Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Cảnh giác với bệnh viêm gan “bí ẩn” ở trẻ em

Thứ Tư 18/05/2022 | 10:33 GMT+7

VHO- Từ những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào tháng 10.2021 tới ngày 10.5, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông báo 348 trường hợp mắc bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tại 25 quốc gia, tăng 70 trường hợp so với báo cáo vào ngày 6.5.

 Trẻ từ 1 tháng - 16 tuổi có triệu chứng đau bụng được theo dõi để phát hiện bệnh viêm gan chưa rõ nguyên nhân ẢNH MINH HỌA

Tại Việt Nam, tới nay tuy chưa có ca bệnh nào được ghi nhận trong phạm vi cả nước nhưng cũng gây hoang mang, lo lắng cho nhiều phụ huynh.

Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm viêm gan “bí ẩn”

Thời gian gần đây có nhiều thông tin về căn bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em. Những ca bệnh đầu tiên được báo cáo ở châu Âu và Bắc Mỹ, và số ca tăng nhanh được ghi nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới. WHO cho biết, bệnh xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi, ngoài 9 trường hợp đã tử vong, hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, nhưng có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan.

Các ca bệnh được giám sát là những trẻ dưới 16 tuổi có biểu hiện viêm gan cấp tính (không do vi rút viêm gan A, B, C, D, E) với men gan tăng trên 500 IU/l (SGOT hoặc SGPT) và thời gian xuất hiện triệu chứng bắt đầu từ 1.10.2021 đến nay. Ngay tại khu vực Đông Nam Á, trong đó như Indonesia đã ghi nhận 5 ca tử vong. Hiện tại nguyên nhân chính xác gây ra viêm gan cấp tính ở trẻ em nêu trên vẫn chưa được xác định, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu, tuy nhiên một số kết quả đã xác nhận khoảng 70% số ca mắc dương tính với virus Adeno, cụ thể là chủng phụ 41, liên quan đến chứng viêm dạ dày ruột.

Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm viêm gan “bí ẩn”, nhưng các chuyên gia cho rằng nguy cơ bệnh xâm nhập hoàn toàn có thể xảy ra, vì vậy Việt Nam vẫn phải luôn cảnh giác với tình hình dịch cũng như cập nhật các ca bệnh liên quan trên thế giới. Theo Ths.BSCK 2 Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Việt Nam chưa xuất hiện chùm ca bệnh, nhưng ở một thời điểm nào đó, khả năng virus gây ra căn bệnh viêm gan này sẽ xuất hiện ở nước ta. “Trong những ngày qua, các bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có những biểu hiện của sốt, nôn, tiêu chảy đều được theo dõi kỹ, xác định xem có tổn thương gan không? Nếu bệnh nhi được cho về điều trị ngoại trú sẽ tiếp tục theo dõi tiếp có tổn thương gan hay không. Nếu có trường hợp nghi ngờ, chúng tôi sẽ phối hợp với các chuyên gia dịch tễ để phát hiện được sớm ngay từ những ca đầu. Chúng tôi cũng theo sát các hướng điều trị của các đồng nghiệp ở những nước đã có bệnh nhân để học hỏi kinh nghiệm”, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ.

Theo TS.BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương, về nguyên nhân gây ra loạt ca bệnh viêm gan chưa rõ nguyên nhân được các nhà khoa học đưa ra giả thuyết và tập trung nghiên cứu và làm rõ, trong đó có vai trò gây tổn thương gan của virus SARS-CoV-2 (gây bệnh Covid-19), sự xuất hiện của một biến thể virus mới hay không? Sự thay đổi và đáp ứng miễn dịch của trẻ sau mắc Covid-19, cũng như đáp ứng với các virus thông thường khác. “Tới nay, trong số 348 ca bệnh nói trên, một số trẻ có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, có 10-18% các trẻ bị bệnh có bằng chứng đồng nhiễm virus SARS-CoV-2 và virus Adeno. Vai trò của virus SARS-CoV-2 trong việc gây bệnh chưa thực sự rõ ràng và tiếp tục cần được nghiên cứu. Đa số các trẻ bị bệnh là các trẻ thuộc độ tuổi nhỏ, chưa được tiêm phòng vắc xin Covid-19. Do đó, không thấy có mối liên quan giữa vắc xin Covid-19 với viêm gan cấp”, bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa cho hay.

Cha mẹ trẻ không nên quá hoang mang, lo lắng

Kể từ khi WHO thông báo về căn bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, ngành y tế luôn luôn theo dõi sát tình hình thế giới. Bộ Y tế đã liên tục có văn bản gửi các đơn vị liên quan về tăng cường giám sát, kịp thời triển khai các biện pháp phòng dịch, phân tích dịch tễ, lấy mẫu và xét nghiệm các trường hợp bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em. Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tập trung chỉ đạo cơ sở y tế trên địa bàn khi phát hiện các trường hợp viêm gan cấp tính, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 16 tuổi, phải khám, xác định để phát hiện các trường hợp không rõ nguyên nhân (theo định nghĩa ca bệnh của WHO); đối với các tỉnh có cửa khẩu biên giới, tăng cường công tác giám sát tại các cửa khẩu nhằm phát hiện sớm những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ để có hướng dẫn, quản lý phù hợp. Tổ chức truyền thông cho người dân biết về tình hình bệnh viêm gan cấp không rõ nguyên nhân và các biện pháp phòng, chống tạm thời như đảm bảo vệ sinh phòng bệnh cá nhân; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi hắt hơi để phòng bệnh viêm gan chưa rõ nguyên nhân và một số bệnh truyền nhiễm phổ biến khác.

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Nhi Trung ương đang tăng cường giám sát những trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ, điều tra dịch tễ, đánh giá lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân, và báo cáo các cơ quan dịch tễ và Bộ Y tế. Trong giai đoạn này, tất cả các ca bệnh có triệu chứng tiêu hóa kèm theo có tổn thương gan cấp vào viện sẽ được đặc biệt lưu ý tới tiền sử dịch tễ, các triệu chứng bất thường ở đường tiêu hoá và ngoài đường tiêu hoá… Sau khi loại trừ tất cả các nguyên nhân gây tổn thương gan thường gặp sẽ được tiến hành thêm các xét nghiệm chuyên sâu để tìm nguyên nhân gây bệnh, bao gồm cả sàng lọc virus Adeno nhằm hạn chế tối đa số ca mắc bệnh và tử vong.

Cũng theo Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương, do chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh nên chưa có hướng điều trị đặc hiệu. Các biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ, bao gồm cả các biện pháp hồi sức tích cực cho các trường hợp suy gan nặng như thay huyết tương, lọc máu liên tục…, và có thể ghép gan cấp cứu. Mục tiêu nhằm điều trị hỗ trợ sớm cho trẻ để hạn chế mức độ tổn thương tới mức thấp nhất và tăng cường khả năng phục hồi chức năng gan và ghép gan trong trường hợp suy gan mất bù.

“Nguyên nhân tổn thương gan ở nhóm bệnh nhân này vẫn chưa rõ nên chưa thể khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh chủ động và đặc hiệu. Tuy vậy, cha mẹ trẻ không nên quá hoang mang, lo lắng. Cần bình tĩnh và chú ý để có thể phát hiện sớm các triệu chứng bệnh đường tiêu hóa và tổn thương gan ở trẻ. Những trẻ có những triệu chứng sốt, đau bụng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, vàng da, viêm kết mạc… cần được tới khám tại các cơ sở y tế. Trong khi chờ các đợi các kết quả nghiên cứu phụ huynh cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên, đặc biệt trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn, sau khi vệ sinh.

Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo lịch tiêm chủng, bao gồm cả vắc xin phòng viêm gan B, viêm gan A, vắc xin Covid-19 khi có chỉ định. Sử dụng nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt lưu ý phòng bệnh cho các trẻ trong các trường học, nhà trẻ bằng cách đảm bảo vệ sinh bề mặt, dùng riêng đồ dùng cá nhân (ly uống nước, thìa, bát ăn, khăn mặt…), xử lý chất thải thích hợp…”, TS.BS Nguyễn Phạm Anh Hoa nhấn mạnh. 

 QUỲNH HOA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top