Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Học sinh cuối cấp THPT: Xếp nguyện vọng xét tuyển thế nào cho phù hợp?

Thứ Tư 27/04/2022 | 09:22 GMT+7

VHO- Không khống chế nguyện vọng, nhưng mỗi thí sinh đăng ký xét tuyển năm nay sẽ chỉ được xác nhận trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất. Vậy cách lựa chọn, đăng ký thế nào cho phù hợp?

 Hãy chọn ngành nào em có đam mê nhất

 Có thể đăng ký đến 101 nguyện vọng

Theo dự thảo Quy chế xét tuyển đại học năm 2022 đang được Bộ GD&ĐT công bố trên mạng để trưng cầu ý kiến theo quy trình ban hành văn bản, thí sinh năm nay vẫn không bị khống chế số nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, sẽ có những điểm mới, khác với năm 2021. Cụ thể, năm trước thí sinh đăng ký các nguyện vọng xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT và sẽ được một lần điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT để có cơ hội đậu cao hơn. Việc đăng ký nguyện vọng trên chỉ áp dụng với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp. Các phương thức khác (chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, học bạ…) sẽ được các trường chủ động xét trước. Những thí sinh trúng tuyển bằng phương thức khác đồng thời vẫn còn cơ hội xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, năm nay Bộ GD&ĐT không chỉ chủ trì “lọc ảo” với các nguyện vọng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT mà còn sàng lọc tất cả các phương thức xét tuyển khác. Các phương thức xét tuyển riêng (chứng chỉ tiếng Anh, học bạ, xét dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy) sẽ được thực hiện trước và có danh sách trúng tuyển tạm thời. Danh sách này được các trường nhập vào hệ thống quản lý dữ liệu thi và tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Cùng với đó, dữ liệu kết quả thi tốt nghiệp, điểm học tập THPT (học bạ) của mỗi thí sinh cũng sẽ được nhập lên hệ thống này. Bộ GD&ĐT tiến hành chạy phần mềm “lọc ảo” để chỉ cho phép thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất và được xếp ưu tiên cao nhất trong số nhiều nguyện vọng xét tuyển đại học. Khi đó, thí sinh sẽ không được xét ở các nguyện vọng kế tiếp, mặc dù có thể đủ điều kiện trúng tuyển. Cách làm này, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, sẽ giúp các trường giảm số thí sinh ảo (trúng tuyển nhưng không nhập học).

“Với trên 20 phương thức xét tuyển khác nhau theo tinh thần tự chủ của các cơ sở đại học, thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào các trường, ngành khác nhau. Thí sinh cũng có thể đăng ký vào 1 ngành với nhiều phương thức xét tuyển. Nhưng thí sinh cần lưu ý nguyện vọng nào mong muốn nhất, phù hợp nhất thì xếp ưu tiên trước, theo thứ tự cho tới hết số nguyện vọng”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ GD Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết.

Như vậy, với quy định năm nay, thí sinh có thể đăng ký 100 nguyện vọng, thậm chí hơn thế nhưng sẽ chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng. “Nhiều phụ huynh và thí sinh đã sai lầm khi đặt ưu tiên số 1 cho nguyện vọng dễ đậu, còn nguyện vọng thí sinh và gia đình mong muốn nhất lại xếp sau vì tâm lý muốn “chắc ăn”. Nhưng với cách này, nếu thí sinh đồng thời đỗ nhiều nguyện vọng thì các em sẽ không có quyền chọn lựa nữa. Và như vậy, thí sinh có thể mất đi cơ hội được học một ngành/trường mình thích nhất”, cô Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Ngoại thương chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế.

Cách lựa chọn hợp lý

“Hãy chọn ngành nào em có đam mê, muốn theo đuổi nhất”, các chuyên gia về tuyển sinh thường khuyên thí sinh như vậy. Nhưng trên thực tế, rất nhiều học sinh cuối cấp THPT không biết mình đam mê điều gì, ngành học nào, nghề nghiệp tương lai ra sao để phù hợp với mình nhất. “Có học sinh chỉ thích một trường, 1 ngành vì những yếu tố phụ ví dụ hình ảnh sinh viên trường A có vẻ năng động, nhiều hoạt động vui. Hay ngành XYZ nghe tên gọi hay hay “có vẻ hiện đại”. Trong một số phiên tư vấn tuyển sinh, chúng tôi hay bắt gặp những câu hỏi “em rất thích ngành này, ngành kia, nhưng không biết ngành đó học thế nào, ra trường thì làm gì”. Sự “cảm tính” này dễ khiến các bạn trẻ bị thất vọng khi va chạm với thực tế về ngành học và nghề nghiệp đã chọn”, ông Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa HN cho biết.

Ông Điền cũng chia sẻ, Trường ĐH Bách khoa HN mỗi năm có đến 500-700 học sinh bị đình chỉ học tập vì không đạt yêu cầu đào tạo. Trong số đó có nhiều em vì chọn sai ngành, nghề nên chán nản, không có động lực học tập. Một số chủ động ngừng học để chọn hướng đi mới. Cũng có một xu thế khác là học sinh chọn ngành, nghề theo ý bố mẹ, hay đua theo số đông bạn bè.

Đã có một thời, nhiều bạn trẻ có lực học tốt, đăng ký thi Y, Dược - như ý nguyện gia đình rồi lỡ dở vì nhận ra sai lầm. “Ngành Y là ngành học rất vất vả. Môi trường công việc sau này cũng áp lực. Người theo đuổi ngành này không chỉ cần năng lực, sức khoẻ mà cả sự đam mê, dũng cảm. Nếu không có những yếu tố đó, sẽ rất dễ phải rẽ ngang. Thực tế, trường tôi đã có nhiều sinh viên nghỉ học giữa chừng như vậy, dù để thi đỗ đầu vào với mức điểm rất cao, các bạn ấy từng là niềm mơ ước của nhiều người”, TS Lê Đình Tùng, Phòng đào tạo Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ.

Thực trạng định hướng nghề nghiệp ở bậc phổ thông hiện nay rất kém, có thể nói đang là “khoảng trống”. Thiếu giáo viên hướng nghiệp chuyên trách, thiếu thông tin mô tả về cơ cấu ngành nghề, dự báo nhu cầu nhân lực. Đặc biệt là không có những hoạt động/chương trình trải nghiệm để học sinh được quan sát, nhúng mình vào môi trường công việc, từ đó có thể nảy sinh ý thích, sự đam mê.

Theo ông Nguyễn Phong Điền, khi chưa biết mình phù hợp, đam mê nghề gì thì cách lựa chọn nguyện vọng xét tuyển nên theo “nguyên tắc”: Lựa chọn lĩnh vực nghề nghiệp trước. Sau đó, học sinh có thể vào trang web của các cơ sở đào tạo để xem mô tả các ngành đào tạo trong lĩnh vực mình chọn, vị trí và cơ hội việc làm trong xã hội của ngành đó. Có thể tham vấn bố mẹ, người thân, những người làm việc trong lĩnh vực mình quan tâm. Sau khi chọn ngành nghề cụ thể, lúc đó mới xem các trường nào đang đào tạo ngành này. Cùng một ngành nhưng mỗi trường có thể có chiến lược đào tạo và ưu điểm khác nhau. Bên cạnh đó, còn có những điểm cộng, điểm trừ liên quan tới môi trường đào tạo, dịch vụ cung ứng cho sinh viên, học bổng, học phí… Căn cứ vào đó, thí sinh có thể chọn trường mình muốn theo học.

Thí sinh có thể chọn đăng ký nhiều nguyện vọng vào 1 ngành của nhiều trường khác nhau với một hoặc nhiều phương thức xét tuyển. Cũng có thể đăng ký vào học nhiều ngành khác nhau của một trường, thay vì nhiều trường. Nhưng cần ghi nhớ xếp ngành/ trường nào mình thích nhất lên trước trong thứ tự nguyện vọng.

Trong quy định của Bộ GD&ĐT, Bộ chỉ “lọc ảo” chung cho các trường trong đợt 1 xét tuyển. Sau khi xét tuyển đợt 1, trường nào còn thiếu chỉ tiêu vẫn có thể tổ chức xét tuyển đợt bổ sung. Những thí sinh không đạt được mục tiêu ở đợt 1 có thể tiếp tục đăng ký xét tuyển ở đợt sau. 

 Mỗi học sinh lớp 12 sẽ có số định danh cá nhân để thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học

Theo Bộ GD&ĐT, với việc điều chỉnh kỹ thuật trong công tác xét tuyển đại học năm 2022, mỗi thí sinh sẽ có một mã số định danh cá nhân, sau khi cập nhật trên cơ sở dữ liệu ngành sẽ được chuyển sang hệ thống đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Số định danh để xác nhận việc thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất trong số các nguyện vọng xét tuyển.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT hoàn tất việc rà soát, cập nhật thông tin học sinh lớp 12 năm học 2021-2022 lên cơ sở dữ liệu ngành. Trong đó ưu tiên cập nhật số CMND/CCCD, đồng thời là số định danh cá nhân. Những học sinh chưa có CMND/CCCD cần khẩn trương đến đơn vị công an có thẩm quyền xin cấp.

 KỲ THANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top