Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Ca sĩ Tân Nhàn: MV "Công cha ngãi mẹ sinh thành"không đơn thuần là phá cách trong sáng tạo

Chủ Nhật 02/01/2022 | 15:53 GMT+7

VHO- Vào những ngày cuối năm 2021, ca sĩ Tân Nhàn  phát hành MV Công cha ngãi mẹ sinh thành.  với ý nghĩa khép lại một năm vất vả về dịch bệnh và là lời chào của Tân Nhàn đến năm mới 2022 với nhiều hy vọng. 

PV: Sau 2 năm thực hiện công phu, chị đã chính thức đưa đến công chúng MV xẩm: Công cha ngãi mẹ sinh thành. Một sản phẩm âm nhạc được cho là vừa chứa đựng cả hồn cốt nghệ thuật truyền thống Việt Nam vừa hợp xu hướng âm nhạc đương đại thế giới của Tân Nhàn. Phải chăng đây là sự phá cách trong sáng tạo của chị? 

Ca sĩ Tân Nhàn: MV xẩm này đối với tôi không chỉ đơn thuần là một sản phẩm phá cách trong sáng tạo mà đó là cách để tri ân, tôn vinh văn hóa nghệ thuật truyền thống khi đã hội tụ được những nét tinh hoa của văn hoá, âm nhạc, nghệ thuật truyền thống Việt Nam.Người nghe Công cha ngãi mẹ sinh thành sẽ cảm nhận thấy rất rõ không gian âm nhạc ngũ cung đặc trưng của âm nhạc truyền thống, cùng với đó là những nét thú vị như phảng phất tiếng mõ tụng kinh phản ánh một không khí Phật giáo, văn hóa phương Đông, hoà quyện với âm nhạc giao hưởng phương Tây, cảm nhận được nét nhạc của nhà soạn nhạc J.S.Bach và A.Vivaldi quyện vào trong đó.

PV: Tính đến thời điểm này, chị đã “thai nghén” và hoàn thành MV Công cha ngãi mẹ sinh thành mất bao lâu ? Các công đoạn chuẩn bị chị đã lên kế hoạch ra sao? Lý do gì trong MV này chị chọn nhạc trưởng Đồng Quang Vinh đồng hành? Phải chăng mọi thứ đối với chị đều là nhân duyên ?

Ca sĩ Tân Nhàn:Sau hiệu ứng của liveshow Trở về, Tân Nhàn đã bàn bạc với nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng và dân tộc trong liveshow, tiến hành hoà âm phối khí cho bài xẩm Công cha ngãi mẹ sinh thành. Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật truyền thống, cha là NSƯT Đồng Văn Minh - nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc, mẹ là NSƯT Mai Lai giảng viên môn đàn tranh của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đồng Quang Vinh theo học sáo trúc từ năm 9 tuổi, năm 20 tuổi anh được cử đi học chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc dân tộc tại Học viện Âm nhạc Thượng Hải (Trung Quốc). Với sự học hỏi nghiêm túc và dày công khổ luyện chuyên môn, Đồng Quang Vinh đã nổi lên như một tài năng của Việt Nam tại Thượng Hải, anh đã được trao tặng học bổng dành cho sinh viên xuất sắc nhất của Quỹ Quốc gia Trung Quốc. Chính vì vậy, từ trong máu của mình, Đồng Quang Vinh đã có tình yêu sâu đậm với âm nhạc truyền thống Việt Nam và anh luôn mang khát vọng khơi dậy những di sản tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt trong sự nghiệp nghệ thuật của mình. Bắt gặp ý tưởng, sự táo bạo dám nghĩ, dám làm và tinh thần cống hiến cho tinh hoa nghệ thuật truyền thống của dân tộc ở Tân Nhàn, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh đã vô cùng hào hứng bắt tay vào thực hiện hoà âm phối khí cho bài xẩm. 

Quá trình hoà âm phối khí của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh mất tới nửa năm. Không vì lý do bận rộn, không vì bất cứ một lý do nào, chỉ đơn giản là bởi Đồng Quang Vinh đã dành rất nhiều thời gian dày công nghiên cứu tỉ mỉ để có thể đem đến cho bài xẩm một bài phối hoàn toàn khác biệt, vẫn đảm bảo được tinh tuý từ bài xẩm đã gắn liền với nghệ nhân Hà Thị Cầu mà tôn vinh được một tinh thần xẩm mới của Tân Nhàn và làm sao để khán giả hôm nay, khán giả thế giới có thể nghe và yêu được tác phẩm này.     

Đặc biệt, trong MV này có phần kết hợp biểu diễn giữa Tân Nhàn cùng tiếng đàn cello của Tiến sĩ, nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân theo ý tưởng sáng tạo của chính Tân Nhàn đã “lạ hoá”, đem đến một sự cảm thụ âm nhạc hoàn toàn mới mẻ, thú vị cho bài xẩm này. 

Tôi rất hạnh phúc khi kịp hoàn thành sản phẩm này vào những ngày cuối cùng của năm 2021. Một tác phẩm vô cùng thú vị, và đặc biệt để chào xuân 2022. 

Đối với tôi, không nên giới hạn mình ở mảng miếng nào cả, tất cả các dòng âm nhạc khác nhau (những người làm rất quan trọng) có thể kết hợp với nhạc truyền thống sẽ rất thú vị nhưng đúng là có duyên, Tân Nhàn mới có thể gặp gỡ được với những cá nhân kiệt xuất của dòng nhạc có ý tưởng trùng hợp nên mới có thể cho ra mắt sản phẩm âm nhạc độc đáo. Tân Nhàn mong muốn có thể kết hợp với các nghệ sĩ trẻ  để có thể lan tỏa rộng rãi hơn âm nhạc truyền thống. Chữ duyên với tôi rất quan trọng. Nhất là khi tôi được những người có cùng ý tưởng, mong muốn cống hiến, chơi một cuộc chơi âm nhạc và thực hiện ý tưởng đó…

PV: Trước đây, tôi thường thấy chị hát văn, chèo, quan họ, giờ là xẩm. Lí do gì chị đưa xẩm vào trong MV này. Phải chăng chị chọn hướng đi theo con đường âm nhạc cống hiến? 

Ca sĩ Tân Nhàn: Tôi vẫn là tôi thôi. Tôi muốn khám phá và góp phần bảo tồn các giá trị âm nhạc cổ, trong đó có xẩm. Tôi luôn luôn trăn trở, mong muốn có thể đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình lan tỏa niềm cảm hứng cho các nghệ sĩ trẻ sau này trong việc bảo tồn âm nhạc truyền thống.  Đối với Tân Nhàn xẩm nói riêng và âm nhạc truyền thống Việt Nam nói chung luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong tâm khảm tôi. 

Tôi chọn xẩm bởi đây là thể loại âm nhạc dân dã, một lối diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việ Nam.

Là sản phẩm của người lao động, âm nhạc và lời ca của nghệ thuật hát Xẩm hết sức mộc mạc chân thành nhưng chứa đựng những nội dung tư tưởng sâu sắc.

Lời ca trong hát Xẩm không chỉ phong phú về thể loại như ca dao, tục ngữ, thơ..., mà còn rất đa dạng về mặt nội dung. Những ca từ của Xẩm hàm chứa những triết lý, những lời răn dạy đạo lý ở đời.

PV: Trong khi các loại hình nghệ thuật đang phải đối mặt không ít khó khăn thì lĩnh vực âm nhạc lại có những chuyển biến mới với sự phát triển của thị trường cũng như sự nhanh nhạy của một số ca sĩ nổi tiếng. Thay vì đầu tư vào sự kiện âm nhạc lớn như trước đây, họ sản xuất MV được xem là hướng đi mới để thu hút khán giả và thu lợi nhuận. Chị có nằm trong số đó? 

Ca sĩ Tân Nhàn: Tôi không chọn cách làm MV kiếm bộn tiền mà chọn làm theo những gì mình muốn.Mỗi người có một con đường đi riêng, là giảng viên tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là nơi đào tạo đầu ngành âm nhạc cả nước, tôi mong mình đi con đường âm nhạc mang tính cống hiến nhiều, cũng là nguồn cảm hứng cho thế hệ học trò rằng ngôi trường đã đào tạo ra nhiều thế hệ học trò theo đuổi các giá trị âm nhạc truyền thống. Nếu tất cả chúng ta đều làm những sản phẩm vì lợi nhuận thì ai sẽ làm những công việc này, như câu hát 'ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai. MV là cách để nghệ sĩ tuyên ngôn cá tính và sự sáng tạo của mình. Là món quà của họ dành cho các fan hâm mộ. Hãy nhìn ra thế giới, mỗi lần các MV của các nghệ sĩ lớn xuất hiện, nó được nhìn nhận không chỉ là một video clip, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật với chỗ đứng riêng và cộp mác từng nghệ sĩ.

PV: Kiên trì theo đuổi âm nhạc này, ca sĩ Tân Nhàn được cho là mạo hiểm khi chọn con đường khó khăn? 

Ca sĩ Tân Nhàn: Bài toán khó là làm thế nào để khán giả trẻ cảm thụ và thấy được cái hay, cái đẹp trong âm nhạc truyền thống mà thế hệ trước ca ngợi. Khó khi Việt Nam đang hội nhập với thế giới, giới trẻ bây giờ nói tiếng Anh như… gió và chuộng nhạc ngoại, thích nhạc trẻ. Sự quan tâm của khán giả trẻ nói riêng và khán giả nói chung dành cho âm nhạc truyền thống ít đi và bị chi phối bởi các dòng âm nhạc khác.

Cái khó là lôi kéo mọi người, làm thế nào để họ nhận diện được nét đẹp, giá trị văn hóa của âm nhạc truyền thống và có sự quan tâm? Một mình tôi cũng không thể làm được và cũng không phải trong ngày một ngày hai mà là cả quá trình. Năm 2013 với “Yếm đào xuống phố”, 2018 là “Níu dải lụa đào” và gần nhất 2019 với Liveshow “Trở về” rồi ngay sau đó là đêm nhạc “Tứ Ân”, tôi đã đưa âm nhạc truyền thống trở thành một phần quan trọng của chương trình. Hy vọng với MV Công cha ngãi mẹ sinh thành bằng sự nỗ lực và tâm huyết sẽ là nguồn cảm hứng để cùng với thế hệ trẻ làm sống dậy các giá trị âm nhạc truyền thống.

 PV: Xin cảm ơn chị!

            LÊ THÚY HẰNG (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top