ Phương Ly, cán bộ chương trình cao cấp UN Women (Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ) tại Việt Nam cho biết, hiện nay tỷ lệ nữ lãnh đạo trong chính trị và hành chính công chưa cao. Tỷ lệ nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp chưa đạt chỉ tiêu quốc tế và quốc gia đã đặt ra, trong khi có nhiều nữ giới nắm các vị trí lãnh đạo cấp thấp hơn và càng ở cấp cao thì càng ít sự đại diện của nữ giới.

​Nữ lãnh đạo và quản lý trong tình hình mới: Dường như có bức trần vô hình ở cấp Vụ trưởng? - Anh 1

 Tỷ lệ nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp chưa đạt chỉ tiêu quốc tế và quốc gia. Trong ảnh: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh với các nữ Đại biểu Quốc hội Ảnh: Tr.HUẤN

Tỷ lệ nữ giới nắm các vị trí lãnh đạo cấp cao còn thấp

Cụ thể, kết quả Đại hội Đảng bộ, chi bộ cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020: Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy tại cả 3 cấp cơ sở, huyện, tỉnh đều chưa đạt tỷ lệ 25% chỉ tiêu đề ra. Ở cấp xã, TP.HCM là địa phương có tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý cấp xã cao nhất (chiếm 32,18%), tiếp theo là các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai. Ở cấp huyện, chỉ có các tỉnh Bình Dương, TP.HCM và Ninh Bình có tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý cấp huyện từ 20% đến dưới 25%; trong khi các tỉnh Cà Mau, Bình Thuận, Bình Định không có nữ lãnh đạo ở cấp này. Ở cấp tỉnh, chỉ có 16/63 địa phương có nữ lãnh đạo chủ chốt. “Trong lĩnh vực hành chính công, dường như có bức trần vô hình ở cấp Vụ trưởng”, bà Vũ Phương Ly nói.

Bà Vũ Hồng Minh, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Bắc Giang cho rằng, định kiến giới vẫn còn tồn tại ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, trong gia đình và xã hội. Quy định tuổi nghỉ hưu hiện nay của phụ nữ thấp hơn nam giới 5 tuổi là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ phụ nữ trong hệ thống chính trị còn hạn chế.

Hầu hết các đơn vị còn phân biệt tuổi đề bạt, bổ nhiệm giữa nam và nữ. Các chính sách cụ thể và quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm đối với cán bộ nữ, đặc biệt là đối với cán bộ nữ trí thức, công nhân, người dân tộc thiểu số, người theo tôn giáo cũng như chính sách đặc thù đối với cán bộ nữ công tác ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, cán bộ đi học có con nhỏ đều chưa có. Theo bà Vũ Hồng Minh, vẫn còn biểu hiện hẹp hòi, thiếu tin tưởng vào khả năng của cán bộ nữ, ngại tuyển dụng phụ nữ, đánh giá cán bộ nữ thiếu khách quan, thiếu công bằng và còn khắt khe.

Nghiên cứu của UN Women cũng chỉ ra rằng, việc bất bình đẳng giới hiện nay do trở ngại từ quy định chính sách, đặc biệt là rào cản từ sự thay đổi quá chậm chạp của các chuẩn mực cũ và định kiến giới trong gia đình và cả cộng đồng, tư tưởng không chấp nhận phụ nữ có vị trí cao hơn nam giới…

​Nữ lãnh đạo và quản lý trong tình hình mới: Dường như có bức trần vô hình ở cấp Vụ trưởng? - Anh 2

 Các nữ lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ LĐ,TB&XH, nữ lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH các tỉnh, thành tham dự hội thảo

 Tôi nghĩ điều này không có gì quá khó, nếu như có quyết tâm chính trị và thừa nhận vấn đề thì hoàn toàn có thể làm được.  (Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội)

Cần tỉnh táo và “đi ngược dòng”

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, các dẫn chứng trong nghiên cứu trên đây chỉ mới nói tới chính sách đang có sự phân biệt đối xử với nữ giới, chứ còn chưa nhắc đến trong truyền thông và giáo dục. Trong các chương trình quảng cáo nhan nhản hằng ngày trên truyền hình, chiếm hầu hết là hình ảnh người phụ nữ chuẩn bị bữa cơm cho chồng con, giặt giũ, nấu nướng, nội trợ... Vô hình trung những đứa bé trai xem được sẽ nghĩ là chỗ của mẹ, của các chị gái, em gái mình là nơi góc bếp...

“Về vấn đề này khi nói chuyện với các tập đoàn đa quốc gia thường xuyên có sản phẩm tiêu dùng quảng cáo, tôi đã có trao đổi, thì thời gian gần đây đã có cải thiện nhưng không đáng kể. Vì thế tôi cho rằng trong truyền thông giáo dục cần phải tỉnh táo hơn, “đi ngược dòng” hơn, chứ không chỉ xuôi dòng như tư tưởng cổ hủ từ xưa nay là phụ nữ không thoát ra khỏi góc bếp”, bà Ninh tâm tư.

Theo các đại biểu, về mặt hội nhập quốc tế và pháp lý quốc tế, Việt Nam đã tham gia Công ước CEDAW - Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, cũng như đã phê chuẩn và các cam kết quốc tế khác, thì không có lý do gì tuổi hưu của Việt Nam lại khác quốc tế. Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, trước đây, các nước XHCN, trong đó có Việt Nam đều quy định chênh lệch tuổi về hưu giữa nam và nữ, lúc quy định đó ra đời là với quan niệm “ân huệ” cho các chị em, thời mà chị em ít được ăn học, ít có điều kiện phấn đấu. Nhưng ngày nay đã khác, thì không có lý do gì vẫn giữ sự chênh lệch đó.

Theo bà Ninh, khi Việt Nam hội nhập, nên cố gắng xóa bỏ những khác biệt không đáng có này. Đừng nên lợi dụng sự chênh lệch tuổi về hưu để hạn chế sự vươn lên học tập cũng như là để đề bạt đối với nữ giới. “Tôi nghĩ điều này không có gì quá khó, nếu như có quyết tâm chính trị và thừa nhận vấn đề thì hoàn toàn có thể làm được”, bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ.

 Vẫn còn biểu hiện hẹp hòi, thiếu tin tưởng vào khả năng của cán bộ nữ, ngại tuyển dụng phụ nữ, đánh giá cán bộ nữ thiếu khách quan, thiếu công bằng và còn khắt khe.  (Bà Vũ Hồng Minh, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Bắc Giang)

 

 Bài, ảnh: KIỀU GIANG

Ý kiến bạn đọc