Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Định hướng phát triển cho thể thao Việt Nam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng: Đánh giá đúng thực lực để cải thiện được thành tích

Thứ Năm 16/09/2021 | 21:03 GMT+7

VHO- Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Tổng cục TDTT về quá trình chuẩn bị và thi đấu của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020 và kế hoạch chuẩn bị tham dự Asian Games (ASIAD), định hướng Olympic 2024 vào chiều 16.9, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng yêu cầu các ý kiến phải nói thẳng, nói thật, không biện giải mà phân tích sâu để từ kinh nghiệm của Olympic có thể rút ra bài học chuẩn bị tốt hơn cho Asian Games 2022 và các sự kiện thể thao quốc tế lớn.

Cùng dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương. Ngoài điểm cầu chính tại Hà Nội, buổi làm việc còn có sự tham gia trực tuyến của Trường Đại học TDTT Bắc Ninh và 3 Trung tâm HLTTQG đặt tại TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng.

Tránh tình trạng thấy cây mà không thấy rừng”

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT – Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020 Trần Đức Phấn cho biết, từ kết quả thi đấu tại Olympic vừa qua có thể thấy về tổng thể, TTVN có thể đáp ứng được tiêu chí lấy HCV Asian Games và có khả năng tranh chấp huy chương Olympic. Qua các kỳ Asian Games và Olympic, bài học được rút ra là việc phải đầu tư tập trung, tránh dàn trải. Về nguồn lực con người, theo ông Phấn, đội ngũ HLV, cán bộ quản lý, VĐV không hẳn là yếu nhưng chúng ta thiếu các điều kiện để họ phát huy khả năng. Bên cạnh đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn, lạc hậu. Về định hướng chuẩn bị cho Asian Games, ông Phấn cho biết, ngành thể thao sẽ có nhiều nỗ lực, trước hết là phải thay đổi định hướng, tập trung trọng điểm cho mục tiêu là Olympic rồi mới tới Asian Games và sau đó là SEA Games.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với Tổng cục TDTT vào chiều 16.9

Đã có khá nhiều ý kiến tại cuộc họp phân tích cụ thể về hành trình thi đấu của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic vừa qua. Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I – Tổng cục TDTT Hoàng Quốc Vinh nhận định rằng, nguyên nhân dẫn đến kết quả thi đấu chưa thành công của Đoàn thể thao Việt Nam trước hết là vì nguồn lực HLV, VĐV của chúng ta vừa qua chưa phải là tốp có khả năng tranh chấp huy chương tại Đại hội thể thao lớn nhất thế giới. Chúng ta cũng thiếu một đội ngũ chuyên gia giỏi; ít có điều kiện tổ chức các sự kiện thể thao lớn của khu vực, châu lục và thế giới nên các HLV, VĐV ít có điều kiện thi đấu, cọ xát, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh dẫn đến việc không thể thi đấu, tập huấn quốc tế như vừa qua. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, sở dĩ thành tích của thể thao Việt Nam chưa được như mong muốn là do những khó khăn trong khâu tuyển chọn VĐV vì ngay từ nền tảng là công tác giáo dục thể chất tại các trường học, nhất là bậc tiểu học đã không tốt hay những điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dinh dưỡng, khoa học TDTT… chưa tốt.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại buổi làm việc

Lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp tại buổi làm việc mà theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng là “rất tâm huyết, trách nhiệm”, Bộ trưởng đã chia sẻ với những khó khăn của TTVN, Bộ trưởng đặt vấn đề là “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn nhưng ngành thể thao luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm. Vậy thì những thành tích chúng ta đạt được đã tương xứng với sự quan tâm đó chưa? Bộ trưởng cho rằng bên cạnh việc phân tích chuyên môn sâu về nguyên nhân của việc thi đấu chưa thành công, ngành thể thao phải có cái nhìn tổng thể, tránh tình trạng chỉ “thấy cây mà không thấy rừng”, không nhìn được đúng bản chất sự việc.

Cần sớm tổ chức hội nghị bàn tròn

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, mục đích đặt ra là chúng ta phải đánh giá, định vị lại được thể thao thành tích cao Việt Nam hiện đang đứng ở đâu tại các đấu trường quốc tế, nhất là tại Olympic vừa rồi. Để từ đó thấy được thực lực của chúng ta ở đâu và phải đánh giá đúng thực lực để làm sao cải thiện được thành tích, nhất là tại Asian Games sắp được tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc vào năm sau.

Toàn cảnh buổi làm việc

Bộ trưởng cũng cho rằng những lý do như thể lực yếu hay tâm lý VĐV bị căng cứng khi thi đấu, là cái đã được đề cập, đã nói nhiều rồi. “Cha ông ta từng nói muốn có trò giỏi, phải có thầy giỏi. Vậy thì ngành thể thao phải đào tạo, nâng cấp đội ngũ HLV, tìm được các chuyên gia giỏi để đảm bảo công tác huấn luyện về chuyên môn. Bên cạnh đó, đặc biệt chú trọng đến việc tìm kiếm, phát hiện các tài năng thể thao rồi tìm qui trình chuẩn để nuôi dưỡng, phát huy các tài năng đó”, Bộ trưởng gợi mở và giao nhiệm vụ cho Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chỉ đạo Tổng cục TDTT tổ chức Hội nghị bàn tròn để tập trung được các ý kiến, trí tuệ đóng góp của các chuyên gia, các địa phương, tập trung vào việc phân tích thực trạng của thể thao thành tích cao để từ đó tìm ra các giải pháp trong thời gian tới. Bộ trưởng cũng cho rằng thời gian từ nay tới Asian Games không còn nhiều nên ngành thể thao phải dốc toàn lực, đề cao khát vọng cống hiến để chuẩn bị thật chu đáo, thi đấu đạt thành tích tốt, đáp lại lòng mong mỏi và sự tin yêu của người hâm mộ cả nước.

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho rằng Thể thao Việt Nam có một số nội dung có thể tranh chấp huy chương Olympic

Bộ trưởng cũng chỉ đạo, ngành thể thao tập trung xây dựng Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ trưởng đánh gía, ngành thể thao có đội ngũ các nhà khoa học là các giáo sư, tiến sĩ thì Chiến lược phải tập trung được trí tuệ của toàn ngành. Trước hết phải thành lập ngay Ban soạn thảo bao gồm những người giỏi, có chuyên môn sâu, có sự trải nghiệm trong thực tiễn, tránh làm đề án đề ra các mục tiêu không sát thực, theo kiểu “đi mây, về gió”. “Chiến lược trước hết phải thể chế hoá được quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác TDTT, nhất là quan điểm trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, Bộ trưởng chỉ đạo và cho rằng, việc phát triển TDTT phải dựa trên sự phát triển hài hoà giữa thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao, lấy thể thao quần chúng làm nền tảng, cơ sở và lấy thể thao thành tích cao để tạo động lực cho sự phát triển của thể thao quần chúng. Bộ trưởng cũng mong muốn, ngành thể thao phải đoàn kết, đồng lòng, cùng chung một tiếng nói, một mục tiêu để đưa ngành ngày càng phát triển vững chắc.

Buổi họp đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm

Cũng trong chiều 16.9, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với Tổng cục TDTT, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Ban quản lý sân Mỹ Đình về công tác chuẩn bị cho các trận đấu sắp tới của đội tuyển Việt Nam. Bộ trưởng chỉ đạo, các đơn vị phải phối hợp để có được sự chuẩn bị tốt nhất, ngay cả mặt sân và các phòng chức năng cần được cải tạo, nâng cấp kịp thời, đáp ứng yêu cầu của FIFA, AFC…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng quá trình thi đấu của Đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic cũng giúp cho chúng ta nhìn thấy được nhiều điểm yếu, thấy được tầm vóc của một số môn để có sự đầu tư đúng hướng. Thứ trưởng chỉ đạo ngành thể thao cần phải rà soát lại toàn bộ lực lượng HLV, VĐV; nếu cần thì phải có sự bổ sung, thay thế. Về kế hoạch chuẩn bị cho Asian Games 2022, Thứ trưởng yêu cầu kế hoạch này cần phải xây dựng tỉ mỉ, kỹ lưỡng, khoa học về cả quá trình tuyển chọn, tập huấn, thi đấu cũng như nghiên cứu các yếu tố về tâm lý, khoa học, công nghệ và dinh dưỡng cho các VĐV. “Kế hoạch cũng phải xây dựng được phương án khắc phục được những tác động từ dịch bệnh để có sự chuẩn bị tốt nhất cho các VĐV”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chỉ đạo.

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top