Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Sách về “tiếng ta” liên tục được chào đón

Thứ Hai 27/12/2021 | 09:54 GMT+7

VHO- Thời gian qua, tiếng Việt nhận được sự quan tâm lớn từ giới ngôn ngữ, văn nghệ sĩ và công chúng; những ấn phẩm bàn về “tiếng ta” liên tục ra mắt và được đón nhận tích cực. Nói như TS Đoàn Hương trong chương trình Vua tiếng Việt phát sóng trên VTV3, “Trong thời đại ngày nay, tiếng Việt có một sự sa sút rất lớn!”, phải chăng vì thế mà những ấn phẩm ra đời là nỗ lực nhằm góp phần làm phong phú và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt .

 

Bộ sách “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt” của tác giả Lê Minh Quốc

Bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt của tác giả Lê Minh Quốc vừa được NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành tháng 12.2021. Bộ sách không phải là công trình lý thuyết về nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ, mà là những cảm nhận, thu thập và trải nghiệm của nhà thơ - nhà văn Lê Minh Quốc khởi đi từ thực tế tìm tòi và từ nhiều nguồn từ điển, tự vị... Tác giả chia sẻ: “Xin nói thật lòng, đã từ lâu tôi nghĩ rằng, là người Việt nhưng chắc gì chúng ta... đã hiểu tiếng Việt? Có những từ sử dụng từ xửa từ xưa, trải dài theo năm tháng, dần dần phai nghĩa, do đó, thế hệ sau khó có thể hiểu trọn vẹn ngữ nghĩa của nó. Điều này, ta thấy rất rõ khi đọc thành ngữ, tục ngữ, ca đao - vốn là trí tuệ của dân tộc ta truyền miệng từ đời này qua đời nọ”.

Theo tác giả, tìm về chất liệu từ câu cửa miệng đã và đang tồn tại, cũng là một hướng quan trọng để ta tiếp cận với văn hóa. Vì lẽ đó, khi viết bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt, tác giả hết sức chú trọng đến lời ăn tiếng nói của người xưa… Bộ sách gồm 3 cuốn: Chơi chữ chanh chua chan chát chữ, Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo, Dích dắc dặt dìu dư dí dỏm. Động lực lớn nhất để Lê Minh Quốc hoàn thành bộ sách là sự miệt mài học tiếng Việt và vì tình yêu máu thịt dành cho ngôn ngữ mẹ đẻ. Có điều, đây vẫn là bộ sách chưa thể kết thúc. Anh cho biết sẽ vẫn tiếp tục viết, viết thêm nữa. Bởi còn quá nhiều đề tài thú vị và tiếng Việt lại vô cùng phong phú, phong cách dùng từ cũng đa tầng đa nghĩa biến chuyển theo không gian và thời gian. Dù cho trăm năm hay ngàn năm sau đi chăng nữa, làm sao có thể quên được những từ ngữ hay tiếng nói tha thiết quen thuộc từ khi lọt lòng mẹ.

Với hơn 30 năm nghiên cứu về ngôn ngữ, GS Trần Thị Ngọc Lang đã công bố nhiều tác phẩm chung và riêng về ngôn ngữ. Bà vừa tiếp tục giới thiệu đến độc giả ấn phẩm Tiếng Việt phương Nam (NXB Trẻ). Cuốn sách tập trung giải thích nghĩa và cách dùng các từ ngữ Nam Bộ trong sự so sánh với các từ ngữ Bắc Bộ (có khi là Trung Bộ), qua cuộc sống đời thường cũng như qua những tác phẩm của các nhà văn phương Nam như Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư…

Tiếng Việt phương Nam là ấn phẩm tiếp theo trong tủ sách Tiếng Việt giàu đẹp được NXB Trẻ thực hiện từ đầu những năm 2000. Tham gia vào tủ sách này là những giáo sư đầu ngành ngôn ngữ học từ Bắc vào Nam, như GS Hoàng Tuệ, GS Nguyễn Đức Dân, GS Trịnh Sâm, Nhà nghiên cứu Trần Huiền Ân… Nhiều ấn phẩm trong tủ sách này đã được bạn đọc đón nhận tích cực như Từ câu sai đến câu hay (Nguyễn Đức Dân, 7 lần in); Nỗi oan thì, mà, là (Nguyễn Đức Dân, 3 lần in); Cuộc sống ở trong ngôn ngữ (Hoàng Tuệ, 2 lần in); Ăn uống nói cười và khóc (Trần Huiền Ân, 2 lần in)… Nói về lý do duy trì tủ sách Tiếng Việt giàu đẹp, chị Phan Thị Tường Vân, BTV của NXB Trẻ cho biết: “Để diễn đạt một nội dung phức tạp cho dễ hiểu là cả một kỳ công và đòi hỏi một trình độ vượt bậc về kỹ năng phân tích, diễn đạt. Vì ngôn ngữ là công cụ quan trọng trong mọi mặt đời sống và tất cả lĩnh vực, ngành nghề nên việc bồi dưỡng thêm kiến thức về ngôn ngữ là một nhu cầu dài lâu và không bao giờ lỗi thời”.

Trong số những tác giả viết sách về tiếng Việt, có lẽ Nguyễn Thùy Dung là trường hợp đặc biệt. Thuộc thế hệ 9X nhưng nữ tác giả luôn có sự quan tâm nhất định đến tiếng Việt. Nguyễn Thùy Dung cũng có cách làm sáng tạo và phù hợp với xu thế khi thành lập Fanpage “Ngày ngày viết chữ”, chuyên luận bàn về tiếng Việt, mở nhiều khóa đào tạo về tiếng Việt, được đông đảo bạn trẻ theo dõi. Sau 2 cuốn sách gây được ấn tượng là Từ vay hay dùng Chữ xưa còn một chút này, tác giả trẻ Nguyễn Thùy Dung vừa ra mắt Hôm nay phải mở mang (Wave Books và NXB Thế Giới). Theo tác giả, ấn phẩm mới này muốn hướng đến những “cây bút trẻ”, tức là những bạn đang đặt bước chân đầu tiên vào hành trình trở thành người viết.

Còn nhớ, cách đây không lâu, ấn phẩm Ai làm đau tiếng Việt (NXB Tổng hợp TP.HCM) của TS Hồ Xuân Mai ra mắt đã gây sự chú ý không chỉ trong giới nghiên cứu ngôn ngữ mà còn được dư luận rất quan tâm. Theo TS Mai, sách tiếp theo ông đang viết là Ai bôi nhọ tiếng Việt?, hiện đang giai đoạn hoàn thiện. Cùng với đó, quyển sách thứ ba cùng chuỗi nội dung này với tựa đề Chính sách ngôn ngữ: Lý luận, thực tiễn và giải pháp cũng đang được xúc tiến. “Sách dày 300 trang, mang tính chất học thuật thuần túy. Đây có thể coi như nỗ lực của chúng tôi trong việc giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt, vực dậy ngôn ngữ nước nhà”, TS Hồ Xuân Mai bày tỏ. 

 Xin nói thật lòng, đã từ lâu tôi nghĩ rằng, là người Việt nhưng chắc gì chúng ta... đã hiểu tiếng Việt? Có những từ sử dụng từ xửa từ xưa, trải dài theo năm tháng, dần dần phai nghĩa, do đó, thế hệ sau khó có thể hiểu trọn vẹn ngữ nghĩa của nó. Điều này, ta thấy rất rõ khi đọc thành ngữ, tục ngữ, ca dao - vốn là trí tuệ của dân tộc ta truyền miệng từ đời này qua đời nọ.

(Nhà văn LÊ MINH QUỐC)

 

TÙNG THƯ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top