Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH: Có được ủy quyền không mà đòi... kiện tụng(?!)

Thứ Hai 29/04/2019 | 08:00 GMT+7

VHO- Theo giải thích của Tòa án, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH chịu chi phối của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật CĐ, Luật BHXH năm 2014 và Bộ luật Lao động năm 2012… Tuy nhiên, do các quy định và cách hiểu chưa đồng nhất nên Tòa án các cấp vẫn từ chối thụ lý.

 Hàng nghìn người lao động bị nợ BHXH nhưng không biết “bấu víu” vào đâu để được đảm bảo quyền lợi Ảnh minh họa

Từ ngày 1.1.2018, Bộ luật Hình sự sửa đổi chính thức có hiệu lực, trong đó quy định về việc xử lý hình sự doanh nghiệp trốn đóng BHXH. Tuy nhiên sau hơn một năm thực hiện, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động còn gặp nhiều khó khăn.

Công đoàn đã chuyển hơn 3.000 hồ sơ nợ BHXH

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tỷ lệ nợ đọng BHXH ngày càng tăng và diễn ra ở hầu khắp tỉnh, thành, các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Tính đến hết tháng 2.2019, tổng số nợ phải tính lãi trong toàn quốc là 6.654 tỉ đồng, so với thời điểm cuối năm 2018 tăng 1.300 tỉ đồng. Đáng chú ý, những doanh nghiệp nợ với con số “khủng” trên 10 tỉ đồng tập trung phần lớn ở Hà Nội và TP.HCM vì tập trung nhiều doanh nghiệp, thu hút đông đảo lao động từ các địa phương khác đến sinh sống và làm việc. Đứng đầu danh sách là Công ty cổ phần LILAMA 3 (Hà Nội) nợ với số tiền hơn 32 tỉ đồng. Tiếp đến là Công ty TNHH Nam Phương (TP.HCM) gần 29 tỉ đồng. Công ty CP Mai Linh miền Nam nợ gần 28 tỉ đồng; Công ty CP Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn nợ gần 28 tỉ đồng...

Mặc dù việc vi phạm hành vi đóng và hưởng được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự thể hiện tính nghiêm trọng của các hành vi vi phạm. Các hành vi vi phạm như chiếm đoạt tiền BHXH, BH thất nghiệp; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung để lừa dối cơ quan BHXH, hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp. Mức hình phạt cao nhất như chiếm đoạt tiền BHXH, BH thất nghiệp 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Tuy nhiên thực tế cho thấy việc xử lý hình sự các doanh nghiệp nợ tiền BHXH không dễ.

Với tư cách là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trong những năm qua Công đoàn đã có nhiều nỗ lực trong việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH. Tới thời điểm này, Công đoàn đã chuyển hơn 3.000 hồ sơ nợ BHXH của doanh nghiệp sang Tòa án để thụ lý theo quy định của Luật BHXH năm 2014. Tuy nhiên, đến nay số vụ việc được thụ lý và khởi kiện không đáng kể, nhiều vụ việc chưa được chính thức thụ lý bởi sự khác biệt trong nhận thức từ các quy định pháp luật liên quan.

Theo giải thích của Tòa án, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH chịu chi phối của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật CĐ, Luật BHXH năm 2014 và Bộ luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, do các quy định và cách hiểu chưa đồng nhất nên Tòa án các cấp vẫn từ chối thụ lý. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cho biết, Điều 14 Luật BHXH 2014 có hiệu lực từ 1.1.2016 quy định: Tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động. Nhưng Tòa án lại đòi hỏi sự ủy quyền của người lao động cho Công đoàn khởi kiện. “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đương nhiên đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động… Do vậy việc yêu cầu ủy quyền là không cần thiết. Hơn nữa, có doanh nghiệp có tới hàng nghìn lao động thì việc ủy quyền, lấy chữ ký từng người là không thể. Chính những yếu tố chưa thống nhất về mặt pháp luật là lý do dẫn đến việc khởi kiện doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH chưa được thụ lý, giải quyết như mong muốn của tổ chức Công đoàn”, ông Hiểu nhấn mạnh.

“Chúng tôi vô cùng khổ tâm”

Vẫn là khó khăn trong việc khởi kiện, ông Hiểu đặt vấn đề: Tư cách khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH sẽ do tổ chức Công đoàn cơ sở hay tổ chức Công đoàn cấp trên trực tiếp thực hiện? Nếu là Công đoàn cơ sở sẽ gặp khó khăn vì lĩnh lương và chịu sự phân công công việc của doanh nghiệp. Hoặc có địa phương lại lý giải, trình tự xử lý nợ BHXH cần theo thủ tục giải quyết tranh chấp tập thể về quyền. Do đó cần được cấp chủ tịch UBND huyện giải quyết. Nếu không giải quyết được thì toà án mới vào cuộc.

“Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nhiều lần làm việc với TAND tối cao về những vướng mắc trong khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục bàn thảo, sớm tháo gỡ nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Trong bối cảnh hệ thống pháp luật còn thiếu thống nhất, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có hướng dẫn cụ thể về việc chấp hành quy định pháp luật để tránh mâu thuẫn và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, ông Hiểu nói. Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang có đề án xây dựng lực lượng luật sư Công đoàn để chuyên xử lý những vụ việc liên quan đến pháp luật lao động, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 50 luật sư.

Trong buổi làm việc với BHXH Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định, đây là việc cấp bách và sẽ tham mưu cho Chính phủ kiến nghị trình Quốc hội duyệt phương án xử lý, triển khai sớm. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị BHXH Việt Nam cập nhật tình hình số nợ BHXH, số lao động bị ảnh hưởng, doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn hoặc giải thể như trên tới thời điểm hiện nay. “Đây là những căn cứ cần thiết để Bộ LĐ,TB&XH xây dựng các kiến nghị, giải pháp tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp tới đây”, Bộ trưởng Dung cho biết.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, hết năm 2018, hơn 1.000 doanh nghiệp là người nước ngoài phá sản, giải thể hoặc bỏ trốn, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của hơn 14.000 người lao động. Đằng sau những khoản nợ BHXH của các doanh nghiệp là nỗi khổ của người lao động và gia đình họ. Bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH VN chia sẻ: “Chúng tôi đang lo lắng về tình trạng này. Nếu tình trạng nợ đọng này kéo dài thêm vài năm, có lẽ trụ sở của BHXH Việt Nam sẽ không còn chỗ để tiếp những người không có lương hưu tới kêu cứu vì doanh nghiệp nợ BHXH bỏ trốn, phá sản. Chúng tôi vô vùng khổ tâm”, bà Minh nói. 

 Chúng tôi đang lo lắng về tình trạng này. Nếu tình trạng nợ đọng này kéo dài thêm vài năm, có lẽ trụ sở của BHXH Việt Nam sẽ không còn chỗ để tiếp những người không có lương hưu tới kêu cứu vì doanh nghiệp nợ BHXH bỏ trốn, phá sản. Chúng tôi vô vùng khổ tâm.

(Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH VN)

 

QUỲNH HOA

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top