Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Môn Lịch sử có nên bắt buộc học ở THPT?

Thứ Tư 18/05/2022 | 10:17 GMT+7

VHO- Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ bắt đầu triển khai ở lớp 10 bậc THPT vào năm học tới. Nhưng đến thời điểm này, sự tranh cãi Lịch sử có là môn học bắt buộc hay môn học sinh có thể lựa chọn theo sở thích, định hướng nghề nghiệp vẫn chưa tới hồi kết…

 Một tiết học của Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội)

 Với mục tiêu dạy học phân hóa, định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT, chương trình mới chỉ có 7 môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc. Học sinh sẽ được lựa chọn thêm 5 trong số 9 môn (thuộc 3 nhóm môn học và 3 chuyên đề đi kèm). Theo đó, từ lớp 10, môn Lịch sử nằm trong nhóm môn học lựa chọn (thuộc lĩnh vực khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật).

Sẽ có xáo trộn lớn, nếu Lịch sử là môn học bắt buộc

Mặc dù chương trình giáo dục phổ thông mới đã xây dựng trong 6 năm, trải qua nhiều vòng thẩm định, lấy ý kiến góp ý rộng rãi rồi mới phê duyệt, nhưng khi chuẩn bị thực hiện lại vấp phải luồng ý kiến phản biện cho rằng không thể để Lịch sử là môn lựa chọn mà cần đưa môn này vào nhóm bắt buộc. “Tất cả học sinh phổ thông phải học Lịch sử để giáo dục lòng yêu nước. Nếu là môn lựa chọn sẽ có nhiều em không học và quay lưng với lịch sử dân tộc”, đây là lý do một số chuyên gia, nhà sử học nêu để cho rằng môn Lịch sử cần được điều chỉnh, đổi vị trí.

Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, trong tháng 5.2022, các trường THPT trên cả nước phải công bố phương án sắp xếp tổ hợp môn học lớp 10 để chuẩn bị triển khai chương trình GD phổ thông mới ở bậc THPT vào năm học tới. Nhưng việc này đang phải tạm dừng để chờ Bộ GD&ĐT “chốt”. “Trường đã xây dựng xong phương án tổ hợp môn học, tính toán cấu trúc số lớp 10 để phù hợp với điều kiện và đáp ứng tối đa nhu cầu của học sinh, nhưng nếu Bộ GD&ĐT chuyển Lịch sử thành môn bắt buộc thì việc này sẽ phải tính toán lại, trong khi thời gian không còn nhiều cho sự chuẩn bị. Chắc chắn sẽ có những xáo trộn”, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (HN) cho biết và dự đoán khả năng thiếu giáo viên Lịch sử có thể xảy ra nếu môn Lịch sử dạy đại trà, thay vì để học sinh lựa chọn. “Chương trình Lịch sử cấp THPT hiện hành chỉ có 1-1,5 tiết/tuần nhưng chương trình mới sẽ là 2 tiết/tuần. Những trường vốn dĩ thiếu giáo viên Lịch sử sẽ càng thiếu mà không thể kịp bù đắp nếu như sự thay đổi diễn ra vào thời điểm này”, cô Nhiếp chia sẻ.

Chương trình Lịch sử THPT được xây dựng theo định hướng dạy học phân hóa với các chủ đề chuyên sâu dành cho học sinh yêu thích môn Lịch sử, hoặc có định hướng nghề nghiệp theo lĩnh vực xã hội nhân văn, nên theo nhiều giáo viên Lịch sử, nếu đưa về dạy đại trà sẽ cần điều chỉnh chương trình - sách giáo khoa. “Chương trình Lịch sử mới ở THPT rất khác trước, không bám theo thông sử với nguyên tắc đồng tâm từ bậc học dưới lên mà xây dựng theo chủ đề có tính bao quát và chuyên sâu. Nó phù hợp cho những học sinh yêu thích hoặc theo đuổi nghề nghiệp gần với lĩnh vực này. Cách xây dựng không phù hợp để dạy đại trà”, cô Nguyễn Thị Thành, Phó hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (HN) cho biết. Cô Thành cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT nên chốt sớm vấn đề môn Lịch sử, nếu đưa về bắt buộc cần điều chỉnh và hướng dẫn cụ thể về nhóm môn học lựa chọn.

Nên tính toán việc đổi mới cách dạy học

Thay vì bàn cãi nên “lựa chọn” hay “bắt buộc” thì cần giải quyết vấn đề được đặt ra hàng thập kỷ qua, đó là việc làm gì để học sinh không chán học Lịch sử. Theo thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (HN), quan điểm dạy học ứng thí (học chỉ để đi thi) khiến cho môn Lịch sử chịu nhiều áp lực vì đây là môn học có nhiều sự kiện và con số phải ghi nhớ. Học sinh học chỉ để thi nên không có sự yêu thích.

Trong khi đó, việc đổi mới phương pháp dạy học diễn ra chậm chạp. “Nếu đưa về “bắt buộc” theo kiểu nhồi nhét kiến thức như trước thì tôi e học sinh sẽ tiếp tục chán học, đối phó. Những mục tiêu giáo dục mà nhiều người đang áp đặt cho môn Lịch sử sẽ chẳng bao giờ đạt được”, thầy Hòa chia sẻ. Cũng theo thầy Hòa, việc giáo dục lòng yêu nước, những giá trị văn hóa truyền thống, ý thức dân tộc, trách nhiệm với cộng đồng… không phải chỉ có trong môn Lịch sử ở bậc THPT mà nó có trong môn Lịch sử ở bậc Tiểu học, THCS và hầu hết các môn học, hoạt động giáo dục khác. “Chương trình mới chú trọng giáo dục con người, chứ không phải truyền đạt kiến thức nên các giá trị truyền thống dạy cho học sinh có ở nhiều môn: Ngữ văn, Địa lý, GD quốc phòng an ninh, Kinh tế và pháp luật, thậm chí cả môn Âm nhạc, Mỹ thuật, các hoạt động trải nghiệm… Vấn đề không phải là dạy môn nào mà là dạy cái gì, dạy như thế nào!”, thầy Hòa bày tỏ quan điểm.

Về điều này, GS Trần Kiều, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chương trình tổng thể - Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng cho rằng: “Dạy gì và dạy như thế nào là việc đáng bàn hơn là tranh cãi về việc môn Lịch sử ở nhóm “bắt buộc” hay “lựa chọn”. Vì nếu bắt buộc nhưng học sinh chán học, đối phó thì những cái chúng ta muốn lớp trẻ được giáo dục cũng không có hiệu quả”. Ông cũng bày tỏ, để điều chỉnh một chương trình từng xây dựng trong 6 năm và chưa hề thực hiện thì cần lý do thuyết phục cụ thể. Và việc chỉnh sửa phải đảm bảo không phá vỡ chỉnh thể của chương trình tổng thể.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT thiết kế theo hướng phân hóa, định hướng nghề nghiệp nên cần thiết kế phù hợp với việc lựa chọn khác nhau của người học chứ không thể giáo dục đại trà như bậc học dưới. Đây là xu thế của nhiều nước phát triển. Môn Lịch sử hôm nay gây tranh cãi khi nhiều người muốn đưa nó về “bắt buộc” (dạy đại trà), và nay mai, các môn học khác cùng được đề nghị tương tự thì chỉnh thể chương trình THPT sẽ bị phá vỡ. 

 Việc giáo dục lòng yêu nước, những giá trị văn hóa truyền thống, ý thức dân tộc, trách nhiệm với cộng đồng… không phải chỉ có trong môn Lịch sử ở bậc THPT mà nó có trong môn Lịch sử ở bậc Tiểu học, THCS và hầu hết các môn học, hoạt động giáo dục khác.

Chương trình mới chú trọng giáo dục con người, chứ không phải truyền đạt kiến thức nên các giá trị truyền thống dạy cho học sinh có ở nhiều môn… Vấn đề không phải là dạy môn nào mà là dạy cái gì, dạy như thế nào.

(Thầy NGUYỄN VĂN HÒA, Chủ tịch HĐQT Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm HN)

 KỲ THANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top