Không được chủ quan với hậu Covid-19, tái dương tính, tái nhiễm

VHO- Hiện nhiều bệnh nhân xuất hiện triệu chứng và có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 chỉ sau lần đầu mắc ít ngày, trong khi đó một số bệnh nhân khác mắc hội chứng hậu Covid-19 ở tình trạng nặng, thậm chí gây hậu quả tử vong.

Không được chủ quan với hậu Covid-19, tái dương tính, tái nhiễm - Anh 1

 Bệnh nhân N.V.K sau 3 lần nhập viện liên quan đến Covid-19 Ảnh: LÊ HOÀNG

Ths.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết, mới đây bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nữ 62 tuổi mắc di chứng hậu Covid-19. Trước đó, bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị mắc Covid-19 và trở về nhà sau khi đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
Dấu hiệu cần đi khám hậu Covid-19
Sau khi về nhà, bệnh nhân này luôn trong trạng thái khó thở, mệt mỏi nên đến khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Kết quả cho thấy, test nhanh, PCR âm tính với virus SARS-CoV-2, tình trạng suy hô hấp không cải thiện. Bệnh nhân được chỉ định cho thở ôxy và chuyển tới khoa Hồi sức tích cực. Tại đây bác sĩ xét nghiệm PCR vẫn âm tính và tiếp tục suy hô hấp, bệnh nhân được sử dụng phương pháp điều trị bằng ECMO (máy tim, phổi nhân tạo), sau 3 ngày thì tử vong.
Theo bác sĩ Hường, đối tượng bị hội chứng hậu Covid-19 đa số là người cao tuổi, có bệnh lý nền nhưng cá biệt có một số người trẻ. So với thời điểm trước đây, bệnh nhân mắc Covid-19 chủng Delta có triệu chứng nặng nhưng chưa có nghiên cứu rõ ràng về hậu Covid-19, còn bệnh nhân mắc chủng Omicron thì triệu chứng nhẹ nhưng các dấu hiệu hậu Covid-19 nặng nề hơn. Ngày 15.3, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng cho ra viện một trường hợp là thanh niên nam, có thể trạng thừa cân, mắc hội chứng hậu Covid-19 ở tình trạng nặng. Trực tiếp điều trị cho trường hợp này, Ths.BS Nguyễn Trọng Hưng, Khoa Khám bệnh và Phòng khám viêm đường hô hấp cấp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, đó là bệnh nhân N.V.K (sinh năm 1991, ở Thường Tín, Hà Nội) nhập viện lần đầu vào đầu tháng 2.2022 trong tình trạng suy hô hấp. 
Bệnh nhân K trước đó điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Phú Xuyên (Hà Nội) và sau khi có kết quả âm tính được ra viện tuy còn khó thở. Sau đó, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai và có chỉ định nhập viện, chuyển tuyến sang Bệnh viện Thanh Nhàn. “Khi tiếp nhận trường hợp này vào đầu tháng 2.2022, người bệnh vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và kèm theo tình trạng tràn khí màng phổi. Bệnh nhân được chuyển lên khu điều trị Covid-19 và được ra viện sau 20 ngày. Thời điểm này, tình trạng tràn khí màng phổi của bệnh nhân đã được dẫn lưu, suy hô hấp đã đỡ và âm tính với Covid-19”, bác sĩ Hưng cho hay. Cũng theo BS Hưng, đến đầu tháng 3, bệnh nhân tái khám trong tình trạng mệt mỏi, khó thở. Thời điểm vào viện lần này, bệnh nhân có chỉ số SpO2 là 91-92%. Sau khoảng 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân được ra viện sau khi cai được thở ôxy, song tổn thương phổi vẫn còn. “Chúng tôi hẹn bệnh nhân tái khám trong vòng 1 tháng. Đây là bệnh nhân nam trẻ tuổi, với tổn thương phổi hơn 50%. Bệnh nhân không tiêm vắc xin, do vậy tổn thương phổi có xu hướng nhiều hơn người bệnh đã tiêm vắc xin”, bác sĩ Hưng nói và thông tin thêm: Ngoài việc chưa tiêm vắc xin, bệnh nhân K còn uống thuốc ức chế miễn dịch (chứa hoạt chất Molnupiravir) không theo chỉ dẫn của bác sĩ, dẫn đến tình trạng suy tuyến thượng thận. Hơn nữa, bệnh nhân còn bị béo phì, đái tháo đường nên bệnh chuyển biến nặng hơn khi mắc Covid-19.
Các BS khuyến cáo, người bệnh sau khi điều trị Covid-19, nhất là nhóm bệnh nhân có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin, tiêm chưa đủ liều; nhóm bệnh nhân đã điều trị ở khoa Hồi sức tích cực và nhóm người bệnh tự theo dõi, điều trị tại nhà, đặc biệt là trẻ nhỏ nên đi khám lại khi có dấu hiệu khó thở, hụt hơi, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ… 
Bệnh viện đầu tiên khám cho F0?
Hiện nay, bên cạnh khám hậu Covid-19, Thanh Nhàn là bệnh viện đầu tiên tại Hà Nội tổ chức khám cho bệnh nhân F0. Ths.BS Nguyễn Thu Hường cho biết, mỗi ngày có khoảng 70 - 80 bệnh nhân tới khám, trong đó có gần 10 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 lần 2, cách lần mắc trước 1 tháng, thậm chí 15 ngày. 
Cá biệt có một số bệnh nhân dương tính vì cố tình đến khu vực có F0 bởi cho rằng không bị tái nhiễm nữa. Tuy nhiên, theo Trưởng đơn nguyên chống dịch (Bệnh viện Thanh Nhàn), đây là quan niệm sai lầm vì người bệnh nhiễm chủng Delta rồi vẫn có khả năng nhiễm chủng Omicron, thậm chí đã nhiễm chủng Omicron vẫn tái nhiễm chủng đó nhưng type khác. “Tất cả các đối tượng từ trẻ đến già đều có thể tái nhiễm, nhưng thường gặp nhất là những người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, đặc biệt là trẻ em chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tôi nhận thấy người bệnh bị tái nhiễm lần 2 thường có triệu chứng nặng hơn lần đầu mắc bệnh. Tái nhiễm trong thời gian ngắn dù trong cơ thể người bệnh vẫn có kháng thể rất cao nhưng các triệu chứng nặng, mệt mỏi hơn so với lần trước”, BS Nguyễn Thu Hường chia sẻ.
Bên cạnh đó, một số người có kết quả xét nghiệm âm tính và cho rằng mình đã khỏi bệnh song điều đó hoàn toàn không đúng. Bộ Y tế yêu cầu, bệnh nhân sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính vẫn phải tuân thủ 5K, theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. Trong trường hợp bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng như sốt, dấu hiệu nặng lên, biểu hiện bất thường thì cần đến cơ sở y tế để thăm khám, kiểm tra lại sức khỏe. Thực tế cho thấy, một số người đã có kết quả test nhanh âm tính nhưng chỉ 1 tuần sau lại có kết quả xét nghiệm dương tính. Lý giải về vấn đề này, bác sĩ Hường thông tin, một số nghiên cứu gần đây cho thấy, bệnh nhân âm tính vẫn chưa đào thải hết virus ra khỏi cơ thể mà vẫn còn trong người. Nhưng vì nồng độ virus quá thấp nên khi thực hiện test nhanh không thể phát hiện ra. Do vậy, nếu người bệnh chủ quan, không theo dõi sức khỏe hoặc không tăng cường sức đề kháng và lắng nghe cơ thể mình thì những virus đó có thể tiếp tục nhân lên, gây ra tình trạng tái dương tính. Khi tái dương tính bệnh nhân vẫn có thể có những triệu chứng như lúc mắc Covid-19 trước đó.
Hậu Covid-19, tái nhiễm, tái dương tính đều để lại những nguy cơ khó lường đối với bệnh nhân như các huyết khối, phổi, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, tổn thương não, chậm chạp về mặt tư duy, nhận thức; các bệnh lý hô hấp kéo dài có thể gặp di chứng xơ phổi, viêm phổi kẽ, kể cả ở người trẻ không có bệnh lý nền… 

 QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc