Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nỗ lực đưa Hát Bội vào trường học

Thứ Tư 08/05/2019 | 10:08 GMT+7

VHO- Gần 2.000 học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q1, TP.HCM) đã hào hứng tham gia chương trình sân khấu hóa học đường với chủ đề “Nghệ thuật Hát Bội” lần đầu tiên đến với các em. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động giáo dục trải nghiệm do Trường THPT Bùi Thị Xuân phối hợp cùng Nhà hát nghệ thuật Hát Bội TP.HCM tổ chức vào sáng ngày 6.5 vừa qua.

 Tại chương trình, học sinh đã được tìm hiểu những kiến thức cơ bản của nghệ thuật Hát Bội qua sự dẫn dắt của các nghệ sĩ của Nhà hát. Các em cũng thể hiện sự hiểu biết của mình thông qua các câu hỏi như nghệ thuật Hát Bội ra đời khi nào? ai là người đặt nền móng cho bộ môn nghệ thuật dân tộc này? Hát Bội thường xuất hiện ở đâu? Nội dung phản ánh của các vở diễn… Ngoài ra, học sinh còn được thử một số động tác, điệu bộ trong nghệ thuật Hát Bội; tìm hiểu về trang phục, cách hóa trang, bài bản,… Đặc biệt, các học sinh đã được thưởng thức hai trích đoạn Trưng Nữ Vương Lê Công kỳ án qua sự biểu diễn chuyên nghiệp của các nghệ sĩ Nhà hát nghệ thuật Hát Bội TP.HCM.

 Học sinh xem Hát Bội tại sân trường

Học sinh Đinh Hoàng Bảo Thiên, lớp 10A14 cho hay, đây là lần đầu tiên em được xem Hát Bội. “Ban đầu khi nghe các thầy cô thông báo sẽ có chương trình biểu diễn Hát Bội em cảm thấy rất tò mò và có lên mạng tìm hiểu. Với học sinh chúng em, Hát Bội là một bộ môn nghệ thuật cổ xưa có phần xa lạ và khó tiếp thu. Tuy nhiên qua chương trình, em phần nào hiểu được bộ môn nghệ thuật này. Thú vị nhất là thông qua chương trình, em hiểu thêm về các nhân vật lịch sử, điều đó khắc sâu thêm kiến thức mà em đang học trong sách vở”, Bảo Thiên bày tỏ. Còn nữ sinh Huỳnh Lan Chi, lớp 12A4 thì cho biết em không rời mắt khỏi các trích đoạn trên sân khấu, đặc biệt là phần trình diễn của các nghệ sĩ trạc tuổi mình trong các vai nữ tướng. Lan Chi nói rằng em mong muốn có thể tiếp cận nhiều hơn với các loại hình nghệ thuật dân tộc bằng hình thức sân khấu hóa như vậy, bên cạnh Hát Bội là các loại hình nghệ thuật khác như Hát Chèo, Đờn ca tài tử,… để có dịp sẽ giới thiệu và chia sẻ nhiều hơn với mọi người.

Ông Nguyễn Duy Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân chia sẻ, Hát Bội là bộ môn nghệ thuật cổ xưa có phần xa lạ và khó tiếp thu với đa số thế hệ sau này. Tuy nhiên, đây là bộ môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc, mang lại nhiều cảm xúc cho người thưởng thức. Nhà trường mong muốn đưa nghệ thuật Hát Bội đến với học sinh để giúp các em mở rộng kiến thức, có dịp tiếp cận nhiều hơn với các loại hình nghệ thuật văn hóa của dân tộc, từ đó có ý thức trân trọng và chia sẻ bộ môn nghệ thuật cổ truyền dân tộc đến với bạn bè. Qua việc thưởng thức các trích đoạn trên sân khấu bằng hình thức nghệ thuật sinh động này, học sinh cũng sẽ cảm nhận rõ hơn về các bài học trong sách giáo khoa.

Phó Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Hát Bội TP.HCM Võ Hồ Hoàng Vũ cho biết, chương trình sân khấu học đường đã được Nhà hát thực hiện từ năm 2002 đến nay. Thời gian gần đây theo chủ trương của thành phố về đưa các loại hình âm nhạc dân tộc vào học đường nên Nhà hát đã đẩy mạnh nhiều suất diễn để phục vụ học sinh. Hiện tại Nhà hát có được hơn mười trích đoạn, mỗi trích đoạn dài từ 15- 30 phút, biểu diễn vào các giờ học ngoại khóa, tiết sinh hoạt dưới cờ. Tùy theo đối tượng học sinh ở cấp học nào mà chọn vở diễn phù hợp, thông thường là các câu chuyện lịch sử, các giai đoạn, nhân vật lịch sử,…

Hát Bội hay còn gọi là Tuồng, là loại hình văn nghệ trình diễn cổ truyền của dân tộc. Người đặt nền móng cho bộ môn nghệ thuật này cũng như có công hệ thống một cách bài bản cho nghệ thuật Hát Bội là Đào Duy Từ (1572 - 1634). Hát Bội mang âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người,…

Buổi diễn khép lại bằng những câu hỏi giao lưu của các học sinh và nghệ sĩ, giúp các em có cái nhìn rõ nét hơn về nghệ thuật Hát Bội, qua đó thêm tự hào và trân quý truyền thống dân tộc. Mong rằng trong thời gian tới các nhà trường mạnh dạn đưa thêm nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc đến với học sinh, nghiên cứu đổi mới, sáng tạo hơn trong giảng dạy, để học sinh được trải nghiệm nhiều hình thức học tập, được tiếp cận nhiều hơn các loại hình giải trí mang tính giáo dục cao như vậy. 

THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top