Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nguy hại khi nuôi rắn trong nhà làm "thú cưng"

Thứ Sáu 13/05/2022 | 10:02 GMT+7

VHO-  Hiện nay, nhiều loài rắn cảnh rất đa dạng và phong phú được các cửa hàng rao bán công khai trên mạng. Nhiều người, đặc biệt là trẻ em (giấu gia đình) đã mua về nuôi nhưng không thể lường trước được hết những nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng.

 Rắn được rao bán công khai trên mạng xã hội

TS.BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khi mua rắn về làm thú cưng, người bán hàng chỉ hướng dẫn cách chăm sóc một cách khá đơn giản là trang bị chiếc hộp có nắp đậy, thiết kế một cái hang, đặt khay nước vào là thành “ổ” cho rắn.

Tuy nhiên, khác với những loại thú cưng truyền thống như chó, mèo, loài rắn có nhiều nguy cơ gây nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Bởi rắn là loài ăn thịt sống và thường mắc các bệnh ký sinh trùng như giun, sán, ve; các bệnh nấm da, nấm miệng rất dễ lây sang người khi tiếp xúc với rắn hằng ngày. Tiếp đến, thức ăn của rắn là thạch sùng, chuột… những động vật trung gian gây bệnh nguy hiểm như dịch hạch cho con người. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ khi nuôi những loài rắn có nọc độc như rắn lục đuôi đỏ… có thể bị rắn cắn gây chết người.

“Từ những nguy cơ trên, chúng tôi khuyến cáo các cha mẹ thường xuyên quan tâm tới trẻ, giải thích cho trẻ không nên nuôi rắn làm thú cưng trong nhà để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe người nuôi lẫn người thân của mình”, TS Lê Ngọc Duy cho hay.

Không chỉ nguy hại về sức khỏe, mà tính mạng của người nuôi cũng bị đe dọa nếu bị rắn cắn. Mới đây, Khoa Cấp cứu Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận và điều trị cho bé trai 13 tuổi ở Hà Nội bị rắn độc cắn, đây là loại rắn lục đuôi đỏ mà cậu bé đặt mua trên mạng về làm thú cưng. Theo chia sẻ của mẹ của cháu bé, con trai chị rất thích nuôi thú cưng và thường xuyên lên mạng tìm hiểu về các loài động vật. Trước khi nhập viện 2 tuần, cháu giấu người nhà tự đặt mua 3 con rắn lục về nhà nuôi. Khoảng 15h30 ngày 3.5, khi cháu thay chuồng cho rắn trong phòng riêng của mình thì bị rắn cắn vào ngón tay trỏ. Sau tai nạn, cháu chạy ra báo cho người nhà, lúc này mọi người mới tá hoả khi thấy 3 con rắn để trong hộp và được giấu trong tủ quần áo. Gia đình lập tức đưa cháu bé vào viện Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. “Tôi chỉ nghĩ con thích tìm hiểu các loại động vật trên mạng và không hề nghĩ rằng con mình lại có thể mua được loại rắn này về nhà nuôi một cách dễ dàng như vậy”, mẹ của cháu bé vẫn chưa hết bàng hoàng kể.

 Con rắn độc mà cháu bé mua về làm thú cưng (ảnh gia đình cung cấp )

Ngay lập tức, bệnh nhi được truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục, chống viêm và kháng sinh phòng nhiễm trùng vết thương… Sau quá trình điều trị tích cực, hiện sức khoẻ của cháu đã ổn định và được xuất viện. Bác sĩ Duy cho biết thêm, rắn lục đuôi đỏ có mức độ độc chỉ đứng sau loài rắn hổ mang chúa. Đặc biệt, khi mang bầu, rắn mẹ có nọc độc cao hơn bình thường. Trong nọc rắn có hơn 20 thành phần khác nhau, vết cắn của loài rắn này thường bị chảy máu nhiều và sưng lên rất nhanh. Nếu bị rắn lục đuôi đỏ cắn, nạn nhân có thể gặp các hiện tượng như chảy máu khó cầm, rối loạn đông máu, phù nề, hoại tử, trụy tim mạch và có thể gây tử vong nhanh chóng (do phản vệ) hoặc để lại di chứng nặng nề. Khi trẻ bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, các gia đình cần thực hiện biện pháp sơ cứu ban đầu đúng cách như: Ngay lập tức gọi số khẩn cấp cho bệnh viện gần nhất để được cấp cứu bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu, đặc biệt khi thấy vết thương có dấu răng nanh hoặc đổi màu, bắt đầu sưng đau…

Trong thời gian chờ sự trợ giúp của nhân viên y tế, cần làm chậm và hạn chế nọc độc xâm nhập vào cơ thể như di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn; giữ bình tĩnh và hạn chế cử động, tốt nhất là cố định chi bị cắn bằng nẹp để làm chậm sự lây lan của nọc độc; tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo chật nhằm tránh gây chèn ép khiến vết thương sưng to; điều chỉnh tư thế sao cho vùng bị cắn nằm thấp hơn mức tim, chẳng hạn như nằm xuống, kể cả trong lúc được vận chuyển đến bệnh viện; làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý; dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn. “Đặc biệt, không nên sử dụng băng garo chặt vùng bị cắn, cách này vừa làm đau nạn nhân, vừa cản trở máu lưu thông đến các chi gây hoại tử. Không tùy tiện chườm lạnh, bôi hóa chất, đắp lá cây… lên vết thương. Ghi nhớ màu sắc con rắn để bác sĩ có thể dễ dàng nhận biết loại rắn để điều trị...”, Trưởng khoa Cấp cứu Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ. 

LÊ DUY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top