Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đẩy mạnh triển khai Chiến lược Văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022-2026: Nội lực và uy tín quốc tế

Thứ Hai 24/01/2022 | 11:15 GMT+7

VHO- Hoạt động văn hóa đối ngoại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu ngay từ sau ngày giành được độc lập 2.9.1945. Cho đến nay đã có quá trình 77 năm, có hai thời kỳ: Văn hóa đối ngoại trong kháng chiến (1945-1975) và văn hóa đối ngoại trong thời bình (1975-2022). Mỗi thời kỳ có những khó khăn và thuận lợi khác nhau.

 Văn hóa góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam

Những ngày độc lập đầu tiên của đất nước, tình hình kinh tế, xã hội hết sức khó khăn, thiếu thốn về tất cả mọi mặt, từ tài chính cạn kiệt đến lương thực không đủ nuôi dân; Thiếu vũ khí chiến đấu, thiếu phương tiện sản xuất, đời sống văn hóa, xã hội lạc hậu, nhân dân thiếu ăn, mù chữ, kẻ thù tàn ác phá hoại...

Hoạt động văn hóa đối ngoại thời kháng chiến

Thế nhưng, chỉ sau 5 ngày độc lập (đến ngày 7.9.1945), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát sóng các chương trình bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Quảng Đông. Đó là bước đi tiên phong sớm nhất của chiến lược văn hóa đối ngoại.

Từ đó và trong suốt hai cuộc kháng chiến, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát sóng liên tục với hơn một chục thứ tiếng nước ngoài để cả thế giới biết đến cuộc kháng chiến anh hùng của nhân dân Việt Nam. Trong khi cuộc kháng chiến trường kỳ đầy hy sinh, gian khổ đang diễn ra quyết liệt nhưng Việt Nam vẫn cử các đoàn nghệ thuật tham gia các hoạt động văn hóa quốc tế. Hình ảnh con người Việt Nam bình dị, thân thiện nhưng là những chiến sĩ chiến đấu kiên cường cùng với những chiến công oanh liệt đã được bạn bè quốc tế vô cùng ngưỡng mộ. Nhiều nơi nổ ra những cuộc biểu tình chống chiến tranh với sự tham gia của hàng ngàn người và hô vang các khẩu hiệu: Việt Nam, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ... Đó là uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế đã được nâng cao cùng với lòng tự hào dân tộc, biến thành sức mạnh chiến đấu của các chiến sĩ ngoài tiền tuyến và biến thành phong trào thi đua lao động sản xuất ở hậu phương với khẩu hiệu “Tất cả cho chiến thắng”.

Khó khăn lớn nhất của hoạt động văn hóa đối ngoại thời kháng chiến là thiếu nguồn lực tài chính, thiếu trình độ chuyên môn, thiếu thiết bị kỹ thuật đề quảng bá văn hóa ra thế giới. Nhưng có thuận lợi rất lớn là Việt Nam đang đứng ở tuyến đầu của phong trào giải phóng dân tộc, cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam được coi là để bảo vệ “lương tri của thời đại”. Nên tiếng nói và hình ảnh Việt Nam được nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đón nhận với tình cảm quý trọng đặc biệt, gây được hiệu ứng lan tỏa rất rộng, đạt được hiệu quả lớn về nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chiến lược văn hóa đối ngoại ngày nay

Chỉ thị số 25 CT-TTg ngày 10.9.2021 về việc đẩy mạnh triển khai “chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam” đã xác định mục đích, yêu cầu là: “Thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước” “Nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế”. Như vậy là mục đích, yêu cầu bao gồm cả văn hóa đối ngoại và văn hóa đối nội.

Văn bản kế hoạch thực hiện chiến lược văn hóa đối ngoại đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm, đã bao quát hầu như tất cả các lĩnh vực hoạt động thường xuyên của ngành văn hóa. Sau khi nêu 10 nhiệm vụ trọng tâm, phần kế hoạch thực hiện đã phân công nhiệm vụ cho 14 đối tượng thực hiện rất cụ thể, rất chi tiết, gần như “cầm tay chỉ việc” đối với từng lĩnh vực chuyên môn. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thực hiện. Chỉ cần làm theo từng đầu việc đã được liệt kê trong kế hoạch. Tuy nhiên, do kế hoạch thực hiện trong thời gian quy định là 4 năm nên nếu có sự xác định đâu là những công việc then chốt cùng với có dự kiến một số chỉ tiêu cụ thể thì sẽ là cơ sở pháp lý để vạch ra lộ trình thực hiện hợp lý. Đồng thời là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chung và của từng lĩnh vực.

Chiến lược văn hóa đối ngoại ngày nay được thừa hưởng những kinh nghiệm quý báu của tinh thần hoạt động văn hóa đối ngoại thời kháng chiến nhưng không thể lặp lại những gì đã làm trước đây vì hoàn cảnh lịch sử đã thay đổi hoàn toàn. Do đó, chiến lược và hoạt động văn hóa đối nội cũng phải thay đổi nội dung và thích nghi với hoàn cảnh, điều kiện mới. Nếu trong thời chiến, hoạt động văn hóa đối ngoại của Việt Nam là quảng bá ý chí kiên cường và thành tích chiến đấu chống ngoại xâm thì hoạt động văn hóa đối ngoại ngày nay, đối tượng để quảng bá phải đa dạng, phong phú hơn. Đó là kho tàng những giá trị văn hóa truyền thống rất đặc sắc của 54 dân tộc ở Việt Nam, là những thành tựu ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội, là thành tích ấn tượng về xóa đói giảm nghèo, là sự ổn định chính trị, là điểm sáng trong công cuộc chống đại dịch... Đồng thời quảng bá văn hóa và uy tín Việt Nam bằng chất lượng sản phẩm xuất khẩu cũng là một kênh rất hiệu quả, như các loại nông sản chất lượng cao, những sản phẩm công nghệ cao với nhãn mác “Made in Việt Nam” đã đến được những thị trường khó tính nhất... Đó là những lĩnh vực mà Việt Nam có quyền tự hào và đã được thế giới đánh giá rất cao.

Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay về hoạt động văn hóa đối ngoại là sự nhiễu loạn thông tin độc hại trên phạm vi toàn cầu, gần như trạng thái của cuộc chiến tranh thông tin nên khả năng quảng bá những giá trị văn hóa gặp rất nhiều cản trở. Đồng thời, sự tấn công của văn hóa ngoại lai, độc hại bằng công nghệ 4.0 trên mạng xã hội gần như đã vượt tầm kiểm soát. Sự tấn công ấy nhằm vào giới trẻ và được hỗ trợ của các phần tử cơ hội chính trị. Mục đích của chúng là làm mờ đi những giá trị cốt lõi của văn hóa và xuyên tạc những thành tựu phát triển của nhân dân Việt Nam. Như vậy, triển khai chiến lược văn hóa đối ngoại ngày nay phải coi việc chống lại sự phá hoại văn hóa có tầm quan trọng ngang hàng với xây dựng và quảng bá các giá trị tốt đẹp.

Thực tế lịch sử cho thấy, vị thế và uy tín quốc tế của một quốc gia tùy thuộc vào nội lực văn hóa và kinh tế xã hội của quốc gia đó. Nhưng không thể thiếu một chiến lược quảng bá hiệu quả. Nếu ví nội lực văn hóa Việt Nam như một bài hát có ca từ và giai điệu rất đẹp thì hoạt động quảng bá của văn hóa đối ngoại phải như một ca sĩ có giọng hát hay và nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp. 

 TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top