Điểm sáng về phòng, chống bạo lực gia đình ở miền núi Quảng Ngãi

VHO- Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhiều địa phương ở huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi trở thành điểm sáng trong việc thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ). Qua đó, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, kéo giảm số vụ BLGĐ trên địa bàn.

Điểm sáng về phòng, chống bạo lực gia đình ở miền núi Quảng Ngãi - Anh 1
 

 Buổi sinh hoạt của mô hình “Nhóm cha mẹ trong chăm sóc bảo vệ trẻ em” tại chi hội Mang Hin, xã Sơn Long

Huyện miền núi Minh Long đã triển khai nhiều mô hình như: Phòng, chống bạo lực gia đình; CLB bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, Đội truyền thông phòng, chống bạo lực trẻ em... Để hoạt động hiệu quả, các mô hình, CLB này đặt ra mục tiêu phải trở thành địa chỉ tin cậy, biến những chuyện của riêng từng gia đình thành trách nhiệm chung. Tham gia sinh hoạt tại CLB “Phòng, chống bạo lực gia đình” đã hơn 2 năm nay, vợ chồng chị Đinh Thị Hoa ở xã Long Mai luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng. Chồng chị Hoa sau giờ lao động trên nương rẫy luôn cố gắng chia sẻ việc nhà cùng chị và cùng giúp con cái học tập.

“Vợ chồng mình cũng tham gia các CLB phòng, chống BLGĐ, nuôi dạy con tốt. Qua đó, vợ chồng mình nhận thức rất rõ về việc không bạo lực gia đình, cùng nuôi dạy con. Cuộc sống hiện tại của gia đình mình khá ổn định, vợ chồng sống hòa hợp, yêu thương nhau, cùng nuôi dạy con cái ngoan, học giỏi”, chị Hoa bộc bạch.

Từ khi có CLB phòng, chống bạo lực gia đình, các địa chỉ tin cậy, đường dây nóng, hầu hết các vụ bạo lực gia đình được phát hiện, các mâu thuẫn cơ bản được hòa giải ngay từ cơ sở. Chị Phạm Thị Linh, thôn Biều Qua, xã Long Sơn, huyện Minh Long chia sẻ: “Trước kia, khi chưa thành lập các CLB phòng, chống bạo lực gia đình thì có một vài chị em bị bạo lực. Sau khi có các mô hình ở thôn thì tôi thấy tình trạng này đã giảm hẳn”.

Nổi bật trong công tác phòng, chống BLGĐ ở huyện miền núi Sơn Tây là mô hình “Nhóm cha mẹ trong chăm sóc bảo vệ trẻ em” tại chi hội Mang Hin, xã Sơn Long với 50 thành viên tham gia, nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho các bà mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe, bảo vệ con cái. Bà Phạm Thị Trinh Nữ, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Long kể, gia đình chị Đ.T.R ở thôn Mang Hin thuộc diện hộ nghèo của địa phương, có 6 đứa con, trong đó 3 đứa con nhỏ chưa có giấy khai sinh, do hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng chị phải đi làm ăn xa. Thành viên trong mô hình này đã giúp đỡ làm giấy khai sinh, quan tâm hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần cho gia đình chị R.

Bà Cao Thị Kim Én, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sơn Tây cho biết, trong thời gian tới, để duy trì và nhân rộng, các mô hình sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về chăm sóc và nuôi dạy trẻ thơ; các hoạt động đa dạng, phong phú, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng như sinh hoạt chuyên đề về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; nói chuyện chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em và một số vấn đề về tảo hôn trong giai đoạn hiện nay.

“Hằng năm, hội tổ chức các đoàn tăng cường về thôn, xã giám sát việc phòng, chống bạo lực gia đình; phát triển hệ thống hòa giải viên, địa chỉ tin cậy ở cơ sở. Tùy theo thực tế của từng địa phương mà Hội LHPN huyện sẽ có những kế hoạch, mô hình tuyên truyền khác nhau, đem “cái tình, cái lý” hóa giải những mâu thuẫn, xung đột, hướng đến nói không với bạo lực gia đình”, bà Én chia sẻ. 

 Theo Sở VHTTDL Quảng Ngãi, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 114/173 xã đã triển khai mô hình CLB “Gia đình phát triển bền vững”, CLB, nhóm PCBLGĐ. Chủ nhiệm, nhóm trưởng/phó của các CLB, nhóm luôn tích cực trong công tác nắm bắt thông tin và kịp thời phối hợp với tổ hòa giải can thiệp, hỗ trợ tư vấn kịp thời cho các nạn nhân. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đến cuối năm 2021 đã thành lập, duy trì hoạt động 549 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Các địa chỉ tin cậy tại cơ sở đã trợ giúp, hỗ trợ kịp thời cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục…

 NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc