Chưa chốt phương án​ thi THPT quốc gia năm 2019

VH- Bộ GD&ĐT vừa tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 mở rộng với sự tham dự của các thành viên Ban chỉ đạo, đại diện Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) và giám đốc 63 Sở GD&ĐT. Cuộc họp nhằm đánh giá lại kỳ thi năm 2018 và đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện kỳ thi năm 2019. Tuy nhiên Bộ GD&ĐT vẫn chưa chốt phương án thi THPT quốc gia năm 2019.

Chưa chốt phương án​ thi THPT quốc gia năm 2019 - Anh 1

 Vẫn còn những sai sót nghiêm trọng

Đó là thừa nhận của ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) về kỳ thi năm nay. Ông Trinh khẳng định, các địa phương đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị có trách nhiệm cao để tổ chức kỳ thi một cách tốt nhất có thể. Công tác phối hợp nhìn chung thuận lợi, hiệu quả hơn các năm trước đây và kỳ thi THPT quốc gia 2018 cơ bản đáp ứng được mục tiêu đổi mới thi và tuyển sinh. Những kết quả đạt được của kỳ thi là quan trọng, cần được ghi nhận.

Tuy nhiên, tiêu cực, sai phạm xảy ra ở một số địa phương là cá biệt nhưng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến niềm tin xã hội, tổn thương đến đội ngũ nhà giáo và đối với những nhà quản lý giáo dục ở các địa phương. Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng nhận xét, việc thiết kế các phiếu trả lời trắc nghiệm theo hướng đưa tất cả các bộ môn tổ hợp vào một phiếu tại kỳ thi vừa qua có những kẽ hở nhất định. Cách thiết kế này đã gây nên phiền toái cho giám thị giám sát, đồng thời là kẽ hở cho thí sinh có thể sau thời gian thi hết môn hỏi lại các bạn có trình độ khá hơn, để vào môn thi thứ 2 các em lấy phiếu tổng hợp đó tiếp tục chỉnh sửa và không giám sát được.

Như vậy với mỗi môn thi có thể tách riêng thành một phiếu trả lời trắc nghiệm, sau đó tiến hành niêm phong để tiếp tục môn khác. Làm như vậy sẽ tạo thoải mái hơn cho giám thị và tạo nên tính nghiêm túc cho kỳ thi. Một số đại biểu khác cho rằng cần kiện toàn cách ra đề thi, nội dung đề thi làm sao vừa phù hợp với trình độ học sinh, vừa có tính phân hóa. Đồng thời rút kinh nghiệm phương án tổ chức chấm thi vừa qua để tìm ra một phương án vừa thuận lợi, đảm bảo công bằng, vừa đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi.

Về xử lý những sai phạm của kỳ thi vừa qua, đa số đại biểu đồng tình với cách xử lý quyết liệt của Bộ GD&ĐT, đúng người, đúng việc, bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh và bảo vệ danh dự cho đông đảo đội ngũ nhà giáo. Đồng thời thống nhất cao đây là dịp để xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, rút ra bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục hoàn thiện phương thức tổ chức Kỳ thi THPT QG những năm tới.

Chưa ấn định thời gian

Nhiều cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, trước mắt nên tiếp tục duy trì ổn định kỳ thi THPT quốc gia đến hết năm 2020, tất nhiên là kèm theo điều chỉnh về kỹ thuật, hoàn thiện về mặt tổ chức để làm sao kỳ thi được tổ chức ngày càng nhẹ nhàng, hoàn thiện hơn, độ tin cậy cao hơn. Đa số đại biểu đã tập trung đề xuất một số phương hướng cho năm 2019 và năm 2020. Đầu tiên, cần rà soát toàn bộ quy trình tổ chức thi, hoàn thiện Quy chế thi và hướng dẫn theo hướng cụ thể, chi tiết hơn, xác định rõ trách nhiệm của những người tham gia kỳ thi, cụ thể hóa hơn nữa các chế tài xử lý với các sai phạm trong kỳ thi. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi, cải tiến quy trình ra đề thi để nâng cao chất lượng đề thi đảm bảo phù hợp hơn với thời gian làm bài của thí sinh, đáp ứng tốt hơn mục tiêu của kỳ thi THPT QG.

Cũng cần cải tiến, điều chỉnh các khâu về kỹ thuật trong tổ chức thi, nhất là hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường bảo mật và hỗ trợ tốt cho việc phát hiện, phòng ngừa các sai phạm trong chấm thi để hạn chế gian lận, tiêu cực. Ngoài ra, cần cải tiến phương thức tổ chức coi thi, chấm thi theo hướng tăng cường khách quan, nghiêm túc ở tất cả các khâu của kỳ thi, tăng cường ứng dụng công nghệ trong chấm thi, xem xét tổ chức chấm thi đảm bảo nguyên tắc giáo viên không chấm bài thi học sinh tỉnh mình (chẳng hạn tổ chức chấm thi theo cụm).

Tiếp đó, chú trọng công tác lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của kỳ thi, nhất là các khâu trọng yếu như công tác đề thi, coi thi, chấm thi, tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia tổ chức thi, cán bộ thanh tra, giám sát...

Tại cuộc họp, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, với các giải pháp đồng bộ như vậy, sẽ cụ thể hóa trong quy chế và trong hướng dẫn để làm sao việc triển khai thuận lợi và nhuần nhuyễn trong những năm tới. Và chắc chắn những bài học kinh nghiệm, những gì diễn ra trong quá khứ sẽ được cân nhắc cụ thể để làm sao kế thừa, chắt lọc những tinh hoa, thuận lợi, nhưng phải áp dụng cụ thể với điều kiện hiện nay. Đặc biệt là tăng cường các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ để bảo đảm việc chấm thi khách quan. Làm sao người ta muốn gian lận cũng không gian lận được, hoặc nếu giả sử gian lận thì chắc chắn sẽ được phát hiện.

Khi được hỏi về thời gian chốt phương án tổ chức coi thi, chấm thi cuối cùng cho kỳ thi năm sau, ông Mai Văn Trình chỉ trả lời chung chung là “sẽ ban hành quy chế, hướng dẫn trong thời gian sớm nhất, riêng thời gian thi cố gắng giữ ổn định để các Sở GD&ĐT chủ động trong kế hoạch năm học”. 

QUỐC HÙNG

Ý kiến bạn đọc