Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Năm 1961, Bác Hồ về thăm Nghệ An trong ký ức của hai nữ học sinh giỏi trên quê hương của Người

Thứ Hai 17/01/2022 | 10:07 GMT+7

VHO- Sinh thời, Nghệ An-Nam Đàn, quê hương thân yêu luôn neo giữ trong tâm khảm Chủ tịch Hồ Chí Minh một tình cảm máu thịt, thiêng liêng. Hơn sáu thập kỷ xa quê trong đó có 24 năm trên cương vị tối cao lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc với biết bao công việc phải chăm lo, Bác kính yêu luôn hướng về quê nhà của mình với mong ước sâu nặng: Đồng bào địa phương xung phong Thi đua ái quốc làm cho Nam Đàn thành một huyện kiểu mẫu, Nghệ An thành một tỉnh kiểu mẫu trong mọi công việc kháng chiến và kiến quốc.

Với Nam Liên nghĩa nặng ơn sâu, hai lần về thăm dù thời gian không nhiều, song bà con vẫn nhắc nhớ dáng hình bâng khuâng khi Bác nhìn cảnh vật còn đó mà người thân tất cả đã đi xa, khi Bác  đứng lặng trong căn nhà, nhìn nơi đặt bàn thờ cúng gia tiên, nhìn cái án thư đọc sách của Cha, chiếc đèn đĩa dầu lạc để bên khung cửi Mẹ dệt vải, cái võng, hàng cau cây ổi đào trước sân, rào dâm bụt….Bà con quê hương nhớ từng lời Bác thăm hỏi, những điều Bác nhắc nhớ, dặn dò, gửi gắm mong muốn với bà con ở quê nhà,  những lá thư Bác động viên, thăm hỏi gửi vùng đất và con người Nghệ An…Tất cả vẹn nguyên nghĩa tình… Nhớ ơn Bác, mong Bác được vui mỗi lần nhớ về quê, người dân quê Bác dù làm gì, ở đâu vẫn luôn tự hào và tự nhắc nhủ luôn cố gắng, phấn đấu làm tốt nhiệm vụ được giao góp phần xây dựng quê hương đất nước đẹp giàu như Bác hằng mong muốn. Có biết bao tấm gương của những người con trên quê hương Bác đã vươn lên học giỏi, chuyên cần lao động, góp phần làm rạng danh quê hương. Câu chuyện dưới đây được ghi theo lời kể của hai nữ học sinh giỏi trên quê hương Bác Hồ cùng những hình ảnh tư liệu có liên quan đến nội dung họ đã kể    

 Tôi vinh dự được tặng hoa Bác Hồ   

Chị Võ Thị Minh Châu vinh dự được tặng hoa chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê nhà, ngày 9.12.1961

Chị Võ Thị Minh Châu, tháng 12.1961 là học sinh lớp 7 trường cấp II Nam Liên, Nam Đàn, Nghệ An, nguyên là cán bộ quy hoạch ngành nông nghiệp nay đã nghỉ hưu, nhà ở B19 Tập thể Kim Liên, Quận Đống Đa, Hà Nội kể: "Tôi sinh ra và lớn lên ở Kim Liên quê Bác. Tôi được đón Bác cả hai lần khi Người về thăm quê.

Lần thứ nhất, Bác về vào tháng 6.1957. Tôi còn bé mới nghỉ hè lớp 3, được mẹ tôi dẫn ra buổi lễ đón Bác tổ chức ở xã. Hôm ấy đông vui như ngày hội, không chỉ người Kim Liên mà có rất nhiều bà con trong vùng đứng đông nghẹt đón Bác về. Lúc nhìn thấy Bác ai ai cũng vui. Được nhìn thấy Bác mạnh khỏe, nhiều người mắt còn đỏ hoe vì xúc động. Tập trung nghe Bác nói chuyện ở gốc đa xóm Phú Đầm mọi người vỗ tay rất nhiều. Tự hào, xúc động, sung sướng đó là cảm giác chung của bà con quê tôi trong lần đầu được đón Bác về thăm. Ai cũng tự nhủ với lòng mình sẽ làm đúng những điều Bác dặn. Khi Bác đã đi, tất cả trẻ con đều được cán bộ xã, thôn đến từng nhà chia kẹo. “Đó là quà của Bác Hồ gửi tặng các cháu thiếu nhi”, người lớn đã nói như vậy khi đến chia kẹo cho chúng tôi.  

Lần thứ hai Bác về thăm quê vào ngày 9. 12. 1961, tôi năm đó là học sinh lớp 7. Xã Nam Liên có nhiều đổi mới, phần vì hòa bình đã mấy năm, phần vì lần trước khi về thăm quê, Bác Hồ dặn nhân dân: Nam Liên ta cố gắng thi đua xây dựng thành xã kiểu mẫu, sản xuất giỏi, nhân dân được sống ấm no hạnh phúc, các cháu được học hành chu đáo, giữ gìn thuần phong, mỹ tục. Bác nhắc nhở: Đảng viên cán bộ trong xã phải gương mẫu, sửa chữa sai lầm cải cách ruộng đất, nhân dân đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau. Phải tin tưởng và chấp hành chủ trương chính sách của Đảng. Bác động viên và hứa: Nếu Nam Liên xây được xã kiểu mẫu thì Bác còn trở về thăm lần nữa. Từ đó, mọi cán bộ người dân trong  xã có cả gia đình tôi đều ghi nhớ  và nêu quyết tâm thực hiện lời hứa với Bác: Xây dựng tổ đổi công, lập hợp tác xã, tích cực sản xuất, chăm lo đường làng ngõ xóm, đi lại thuận tiện. Mùa đến, thóc lúa được chở bằng xe cải tiến đến sân hợp tác và sân từng gia đình…Xã còn mở lớp bình dân học vụ dạy mọi người biết chữ. Trường cấp II Nam Liên mới xây lại, lợp ngói đỏ tươi, trẻ em trong xã  và các vùng lân cận đi học gần hơn. Đường ô tô mở nối xã với huyện, với Vinh và liên tỉnh….Ba năm liền cố gắng phấn đấu, quê hương Nam Liên được thưởng hai Huân chương Lao động hạng 3 vì thành tích sản xuất và xây dựng đời sống mới. Nhớ ơn Bác, nhân dân Nam Liên đã tìm lại căn nhà cũ của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Làng Sen và phục dựng lại như xưa.

Ngày Bác về thăm quê, cả trường vẫn đi học. Sau tập trung đầu giờ, tôi và bạn Nguyễn Xuân Trường được thầy Hiệu trưởng Dương Đình Tương gọi lên và cho biết: Hôm nay, Bác Hồ về thăm quê. Hai em là những học sinh giỏi toàn diện, tiêu biểu được chọn làm nhiệm vụ tặng hoa lên Bác. Nghe xong, tôi thấy đột ngột và rất lo lắng nên đã thưa với Thầy xin cử bạn khác. Ngạc nhiên nhìn tôi, thầy Hiệu trưởng nhẹ nhàng nói: Em là học sinh giỏi toàn diện, chăm ngoan, rất xứng đáng với vinh dự to lớn. Sao em lại từ chối? Thật may, hôm đó chúng tôi đều quàng khăn đỏ, mặc áo sơ mi trắng dài tay, tôi còn kịp chạy mượn đôi guốc để đi, rồi ôm bó hoa tập trung tại ngôi nhà Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc mới được phục dựng trên nền đất cũ. Được tin, Bác đang trên đường về Kim Liên sau khi đã về thắp hương tại quê ngoại ở Hoàng Trù, chúng tôi chờ ở gần cổng nhà Bác, theo hướng nhìn ra sân vận động của xã khi đó đang tập trung rất đông người.

Đoàn xe chở Bác cùng các vị đại biểu đi vào. Bác từ xe bước xuống, vẫy chào đồng bào rồi bước nhanh về  phía ngôi nhà gia đình Bác đã ở năm xưa. Bác đi rất nhanh, mọi người trong đoàn đều cố gắng để theo kịp. Bác xem kỹ những đồ vật xưa cũ của gia đình rồi ngồi ngay bậc cửa suy tư, xúc động. Đứng quanh bên Bác khi đó, tất cả đại biểu đi cùng đều im lặng như muốn kéo dài giây phút quý báu này. Nhưng chợt nghe thấy tiếng reo của đồng bào từ ngoài xa vọng vào, Bác đứng dậy và nói: Chúng ta ra ngay, không để bà con chờ lâu. Vừa bước ra sân, nhìn thấy bà con nội tộc đứng chờ để chào đón, Bác đi nhanh tới rồi ân cần nắm tay ông Nguyễn Sinh Mợi, bà Nguyễn Thị Quy… thăm hỏi sức khỏe và sự làm ăn của các gia đình.Tất cả đều vui vẻ báo cáo với Bác những lời ngắn gọn rồi xếp thành đoàn đi sau Người.

Thấy Bác bước đến và chuẩn bị đi về phía sân vận động, tôi và Trường cùng hướng về phía Bác tặng hoa. Thật bất ngờ, rất đông người tràn vây quanh Bác, cả hai chúng tôi và các cô chú trong Ban Tổ chức đều như bị bật ra. Đang luống cuống,  thì cả hai được chú cán bộ tháp tùng Bác tiến lại gần, chú nghiêng người chắn đám đông rồi đẩy nhẹ chúng tôi đến trước mặt Bác. Rất nhanh chú trở lại kề sát bên phải Bác làm nhiệm vụ của mình. Vừa may, cùng lúc hai chúng tôi kịp nâng bó hoa dâng tặng Bác thì chú Nguyễn Sinh Quế, Bí thư Đảng ủy Xã đứng cạnh giới thiệu ngắn về Trường và tôi là hai học sinh giỏi, có vinh dự được cử lên tặng hoa Người. Mắt Bác âu yếm nhìn xuống chúng tôi cười vui và đưa tay ra đỡ cùng một lúc cả hai bó hoa. Đứng gần, dưới nắng nhẹ của mùa đông, tôi xúc động nhìn sắc mặt hồng hào cùng những vết đồi mồi lốm đốm ánh lên trên vầng trán cao và hai bên gò má Bác. Tôi thấy Bác chủ động nói câu gì đó nhưng vì quá đông nên chúng tôi không thể nghe được và cũng không kịp nói lời chào, lời chúc sức khỏe Bác như đã được thầy, cô dặn. Hôm đó, Bác mặc bộ quần áo lụa nâu sậm, trên túi áo cài bút, và khoác bên ngoài chiếc áo đại cán ka ki màu ngà quen thuộc. Kịp hòa vào dòng người, chúng tôi  bước về nơi bà con quê hương chờ đón Bác.

Tới gần trưa, khi kết thúc buổi gặp gỡ, nói chuyện với bà con quê nhà, Bác nhắc bắt nhịp hát bài ca Kết đoàn. Tất cả đều vui vẻ hát theo. Trước khi ra về, Bác gửi kẹo tặng thiếu nhi và trà biếu các cụ già. Nhìn Bác khỏe mạnh, vui cười và gần gũi, người dân Nam Liên quê tôi hôm đó ai cũng vui mừng, chung niềm phấn khởi, động viên nhau cùng ghi nhớ và làm theo lời Bác dặn: Đoàn kết phấn đấu tiến bộ, hoàn thành xuất sắc công việc, xứng đáng với tình cảm và sự quan tâm của Bác, tự hào là người dân trên quê hương Bác kính yêu.

Đã 60 năm trôi qua, tôi từ một cô bé học sinh lớp 7 nay đã hơn 70 tuổi. Trải qua những năm tháng được đào tạo đại học cả trong và ngoài nước,  tôi nhận công việc trong ngành nông nghiệp. Nhớ lời Bác dặn, tôi đã luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, thu xếp thời gian chăm sóc gia đình, nuôi dạy con nên người để mãi xứng đáng với truyền thống quê hương, với danh hiệu “ Học sinh giỏi toàn diện” trên quê hương Bác Hồ. Đến tuổi nghỉ hưu, khi còn sức khỏe, tôi đã nhiều năm tham gia công tác tổ Dân phố và Chi bộ, thiết thực góp sức hưởng ứng cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Hàng năm cứ đến Quốc khánh, cũng là ngày Bác đi xa, tôi luôn nhớ về Bác kính yêu với lòng biết ơn vô hạn. Cũng không ngờ và thật may mắn, sau này khi đã đi làm, trong một lần xem triển lãm, tôi được thấy mình trong bức ảnh ghi lại thời khắc ngay giữa làng Sen, chúng tôi đã vinh dự được tặng hoa Bác Hồ kính yêu. Nhìn Bác Hồ khỏe và rất vui,  Bác như còn sống mãi. Tất cả chúng tôi đều cười rạng rỡ khi được đứng quanh Người – Đó là thời khắc không thể quên"

Trong lòng tôi bao giờ cũng một niềm yêu kính Bác   

Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận bức tranh thảm Chủ tịch Hồ Chí Minh do gia đình chị Đào Thị Côi, Giám đốc Công ty Vitarus, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại TP. Kazan tặng. Hà Nội ngày 15.4.2010  

Chị Đào Thị Côi sinh năm 1949 ở Nam Đàn, Nghệ An. Mồ côi cha từ lúc chưa lọt lòng mẹ. Nhà nghèo, đông con, chị Côi thương mẹ vất vả tần tảo nên dù là con gái út, mẹ rất thương vì mất Cha sớm, nhưng mới 10 tuổi, đến ba tháng nghỉ hè chị đã biết học cách đính nút áo để nhận làm gia công phụ giúp đỡ mẹ tiền ăn, học. Từ nhỏ, chị Côi đã phấn đấu học thật giỏi để mẹ vui và sâu kín trong lòng mình chị mơ ước được làm cô giáo. Năm học nào cũng vậy, chị Côi luôn đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện đạo đức tốt, được nhận phần thưởng danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”. Ngày 8.12.1961, chị Côi khi đó là một trong những học sinh xuất sắc, tiêu biểu được Ty Giáo dục Nghệ An chọn đi đón và tặng hoa Bác Hồ. “Cô bé Côi” rất tự hào và vui sướng, nhưng thật buồn, trước ngày Bác Hồ về thăm quê, thành phố Vinh bị một trận hoả hoạn làm cháy tan biết bao ngôi nhà trong chính nơi gia đình Chị Côi ở. Mọi thứ đều cháy hết, một bộ quần áo lành lặn để mặc đi đón Bác cũng không có. Nhớ về câu chuyện buồn ngày ấy, chị Côi tâm sự “ Mình rất tiếc, bỏ cơ hội ngàn vàng để được nhìn thấy Bác, được đứng cạnh và tặng hoa cho Bác. Mình không làm được điều đáng lẽ thuộc về mình. Đó là điều mình luôn day dứt và ân hận” Đã từ lâu, mỗi khi nhớ đến, chị Côi vẫn canh cánh nỗi buồn của tuổi thơ ấy. Suốt những năm học phổ thông, giữ quyết tâm, chị luôn phấn đấu liên tục đạt danh hiệu “Học giỏi xuất sắc”, “ Cháu ngoan Bác Hồ” của tỉnh. Đạt kết quả cao  trong học tập và trong kỳ thi tốt nghiệp lớp 10/10 khi đó, chị Côi đã được cử sang học đại học ở Liên Xô. Được chọn trường yêu thích ở Mátxcơva nhưng để thoả lòng mong muốn trở thành một người giảng viên của trường đại học, chị Côi  đã  đăng ký học trường Đại học Sư phạm Vôn-ga-grát cách thủ đô hàng ngàn cây số. Nhận bằng tốt nghiệp Đại học loại ưu, chị được thầy cô trong trường khuyên ở lại làm nghiên cứu sinh. Ghi ơn tấm lòng của tất cả nhưng Chị Đào Thị Côi đã sớm trở về Việt Nam và được làm cô giáo đứng trên bục giảng tại trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Yêu thương quê hương Nghệ An, năm 1975, rời điều kiện làm việc thuận lợi ở thủ đô, chị Côi xin trở về quê, làm giáo viên giảng dạy môn Văn học Nga Xô Viết của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh.

 Năm 1987, được cử sang Liên Xô làm phiên dịch, đội trưởng dìu dắt các em học sinh quê ở Nghệ An sang Liên Xô lao động. Xa nhà, nhớ các con, chị Côi đã vừa làm, vừa học. Ngoài giờ làm việc, chị  đăng ký học chương trình nghiên cứu sinh tại chức. Hết hợp đồng lao động nhưng chưa được bảo vệ luận án, chị xin ở lại nước Nga để vừa làm kinh tế, vừa tiếp tục học tập với mong muốn sẽ được góp sức nhỏ bé của mình nuôi các con, gia đình và dựng xây quê hương, đất nước. Để ổn định cuộc sống, chị sáng lập Công ty VITARUS (tên gọi tắt của 3 nước Việt Nam - Tatarxtan - Nga), xây dựng và phát triển công ty thành trung tâm thương mại có uy tín, gắn kết công dân của 20 dân tộc trên thế giới, trong đó có cộng đồng người Việt Nam. Chị Côi không chỉ là một người giám đốc giỏi quản lý mà Chị còn phấn đấu học tập, cống hiến và được chính quyền nước sở tại tôn vinh là Viện sỹ Danh dự của nước Nga. Sống trí tuệ, nhân nghĩa, yêu thương, chị Côi trở thành một người chị, một người mẹ gắn bó, thân thiện của không ít người Việt Nam trên đất nước Nga. Chị luôn giữ được mối quan hệ bạn bè, anh em tốt đẹp với công dân của nhiều quốc gia, dân tộc khác. Giữ truyền thống nghĩa tình của con dân đất Việt, chị Côi còn là cầu nối giữ tình hữu nghị Việt – Nga thông qua những người cựu chiến binh Nga đã từng sát cánh bên cạnh nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ. Biết ơn sự hy sinh to lớn đó, chị Côi đã tổ chức để các cựu chiến binh, trong đó có những sỹ quan đã từng được phục vụ, làm việc với Bác Hồ trước đây trở về thăm lại Việt Nam. Họ là những người cựu chiến binh anh hùng của nước Nga Xô Viết, đồng thời là những người bạn nghĩa tình sâu nặng của quê hương chị, đối với họ, được cùng bà Côi trở lại thăm Việt Nam là một tình cảm quý báu không thể nào quên. Trong ký ức của những người cựu chiến binh ấy, hình ảnh cao đẹp của Bác Hồ kính yêu và của những “Anh bộ đội Cụ Hồ” Việt Nam vẫn còn mãi mãi. Duy trì sự kết nối với quê nhà, hàng năm Chị Côi kêu gọi các cá nhân trong trong công ty, cả người Việt, người Nga và các dân tộc anh em khác mỗi người một chút đều đặn đóng góp để có những món quà nhỏ không dùng vào việc lễ lạt, thăm hỏi mà để mua nông cụ, súc vật nuôi là những con bò, đàn gà…hoặc những công cụ lao động ủng hộ các gia đình còn khó khăn của Hội Cựu Chiến binh Việt Nam.

Chị Đào Thị Côi cùng con trai thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K.9. Đá Chông Ba Vì Hà Nội ngày 26.1.2012

Đã hơn 60 năm, “lỡ” ngày được đi đón và tặng hoa Bác Hồ, cuộc sống cũng trải bao biến cố, thử thách song chị Đào Thị Côi vẫn một lòng suy nghĩ và hành động những điều tốt đẹp cho quê hương theo lời dạy của Bác trong đó có việc thông qua Quỹ Tấm lòng Việt gửi hàng trăm triệu đồng ủng hộ các chiến sĩ Cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, giúp đỡ những thành viên cộng đồng người Việt gặp khó khăn…Nhớ thương và biết ơn Bác kính yêu, trong dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người, từ Cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga, gia đình chị Đào Thị Côi đã gửi món quà quý giá về Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội kính dâng lên Bác bức tranh thảm “Chủ tịch Hồ Chí Minh”- Một tác phẩm nghệ thuật rộng gần 12m² đã được các nghệ nhân tài hoa của đất nước Apganistan dệt trong ba tháng liền. Đây không những tấm lòng của gia đình Chị Côi dâng lên Bác mà còn là tình cảm thân thiết của người dân các nước anh em xa xôi đối với Bác Hồ, đối với Việt Nam.

Đưa tin về sự kiện này, Báo Điện tử Đảng Cộng sản viết: "Việc trao tặng bức tranh thảm về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của gia đình bà Đào Thị Côi là việc làm thiết thực, đầy ý nghĩa. Đồng thời, còn thể hiện niềm tin của Bà Côi và các thành viên trong gia đình với Tổ quốc, với Bác Hồ kính yêu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Ở nơi xa ấy, hướng về quê hương dịp kỷ niệm 60 năm Bác Hồ thăm Nghệ An lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng Người về quê nhà, Chị Đào Thị Côi đã viết những dòng thơ khắc ghi ân tình của quê hương mình trong những ngày được đón Bác: “ Bác ơi cháu nhớ/ Một ngày đẹp trời/ Bác trở về quê/ Chúng cháu tràn trề/ Niềm vui đón Bác/ Mái đầu tóc bạc/ Bác đứng trên cao/ Mắt sáng hơn sao/ Kết đoàn cùng hát.

                                                                                         LÂM HÀ - SONG NGƯ SƠN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top