Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Khán giả quay lưng với gameshow: Vì đâu nên nỗi?

Chủ Nhật 01/05/2022 | 16:24 GMT+7

VHO- Từng một thời “làm mưa làm gió”, thu hút được sự chú ý của đông đảo công chúng nhưng giờ đây, gameshow truyền hình đang rơi vào cảnh bị “ghẻ lạnh”. Nguyên nhân là bởi kịch bản chương trình thiếu sự bứt phá, quá nhiều “sạn” trong khâu sản xuất khiến người xem ngán ngẩm, thậm chí có chương trình còn bị tẩy chay bởi những màn câu view phản cảm.

 Gameshow dần mất chỗ đứng trong lòng khán giả Ảnh: FANPAGE CHƯƠNG TRÌNH

Nói đến gameshow, phải kể đến thời kỳ hoàng kim giai đoạn 2010-2015. Giọng hát Việt 2013 có rating (tỷ suất người xem) cao ngất ngưởng; đơn vị nào muốn quảng cáo vào khung giờ phát sóng chương trình sẽ phải trả giá lên đến 280 triệu đồng/30 giây. Cá biệt đến năm 2014, Gương mặt thân quen còn “thổi” giá quảng cáo lên tới 370 triệu đồng/30 giây. Mức giá này còn vượt qua cả báo giá của đêm chung kết World Cup 2014 là 350 triệu/30 giây. Ở những năm gameshow thống lĩnh, không khó để bắt gặp cảnh người người, nhà nhà ngồi xem gameshow. Chỉ một tình tiết nhỏ trong chương trình cũng có thể trở thành chủ đề bàn tán trên khắp các diễn đàn. Cũng nhờ sự quan tâm của công chúng mà không ít các chương trình hốt bạc về cho nhà đài.

Nhưng sau đó, thị trường gameshow bắt đầu bão hòa. Hàng loạt gameshow đình đám như Giọng hát Việt, Gương mặt thân quen, Người bí ẩn, Ơn giời, cậu đây rồi!... đã trôi dần vào dĩ vãng. Kịch bản qua các mùa lặp đi lặp lại, quán quân bước ra từ cuộc thi không tạo được dấu ấn hay thậm chí là khách mời phát ngôn kém hiểu biết là hàng loạt các nguyên nhân khiến gameshow mất dần sức hút. Để cứu vãn tình hình, một số nhà đài đã tích cực mua bản quyền các chương trình đình đám ở nước ngoài rồi Việt hóa, nhưng rating vẫn rớt thảm.

Đặc biệt, 1-2 năm trở lại đây, nhất là những tháng đầu năm 2022 là quãng thời gian “đen tối” của gameshow Việt. Theo thống kê từ Kantar Media Vietnam, rating top 10 chương trình truyền hình thời gian gần đây cả phía Nam lẫn phía Bắc đều thuộc về phim truyền hình. Thống kê cả hai miền chỉ có 2 gameshow nằm top rating nhưng vẫn xếp ở cuối danh sách này là Ai là triệu phú Vợ tôi là số 1...

Ngược lại sau quãng thời gian vất vả chinh phục, phim truyền hình hái “trái ngọt” khi nhận được cơn mưa lời khen của khán giả. Minh chứng là việc hàng loạt phim có rating khả quan như Bão ngầm (rating trung bình 4,6%), Anh có phải đàn ông không (4,5%)... Không tính bằng rating thì hiệu ứng dư luận cũng là thước đo thể hiện rõ phim truyền hình đang ở thế “thượng phong”. Thương ngày nắng về (phần 2) đang trở thành tâm điểm chú ý trên mạng xã hội. Nhiều tình tiết hấp dẫn, hài hước đến từ màn trả đũa lẫn nhau của cặp vợ chồng Khánh - Đức (Lan Phương - Hồng Đăng); hay sự yêu thương hết lòng của bà Nga (NSƯT Thanh Quý) dành cho 3 cô con gái… là những tình tiết khiến khán giả bị cuốn theo từng diễn biến của phim, không ngớt lời bàn tán. Nhờ sự trau chuốt về kịch bản, bối cảnh, kỹ năng diễn xuất của diễn viên, phim truyền hình đang lấy lại vị thế và dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả. Rõ ràng, thị hiếu của khán giả đã có sự dịch chuyển, không còn tập trung vào gameshow.

Không phải tự nhiên khán giả quay lưng với gameshow. Những tưởng sau nhiều “cú phốt”, các nhà sản xuất đã rút ra bài học xương máu, nhưng không, họ ngày càng thể hiện sự cẩu thả trong khâu sản xuất. Ngay cả với những chương trình khán giả trông chờ vào sự nghiêm túc như Sao nhập ngũ cũng mắc sai lầm khi chèn nhạc không phù hợp với bối cảnh môi trường quân đội của chương trình. Khán giả ngày càng khó tính, thị hiếu liên tục thay đổi nhưng nhà sản xuất cứ liên tục dẫm lại vết xe đổ, điều đó khiến công chúng quay lưng với gameshow là điều dễ hiểu.

Tình cảnh của gameshow hiện nay khá giống với phim truyền hình Việt khoảng 10 năm trước. Từng thua “knock-out” ngay trên sân nhà trước các bộ phim nước ngoài, phim truyền hình Việt đã phải “tự soi” lại bản thân để chỉnh sửa, tiến gần hơn đến với khán giả. Nhờ tư duy dám thay đổi, phim truyền hình đang chiếm trọn cảm tình của công chúng mọi lứa tuổi.

Ngoài nguyên nhân chủ quan, việc gameshow mất khán giả cũng đến từ một số nguyên nhân khách quan. YouTube, Tiktok, Facebook với tính giải trí cao, nhiều xu hướng hấp dẫn đang thu hút lượng lớn khán giả, nhất là khán giả trẻ. Bên cạnh đó, khán giả đang dần chuyển sang theo dõi nhiều nội dung hấp dẫn của nước ngoài trên các ứng dụng truyền hình trả tiền. Thêm nữa, gameshow hiện còn bị “vạ lây” bởi những scandal dồn dập của nghệ sĩ như lối sống buông thả, thiếu đạo đức, phát ngôn văng mạng, ứng xử chợ búa... Nếu vẫn mời những nghệ sĩ có bê bối tham dự, chương trình đó sẽ đối mặt với khủng hoảng truyền thông cùng làn sóng tẩy chay của khán giả.

Hiện chỉ còn lại một số ít gameshow thiên về kiến thức như Ai là triệu phú, Đường lên đỉnh Olympia còn bám trụ được do đã xây dựng được thương hiệu. Còn lại, hầu hết đều lần lượt bị cho ngưng sản xuất. Nếu cứ tiếp tục “trượt dài”, không thay đổi, chắc chắn rating gameshow Việt sẽ chạm đáy một ngày không xa. 

 ĐÌNH TOÁN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top