Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Phạt con cũng phải từ từ

Thứ Sáu 03/09/2021 | 09:55 GMT+7

VHO- Trong chương trình Vì tầm vóc Việt trên kênh VTV1 mới đây, chuyên gia giáo dục độc lập - TS. Vũ Thu Hương cho rằng, trong thời gian học online, khi trẻ chưa có thói quen thức dậy đúng giờ, chuẩn bị đồng phục để vào học thì nên “phạt” nhẹ, ví dụ như khi cả nhà ăn kẹo thì con không được ăn.

Phụ huynh phải làm gương và kiên nhẫn khi áp dụng kỉ luật tích cực với trẻ

Ngay sau khi chương trình được phát sóng, nhiều chuyên gia tâm lý trẻ em đã bày tỏ sự bất bình về hình phạt này, đặc biệt khi tình huống đó còn được lan truyền trên sóng Đài truyền hình quốc gia.

Không phải lần đầu

Chương trình nêu trên được phát sóng vào lúc 20h05 phút ngày 20.8.2021 đề cập đến vấn đề đang được nhiều bậc cha mẹ và giáo viên tiểu học quan tâm: Không đặt nặng áp lực lên con khi trẻ bắt đầu vào lớp 1, đặc biệt khi trẻ phải bắt đầu hành trình mới bằng hình thức học online trong bối cảnh giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19. Để rèn luyện thói quen học tập cho trẻ, chuyên gia giáo dục độc lập - TS Vũ Thu Hương đã đưa ra ví dụ, khi trẻ chưa có thói quen thức dậy đúng giờ, chuẩn bị đồng phục để vào học online, nếu con quên thì “Chúng ta nên phạt nhẹ con, ví dụ như là cả nhà ăn kẹo và một mình con không được ăn kẹo”.

Sau khi chương trình được trình chiếu, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã viết sự việc lên trang facebook cá nhân bày tỏ sự không đồng tình và nhấn mạnh: “Chuyên gia giáo dục cần phải hiểu biết về quyền trẻ em!”. Ông cũng cho biết, đây không phải lần đầu tiên mà trước đó, trong một chương trình truyền hình về phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực (Positive Discipline), TS Vũ Thu Hương đưa ra ví dụ tương tự nhằm giáo dục bằng kỷ luật tích cực khi trẻ phạm lỗi là “Cả nhà đi chơi, ăn kem, nhưng riêng trẻ sẽ không được ăn”. Ý kiến của ông Nam đã được đông đảo các chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục, những người làm việc trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em đồng tình và đề nghị Cục Trẻ em cần có ý kiến với Đài truyền hình Việt Nam về việc này, đồng thời cẩn trọng khi mời các chuyên gia, họ phải có kiến thức về Luật Trẻ em và quyền trẻ em.

Tiếp thu các ý kiến phản ánh, động thái tích cực của VTV1 là đã cắt đi phần “trừng phạt” phản giáo dục này tại kênh VTV trực tuyến. Phân tích về cách kỷ luật “phản giáo dục”, ông Đặng Hoa Nam cho biết, trong giáo dục trẻ em có thể áp dụng các biện pháp kỷ luật, nhưng phải dựa trên cơ sở không được xúc phạm, làm tổn hại đến trẻ. Việc kỷ luật trẻ thì phải thực hiện từng bước, trước tiên phải có hướng dẫn, nhắc nhở, răn đe, rồi mới đến phạt. Trong tình huống mà TS. Thu Hương đưa ra là đối với trẻ em mới vào lớp 1, thì trẻ chưa thể hình thành thói quen dậy sớm thì bố mẹ phải giúp trẻ hình thành thói quen chứ không phải phạt luôn. Trong khi tiêu đề của chương trình là “Không tạo áp lực”, nhưng hình phạt lại tạo ra áp lực cho trẻ.

Phải từng bước một

Có 1 hình phạt kinh khủng nhất trong gia đình, làng xóm, cộng đồng chính là tách cá nhân đó ra, “ly khai” ra khỏi cộng đồng, giống như trong câu chuyện “con chim ghẻ”. Nếu hình phạt không ăn kẹo thì cả nhà cùng không ăn, chứ không đặt ra tình huống tất cả mọi người cùng ăn, phạt trẻ đứng nhìn. Điều này là vi phạm nguyên tắc quyền trẻ em vì đã làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của trẻ và không tuân thủ nguyên tắc về kỷ luật tích cực.

Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, khi nói về rèn luyện trẻ, thường tránh dùng từ “phạt” mà chỉ nên dùng từ “kỷ luật”. Hiện nay, không phải sinh ra là biết làm cha mẹ, muốn giúp được con thì phải học. Với các bậc cha mẹ muốn áp dụng kỷ luật tích cực cho con thì phải rất kiên trì, phải từng bước, phương pháp này đề cao trách nhiệm, cam kết của con người từ bé.

“Ví dụ, con gái có nhu cầu làm đẹp nhưng chưa đến tuổi để sở hữu riêng 1 thỏi son mà có thể dùng chung với mẹ. Nhưng người mẹ thỏa thuận với con rằng đây là son của mẹ chứ không phải của con, sau khi dùng xong phải để về chỗ cũ. Nhưng trẻ con thì không nhớ, dùng xong sẽ vứt ở đâu đó và bình thường người mẹ sẽ quát mắng, thậm chí đánh con. Để hình thành ý thức thì phải trải qua 2 -3 lần, do đó người mẹ chỉ nên cảnh cáo con là lần sau dùng nếu không bỏ vào hộp thì mẹ sẽ không cho con dùng nữa, nếu con vẫn quên thì cho con biết là mẹ sẽ cho vào tủ và khóa lại, khi nào con muốn dùng phải hỏi mẹ. Và lần sau con dùng sẽ phải hỏi mẹ, hứa với mẹ là con sẽ cất thì lúc đó để lại chỗ cũ. Từ đó, trẻ mới nhớ được. Điều này cho thấy là kỷ luật trẻ phải kiên trì từ từ, từng bước, từ nhẹ tới nặng và đề ra các cam kết, hợp đồng cá nhân. Sau này trẻ lớn lên sẽ là người có trách nhiệm, đã hứa là làm, tôn trọng sở hữu của người khác, nếu gây tổn hại sẽ bồi thường”, Cục trưởng Cục Trẻ em nêu ý kiến.

Kỷ luật tích cực thường được hướng dẫn cho giáo viên hoặc bậc cha mẹ áp dụng với con hằng ngày. Ở phương Tây, kỷ luật tích cực còn gọi là kỷ luật không nước mắt, giáo dục trẻ dựa trên sự đồng thuận, vi phạm đồng thuận thì phải xử lý, tôn trong người khác, sở hữu, cuộc sống riêng của người khác. Các bậc cha mẹ cần đối xử với con bình đẳng, coi như đối tác, không phải đối tượng phục tùng, phải làm gương, không bắt trẻ làm những điều mà bố mẹ không làm (chẳng hạn cấm xem điện thoại…). Ông Nam cũng cho rằng, việc áp dụng kỷ luật tích cực là rất khó, đòi hỏi sự kiên nhẫn, đa số người mẹ trong tình huống trên sẽ tỏ ra bực tức và phạt con, nhưng phải hiểu là thỏi son không đáng để làm như vậy. 

 THẢO LAM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top