Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nhận BHXH một lần, NLĐ chịu thiệt thòi ra sao?

Thứ Tư 27/04/2022 | 09:59 GMT+7

VHO- Theo số liệu của BHXH Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2022 số người được giải quyết hưởng BHXH một lần là 208.943 người, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021. Điều đó đồng nghĩa trong tương lai những NLĐ này khi đến tuổi về hưu sẽ không có nguồn thu nhập hằng tháng từ lương hưu để bảo đảm cuộc sống và không được cấp thẻ BHYT miễn phí.

 NLĐ hưởng bảo hiểm thất nghiệp chờ cơ hội việc làm mới. Ảnh: THU CÚC

 Dịch bệnh Covid-19 hoành hành hơn 2 năm qua, nhiều NLĐ mất việc làm dẫn đến không có thu nhập, đa số NLĐ buộc phải làm thủ tục hưởng BHXH một lần vì cần có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống. Nhưng một số NLĐ khác lại lựa chọn nhận BHXH một lần vì không hiểu được những lợi ích của việc hưởng lương hưu so với nhận BHXH một lần cũng như tính nhân văn, ưu việt và tính chia sẻ, trách nhiệm cộng đồng của việc tham gia BHXH.

Cụ thể, tình huống của bà Nguyễn Thị B để so sánh trường hợp NLĐ nhận BHXH một lần với việc nhận lương hưu hằng tháng cho thấy NLĐ chịu thiệt thòi như thế nào. Năm 2021, bà Nguyễn Thị B đủ 55 tuổi 8 tháng được nghỉ hưu, nhưng bà mới tham gia BHXH được 18 năm (từ năm 2004 - 2021). Nếu bà nhận hưởng BHXH một lần thì bà nhận số mức hưởng là 30 tháng (theo cách tính: (12 năm X 1,5 tháng lương) + (6 năm X 2,0 tháng lương)). Lúc này, NLĐ không còn trong hệ thống BHXH được nhà nước bảo hộ về an sinh xã hội; Phải tự mua thẻ BHYT và mất cơ hội tham gia BHYT 5 năm liên tục để được hưởng quyền lợi với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao và thuốc đắt tiền; Phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh nếu không may bị ốm đau, tai nạn trong thời gian chờ hưởng BHXH một lần (12 tháng); Mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động hoặc đủ điều kiện hưởng nhưng mức hưởng thấp do bị trừ thời gian đóng BHXH đã nhận một lần.

Nếu bà B không nhận BHXH một lần mà đóng thêm BHXH 2 năm (để đủ điều kiện tham gia BHXH 20 năm) và hưởng lương hưu. Giả định bà B thọ 76,3 tuổi (tuổi thọ trung bình của nữ giới theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2020), thì thời gian được lĩnh lương hưu khoảng 20 năm 7 tháng, tức là 247 tháng X 55% = 135,85 tháng lương. Tiền lương hưu mỗi năm còn được Nhà nước tăng theo tác động của tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng lương, lãi suất đầu tư quỹ BHXH... Ngoài lương hưu lĩnh hằng tháng, bà B còn được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của Luật BHXH bao gồm: Được điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH; Được cấp thẻ BHYT miễn phí với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh để chăm sóc sức khỏe (hằng tháng quỹ BHXH đóng bằng 4,5% mức lương hưu).

Bên cạnh đó, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất khi bà B qua đời gồm có: Trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở và trợ cấp tuất (trợ cấp tuất một lần mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng trước khi chết. Hoặc trợ cấp tuất hằng tháng với số thân nhân được hưởng tối đa là 4 người, mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở).

Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, nếu so sánh về tổng số tiền lương hưu và các chế độ liên quan thì số tiền nhận được của bà B sẽ cao hơn khoảng gấp đôi so với số tiền nhận BHXH một lần. “Việc nhận BHXH một lần có thể giải quyết được một số khó khăn trước mắt, nhưng đồng nghĩa với việc NLĐ đang đánh mất cơ hội hưởng an sinh xã hội khi đến tuổi già, cái tuổi dễ bị tổn thương nhất: Hệ miễn dịch suy giảm dễ mắc bệnh, sức khỏe suy yếu không thể lao động. Có nhiều người đã nhận BHXH một lần, sau này lại mong muốn được nộp lại khoản tiền đã nhận, tiếp tục tham gia BHXH cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu nhưng không thể giải quyết được vì pháp luật hiện hành không cóquy định theo mong muốn của NLĐ”, ông Thọ nói. Như vậy, có thể thấy rõ việc NLĐ được hưởng chế độ hưu trí sẽ có nhiều quyền lợi hơn lựa chọn nhận BHXH một lần. Hưởng BHXH một lần đồng nghĩa với việc NLĐ ra khỏi hệ thống BHXH và tự từ chối quyền an sinh cơ bản của bản thân.

BHXH Việt Nam khuyến nghị, NLĐ khi không lựa chọn hưởng BHXH một lần mà có quyền bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện cho đủ số năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu trang trải cuộc sống và được cấp thẻ BHYT (với mức hưởng 95% chi phíkhám chữa bệnh) trong suốt thời gian hưởng lương hưu để chăm sóc sức khỏe khi về già. Dự kiến Luật BHXH sẽ được sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay, xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi chính sách BHXH theo tinh thần giảm thời gian đóng góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHXH (trong đó có BHXH tự nguyện), NLĐ sẽ có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho NLĐ. Ngoài ra, Luật BHXH sửa đổi cũng cần phải tăng điều kiện hưởng BHXH một lần, chẳng hạn chỉ cho NLĐ hưởng 8% mà họ đóng, phần doanh nghiệp đóng thì giữ lại để tích luỹ khi NLĐ tham gia BHXH ở lần tiếp theo...

 HẢI YẾN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top