Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2: Những chiến sĩ áo trắng sau thành công của đội tuyển nữ và U23

VHO- Khi bài báo này lên khuôn, bác sĩ của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam tham dự Giải U23 Đông Nam Á đang lên cơn sốt. Sau gần 10 ngày điều trị chăm sóc cho các chấn thương và các ca F0 của đội tuyển, bác sĩ Dương Tiến Cần đã mắc Covid-19. Ở nhà, đứa con trai của anh vừa cất tiếng khóc chào đời được mấy ngày!

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2: Những chiến sĩ áo trắng sau thành công của đội tuyển nữ và U23 - Anh 1

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2: Những chiến sĩ áo trắng sau thành công của đội tuyển nữ và U23 - Anh 2

 Bác sĩ Cần chăm sóc các cầu thủ bị chấn thương

 F0 lại chăm sóc F0!

Trong trận U23 Việt Nam thắng Singapore 7-0 hay trong chiến thắng 1-0 trước đội tuyển Thái Lan, trên màn hình thường xuất hiện hình ảnh 2 bác sĩ chạy vào chăm sóc cho các cầu thủ khi bị chuột rút hoặc chấn thương. Những thành viên của Đoàn thể thao Việt Nam dự các kỳ Olympic, Asian Games hay SEA Games gần đây đều dễ dàng nhận ra khuôn mặt quen thuộc của bác sĩ Dương Tiến Cần. Sự tận tâm của anh với các VĐV trong mỗi lần cùng các đoàn thể thao xuất ngoại là những ấn tượng không phai về anh trong lòng các VĐV.

Cùng đội tuyển U23 Việt Nam di chuyển sang Campuchia tham dự Giải U23 Đông Nam Á từ ngày 11.2, dù đã lường trước các tình huống nhưng bác sĩ Dương Tiến Cần cũng không nghĩ được rằng dịch bệnh lại bùng phát dữ dội ở đội tuyển. Một ngày làm việc của bác sĩ Dương Tiến Cần bắt đầu từ 6h sáng. Đó là thời điểm mà anh và đồng đội đi sát khuẩn tay cho các cầu thủ từ khu vực cầu thang máy, cầu thang bộ cho tới khu vực nhà ăn. Ở khu vực nhà ăn, 2 bác sĩ theo đội thường xuyên nhắc nhở các cầu thủ ngồi giãn cách và hướng dẫn họ ăn những món gì thì tốt cho sức khoẻ, thể lực để có thể thi đấu tốt. Sau đó 2 bác sĩ theo đoàn làm nhiệm vụ xét nghiệm nhanh Covid cho các cầu thủ theo chu kỳ 3 ngày/lần. Ngày 17.2, đánh dấu thời điểm tồi tệ khi cơn lốc đại dịch bắt đầu tấn công đội tuyển. Sau khi xét nghiệm nhanh, 2 bác sĩ phát hiện có 4 cầu thủ và 1 trợ lý bị dương tính với Covid-19.

“Lúc đó chúng tôi cùng chung nỗi lo của ban huấn luyện bởi đã có những trường hợp đầu tiên này thì sẽ có những trường hợp tiếp theo. Ngay lập tức chúng tôi tiến hành phân luồng, thông báo với BTC các trường hợp F0 để chuyển đến khách sạn khác cách ly và phân luồng các F1 với các đối tượng còn lại. Nhiệm vụ của 2 bác sĩ khi đó nhân lên bởi ngoài việc phải đi theo đội tuyển chăm sóc chấn thương, dinh dưỡng, thuốc men cho các cầu thủ chưa bị dương tính, chúng tôi còn phải chăm sóc các thành viên bị F0. Sau trận đấu đầu tiên gặp Singapore vào ngày 19.2, số ca mắc không ngừng tăng lên. Chúng tôi như những con thoi hối hả hết chuẩn bị pha nước uống dinh dưỡng, băng chấn thương, chuẩn bị đá chườm… theo đội tuyển ra sân tập, sân thi đấu, lại chạy về chuẩn bị cơm, thuốc uống, thuốc xông mang đến phòng cho các cầu thủ F0, hướng dẫn họ cách xông, tập thể dục nhẹ nhàng để nhanh hồi phục”.

Sau gần 10 ngày chạy như con thoi, bác sĩ Cần cũng có kết quả dương tính với Covid-19 nhưng dù có sốt, có đau rát họng, có mệt mỏi nhừ tử anh cũng không được nghỉ. Vì tính đến ngày 23.2, đội tuyển đã có tổng cộng gần 30 người bị nhiễm Covid-19. Dùng F0 chăm sóc F0, bác sĩ Cần lại tiếp tục chiến đấu với gần một đội bóng đã nhiễm đại dịch. Dù không ra được sân nhưng anh cũng thường xuyên thông tin hỗ trợ bác sĩ còn lại chăm sóc chấn thương cho các cầu thủ.

“Chưa có chuyến đi nào lại đáng nhớ như chuyến đi này, cũng rất may chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của VFF, Trung tâm Doping và y học thể thao, ban huấn luyện và các cầu thủ. Mệt nhưng chúng tôi luôn ý thức được đây là nhiệm vụ quốc gia nên luôn dốc hết tâm sức. Khi tôi lên đường, vợ tôi cũng chuẩn bị sinh, chúng tôi chỉ biết động viên nhau cùng cố gắng. Tôi cũng không dám thông báo với cô ấy rằng mình đã nhiễm bệnh vì sợ cô ấy vừa sinh xong đã phải lo lắng. Trong trận đấu với Thái Lan vừa qua, tôi được chứng kiến hình ảnh 6 cầu thủ vừa sang Campuchia chưa kịp ăn uống, nghỉ ngơi đã sẵn sàng xỏ giầy vào sân thi đấu. Nhiều cầu thủ trước trận đấu dù kết quả xét nghiệm âm tính nhưng đã có dấu hiệu đau cơ nên các em hay bị chuột rút, bị đau trong quá trình thi đấu nhưng họ vẫn cố gắng với tinh thần không bỏ cuộc, thì chúng tôi các bác sĩ cũng vậy thôi, sẽ kiên trì chiến đấu. Trước mắt, với tôi sẽ là việc vượt qua cảm giác khó chịu của dịch bệnh để chăm sóc cho 29 người bị F0 sớm hồi phục, với hy vọng là các cầu thủ sẽ âm tính để có thể đủ đội hình ra sân ở trận cuối cùng, nếu đội được vào chung kết”, bác sĩ Cần chia sẻ khi giọng anh đã khản lại do cổ họng đau rát.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2: Những chiến sĩ áo trắng sau thành công của đội tuyển nữ và U23 - Anh 3

 Bác sĩ Trinh kiêm thêm vai trò đầu bếp, giúp các nữ tuyển thủ có được bữa ăn ngon

Những ngày đáng nhớ cùng đội tuyển nữ tại Cúp bóng đá nữ châu Á

Còn với bác sĩ Trần Thị Trinh, đây không phải là quãng thời gian nghỉ ngơi bên gia đình sau cái Tết xa nhà đáng nhớ cùng đội tuyển nữ mà lại là quãng thời gian cô cùng các đồng nghiệp tại Phòng Y học thể thao Trung tâm HLTTQG Hà Nội tập trung chăm sóc các VĐV chuẩn bị cho SEA Games 31.

Nhớ lại quãng thời gian một tháng rưỡi cùng đội tuyển nữ tham gia Cúp bóng đá nữ châu Á, bác sĩ Trinh không giấu nổi sự xúc động: “Có lẽ giây phút đáng nhớ nhất của tôi là khi 14 người có kết quả âm tính được sang Ấn Độ hội nhập cùng toàn đội, khi đó cả đội mừng phát khóc. Chưa bao giờ đội nữ gặp tình cảnh tách ra thành mấy nhóm lên đường như vậy. “Cơn lốc” Covid tràn đến sau trận giao hữu thứ 3 tại Tây Ban Nha đã làm gần hết cả đội dương tính. Ngày 10.1, sau khi xét nghiệm PCR, đội phát hiện 9 ca dương tính trong đó có 2 bác sĩ. “Khi đó 2 chúng tôi không lo cho bản thân mình mà chỉ lo cho các cầu thủ, liệu có khỏi, đủ sức thi đấu không. Khi đó đội phải phân luồng điều trị riêng các F0 và tách riêng các nhóm F1 và các bạn âm tính để tránh lây lan. Trước khi đi HLV Kim Hồng đã nhiễm Covid, có kháng thể nên chị lo đồ ăn cho các F0. Chúng tôi theo dõi, phát thuốc cho các F0 để điều trị. Lúc đầu rất lo lắng bởi các bạn sốt, ho nhiều nên chỉ sợ bị suy hô hấp nhưng may mà các cầu thủ đều có kháng thể tốt nên cuối cùng đã vượt qua và toàn đội đã có thể thi đấu tại Ấn Độ”.

Trước khi đội nữ lên đường sang Tây Ban Nha, do đã lường trước việc các cầu thủ sẽ khó hợp khẩu vị nên đội đã chuẩn bị 50kg gạo, tôm rim, thịt rim và nhiều thức ăn khác. Chính vì thế giai đoạn đầu khi chưa nhiễm Covid, toàn đội có thể lực tốt, đá trận nào cũng thắng. Tuy nhiên khi bị dương tính, các F0 phải cách ly thì vấn đề ăn uống trở thành nan giải, khi đó đội phải lên phương án cho VĐV dùng thêm thực phẩm chức năng để duy trì sức khoẻ. “Khi thi đấu tại Ấn Độ, các cầu thủ mới hồi phục, sức khoẻ còn rất yếu nên dễ bị chấn thương trên sân. Khẩu phần ăn của các cầu thủ cũng không có thịt bò, thịt lợn nên không đủ chất và không hợp khẩu vị. Khi đó cả đội ở trong mô hình bong bóng nên không thể ra ngoài mua đồ nhưng rất may đội nhận được sự hỗ trợ của anh Hoàng Tùng – Tổng lãnh sự Việt Nam tại Mumbai. Anh Tùng đã mua thêm thực phẩm để các cầu thủ nhanh phục hồi”.

Khi đó các bác sĩ và cán bộ đoàn lại kiêm thêm một việc nữa là đầu bếp để đảm bảo những bữa ăn hợp khẩu vị, đủ dinh dưỡng cho các VĐV. “Dù là chuyến đi bão táp, bản thân tôi và các cầu thủ đều bị mắc Covid-19 nhưng rất may sự động viên từ các cấp lãnh đạo, sự yêu thương, đoàn kết giữa các thành viên trong đội đã giúp cho toàn đội vượt qua đại dịch để có thể thi đấu mang vinh quang về cho Tổ quốc. Ở góc độ của một nhân viên y tế, tôi thấy mình thật may mắn khi đã được đóng góp phần công sức nhỏ bé vào thành công chung của đội tuyển. Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam, tôi xin gửi lời cảm ơn tới các cấp lãnh đạo và xin được chúc các thầy thuốc trong đó có các bác sĩ trong lĩnh vực thể dục thể thao thật nhiều sức khoẻ để tiếp tục đồng hành cùng thể thao Việt Nam”, bác sĩ Trinh nói đầy xúc động. 

 THU SÂM

Ý kiến bạn đọc