Sẽ không còn cảnh “Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”?

VH- Văn Hóa điện tử đã đưa tin, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý về chó nuôi trên địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn phòng, chống bệnh dại và các hoạt động kinh doanh, giết mổ chó, mèo trên địa bàn… trong đó bày tỏ mong muốn người dân dần thay đổi thói quen và nhận thức hướng tới không sử dụng thịt chó, mèo làm thực phẩm.

Chủ trương này của thành phố đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận với nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng còn nhiều người băn khoăn.

Sẽ không còn cảnh “Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”? - Anh 1

 Biếm họa của họa sĩ Mai Sơn

Nhiều người ủng hộ bỏ thói quen ăn thịt chó

Mặc dù từ xưa tới nay, thịt chó vốn là món ăn khoái khẩu của nhiều người dân, trong đó có người dân Hà Nội, nhưng có rất nhiều người sẵn sàng ủng hộ chủ trương của thành phố. Trước đây, tiết canh cũng là món ăn ưa thích của số đông nhưng khi được tuyên truyền quyết liệt về nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo liên quan tới liên cầu khuẩn từ lợn, nhiều người đã từ bỏ món ăn này.

Tại Hà Nội, trước khi có khuyến cáo từ chính quyền thành phố, nhiều người dân đã lặng lẽ từ biệt một món ăn truyền thống, không hẳn vì lý do nhân văn, mà vì nó có khá nhiều tác hại. Dấu hiệu dễ nhận biết là sự biến mất bí ẩn của những dãy phố chuyên kinh doanh thịt chó. Hà Nội chỉ vài năm trước từng có hẳn một con phố chuyên bán thịt chó mang tên Nhật Tân. Sự kinh doanh mặt hàng này phát đạt tới mức chỉ sau 1-2 năm, phố này từ lúc đầu chỉ có 2 quán thịt chó đã phát triển tới hàng chục quán với số lượng thực khách hàng ngàn người/ngày.

Vài năm trở lại đây, hàng chục hàng quán chuyên thịt chó đã dần biến mất một cách... bí ẩn. Xung quanh sự tan rã của “phố thịt chó” này có rất nhiều giai thoại li kỳ được thêu dệt khó kiểm chứng, nhưng dễ nhận thấy một trong những nguyên nhân là số thực khách ăn thịt chó đã giảm đáng kể. “Phố thịt chó” vài năm gần đây ở gần cầu Mai Động giờ cũng chỉ còn lèo tèo vài quán.

Có thể nói, việc những quán thịt chó phải dần đóng cửa được đánh giá là một dấu hiệu tích cực cho thấy người dân đã dần thay đổi thói quen, cách nhìn nhận về việc ăn thịt chó. Đa số người dân khi được hỏi còn cho rằng, thói quen ăn thịt chó đã gián tiếp hình thành một loại vấn nạn, đó là vấn nạn trộm chó mà người vi phạm nhiều khi bị mất mạng vì sự phẫn nộ của đám đông. Đó là còn chưa nói tới, thói quen giết và ăn thịt chó được cho là “ảnh hưởng đến hình ảnh của một thủ đô văn minh, hiện đại” và có thể lan truyền bệnh dại.

Sao lại là thịt chó?

Nhiều người có thói quen ăn thịt chó cho rằng, đối với họ thịt chó cũng được coi là một loại thực phẩm như thịt lợn hay thịt gà mà thôi. Họ lý luận, ở nhiều nước, có những món ăn kinh dị như pho mát dòi, hải cẩu thối rữa nhồi chim chết Kiviaq thì món thịt chó thuộc loại “dễ nuốt” hơn nhiều. Người khác lại bảo, xét dưới góc độ nhân văn, giết một con thỏ đẹp đẽ để lấy thịt có vẻ “dã man” hơn là giết thịt một con chó.

Và có một thực tế là từ xưa, nhiều gia đình đã nuôi chó để bán hoặc làm thực phẩm thay vì để làm thú cưng như hiện nay. Có người còn cho rằng, không thể áp đặt một cách máy móc quan niệm của nước ngoài đối với những thói quen mang tính truyền thống của người Việt Nam. Thậm chí, nhiều người còn đánh giá, việc chế biến và ăn thịt chó từ lâu đã tới mức “nghệ thuật ẩm thực” với những cách chế biến, cách chọn gia vị khá khắt khe...

Điều đáng nói là, có những vị khách du lịch quốc tế tới Việt Nam, mặc dù rất hài lòng với những danh lam thắng cảnh, sự đối xử nồng ấm của người dân nhưng vẫn rất bất bình với cảnh một vài người ăn thịt chó và tuyên bố không bao giờ trở lại Việt Nam. Về vấn đề này, một cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, khó có thể kết luận một cách khiên cưỡng là việc người Việt ăn thịt chó có thể ảnh hưởng tới việc phát triển du lịch bởi việc ăn thịt chó có từ xa xưa, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước châu Á khác.

Còn Th.S Nguyễn Tiến Đồng, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh góp ý, việc tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, từ đó dần dần bỏ thói quen ăn thịt chó là một công việc khá khó khăn và đòi hỏi có thời gian. Tuy nhiên, công việc mà các cơ quan chức năng ở TP Hà Nội có thể làm được là căn cứ vào nguy cơ lan truyền bệnh dại từ việc nuôi chó, kinh doanh thịt chó và ăn thịt chó để áp dụng các biện pháp hành chính cụ thể, hướng tới hạn chế việc nuôi chó và kinh doanh thịt chó.

Thế nhưng nhiều người ưa thích món thịt chó đều thống nhất ở một điểm, việc nuôi chó và ăn thịt chó sẽ đối diện với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng Hà Nội ghi nhận 3 trường hợp thiệt mạng vì bệnh dại tại các huyện: Phúc Thọ, Phú Xuyên và Sóc Sơn và 2 mẫu bệnh phẩm có kết quả dương tính với bệnh dại tại quận Bắc Từ Liêm và quận Hoàng Mai. Tính riêng 5 tháng đầu năm, có 5.098 người bị súc vật cắn được điều trị dự phòng, trong đó, nguyên nhân do chó cắn chiếm 87%, mèo cắn chiếm 11,7%...

 QUỐC HÙNG

Ý kiến bạn đọc