Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Giữ nhịp điệu không gian văn hóa cồng chiêng

Thứ Tư 05/01/2022 | 11:14 GMT+7

VHO- Từ ngàn xưa đến nay, cồng chiêng luôn tồn tại song hành với đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đồng thời cũng là nhạc cụ phổ biến và là tài sản quý giá, niềm tự hào của mỗi gia đình, dòng tộc, làng bản. Âm thanh cồng chiêng vang lên giữa núi rừng báo hiệu người Bana, Hrê, Chăm H’roi… đang rộn ràng với lễ hội.

 Lớp trẻ nhiệt tình theo học nhạc cụ cồng chiêng và các làn điệu dân ca

 Đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và Bình Định nói riêng coi cồng chiêng và rượu cần là những vật thiêng trong đời sống, là thành tố cơ bản để tạo nên lễ hội. Bà con Bana, Hrê, Chăm H’roi… cho rằng, tất cả các lễ hội trong năm như: Lễ mừng lúa mới, lễ cầu mưa, lễ cúng bến nước, lễ đâm trâu… đều không thể thiếu tiếng cồng chiêng. Bởi, cồng chiêng gắn bó với người dân từ lúc sinh ra cho đến khi giã từ cuộc sống. Trong không khí lễ hội của bà con miền núi, lúc nào cũng có tiếng cồng chiêng vang lên như lời mời gọi, thúc giục cộng đồng đến tham gia. Cồng chiêng gắn bó với mọi nghi thức tâm linh, là phương tiện giao tiếp với các vị thần trong tâm thức người dân miền núi, bởi họ quan niệm trong mỗi chiếc cồng chiêng đều có một vị thần ngự trị. Ngoài ra, cồng chiêng còn được coi như thành viên trong gia đình, ứng với những vị trí khác nhau trong mỗi dàn cồng chiêng.

Tại huyện An Lão, những năm qua nhịp điệu của cồng chiêng đã âm vang rộn ràng hơn bao giờ hết. Ông Châu Anh Tế, Trưởng phòng VHTT huyện An Lão cho biết: “Các bộ cồng chiêng đã được hỗ trợ cho các thôn, làng, các trường học, giúp bà con có thêm điều kiện để sinh hoạt tập thể, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Hằng năm, huyện tổ chức các lễ hội VHTT cấp huyện, cấp xã, trong đó có Ngày hội văn hóa các DTTS (tổ chức 2 năm/lần) thì giai điệu cồng chiêng lại vang lên rộn rã”. Theo ông Tế, thời gian gần đây người dân đã đưa tiếng cồng chiêng vào phục vụ khách du lịch, đây là hướng đi đúng, là điều đáng mừng vì có thể vừa bảo tồn văn hóa truyền thống vừa phát triển đời sống kinh tế của người dân.

 Nhịp điệu không gian cồng chiêng vang lên rộn ràng trong các ngày hội VHTT các DTTS miền núi

Để tiếp sức cho cồng chiêng, hơn 3 năm nay, UBND tỉnh Bình Định đã giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, địa phương liên quan, tổ chức mua sắm cho mỗi làng đồng bào trên địa bàn tỉnh một bộ cồng chiêng (tổng cộng có 119 bộ/119 làng) và 14 bộ/13 trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú; số lượng cồng, chiêng tùy thuộc vào bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Em Chu Chủ Ái, người Hrê, huyện An Lão chia sẻ: “Mỗi làng có một bộ cồng chiêng thì chúng em có điều kiện tiếp cận để học và đánh cồng chiêng hơn. Em tin rằng, trong thời gian không xa, thông qua việc gây dựng lại nhịp điệu cồng chiêng, thanh niên chúng em cũng sẽ góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng tại các bản, làng”.

Ở góc độ nghiên cứu, nghệ nhân Yang Danh nhìn nhận, âm vang không gian cồng chiêng ngân lên như giữ được “hồn cốt” văn hóa cộng đồng của đồng bào các DTTS. Bởi, giữ được không gian văn hóa cồng chiêng thì sẽ giữ được điệu múa, lời hát, trang phục… của đồng bào nơi núi rừng.

Theo Sở VHTT Bình Định, địa phương luôn duy trì ngày hội VHTT các DTTS miền núi, định kỳ 2 năm một lần, luân phiên địa điểm tổ chức ở các huyện miền núi, vùng có đồng bào đông đúc sinh sống. Đây là dịp để ba dân tộc anh em Bana, H’rê, Chăm H’roi có dịp mang về ngày hội các làn điệu cồng chiêng khi đằm thắm, nồng nàn, khi thúc giục, sôi động… Vào dịp này, thế hệ trẻ các dân tộc thiểu số có dịp trao đổi học tập, khám phá nét đẹp tiềm ẩn trong không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc anh em. Đặc biệt, cồng chiêng Chăm H’roi huyện Vân Canh đã 2 lần tham gia Festival Cồng chiêng Tây Nguyên tổ chức tại Đắk Lắk năm 2007 và tại Gia Lai năm 2009.

Cũng theo Sở VHTT Bình Định, trong những năm qua, chương trình sưu tầm, gìn giữ, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể ở Bình Định đã quan tâm đến một số lễ hội dân gian có nguy cơ mai một, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng tại các lễ hội như: Lễ cầu mưa, lễ đổ đầu của người Chăm H’roi; Lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn trâu tạ ơn của người Bana; Sinh hoạt âm nhạc của người H’rê. Thông qua các chương trình, dự án văn hóa phi vật thể, các làn điệu cồng chiêng đã được ghi hình, phát sóng trong các dịp liên hoan, hội diễn, giao lưu văn hóa trên cả nước. Lễ hội dân gian của bà con miền núi, vùng cao ở những năm gần đây được các cấp chính quyền rất quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phục dựng, diễn ra đúng theo định kỳ. Đây là cơ hội cho cồng chiêng hoạt động đúng không gian thiêng mà chủ nhân di sản đã định đoạt. 

PHAN HIẾU

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top