Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Tăng tốc xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở

Thứ Hai 04/07/2022 | 11:15 GMT+7

VHO- Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số được đặc biệt quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện và đã triển khai thực hiện ở một số ngành như: Viễn thông, truyền thông, y tế, tài chính, du lịch… Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã khẳng định công nghệ số có ý nghĩa, vai trò quyết định trong hiệu quả hoạt động và sự phát triển của ngành Thư viện hiện tại và tương lai sắp tới.

 Thời gian qua, Thư viện Đại học quốc gia TP.HCM đã làm tốt công tác số hóa dữ liệu, tạo thuận lợi cho bạn đọc

 Bước đệm cần thiết

Có thể khẳng định, chuyển đổi số là cơ hội lớn để ngành Thư viện Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, tăng tốc hiện đại hóa thư viện, hòa chung dòng chảy phát triển của ngành thư viện trên thế giới. Hiện tại nhiều địa phương, hệ thống thư viện đang tích cực tổ chức các hoạt động chuyển đổi số, song để đạt mục tiêu và hiệu quả như kỳ vọng cần có những hướng đi đúng cũng như sự đầu tư đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa. Chính vì thế, với mong muốn giúp cho các địa phương, các thư viện có những cái nhìn tổng thể, khách quan cũng như có những lựa chọn phù hợp, vừa qua, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị tập huấn cho 200 học viên đến từ các Sở, ban, ngành có liên quan với nội dung “Nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyển đổi ngành thư viện”.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện Đoàn Quỳnh Dung, chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện là việc áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng, phát triển nền tảng số, đồng thời tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ các cơ sở dữ liệu mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, chuyển đổi số sẽ giúp xây dựng dữ liệu mở để người dân, cộng đồng, doanh nghiệp cùng tham gia, góp phần xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở về thư viện và mạng thông tin thư viện quốc gia. Từ đó xây dựng thành phố thông minh và xây dựng xã hội học tập.

Với mục tiêu đến năm 2025, 100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác. Và để thực hiện được chuyển đổi số cho ngành thư viện cũng như các ngành nghề liên quan, Phó GĐ Thư viện KHTH TP.HCM Vĩnh Quốc Bảo đã đưa ra lộ trình gợi ý gồm ba bước chung nhất. Theo ông, đầu tiên phải có nhận thức và tư duy đúng về chuyển đổi số, với một tổ chức, nhận thức của lãnh đạo cao nhất là điều kiện tiên quyết, để từ đó truyền nhận thức, cảm hứng, khát vọng và quyết tâm thay đổi tới các thành viên. Thứ hai là xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động, phải xác định trạng thái hiện tại và trạng thái cần đến để định rõ mục tiêu, gồm cả việc xác định mô hình hoạt động, kinh doanh mới trong môi trường số, xây dựng kế hoạch hành động với các giai đoạn hợp lý, nội dung cụ thể. Và cuối cùng, xác định công nghệ chủ yếu trong lĩnh vực hoạt động cũng như các nền tàng cần có để hỗ trợ việc chuyển đổi, từ đó xây dựng năng lực số, gồm đào tạo nhân lực số, xây dựng thói quen, hình thành văn hóa đổi mới với mô hình hoạt động mới và thực hiện chuyển đổi.

Tăng tốc hiện đại hóa thư viện

Hiện nay, nhiều thư viện ở Việt Nam đã và đang tìm cách để phát triển văn hóa đọc và tăng lượng độc giả, kể cả phần thư viện số. Thế nhưng dường như bạn đọc ngày càng ít lui tới thư viện và cũng ít chú ý đến phần số hóa của thư viện. Bởi, để tìm kiếm sách, tài liệu mới một cách dễ dàng, họ chỉ cần vài cú “click” chuột. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, lượng sách không bản quyền đang tràn lan trên mạng với những nội dung sao chép cẩu thả, đầy lỗi chính tả, thậm chí là bị cắt xén, sửa đổi tùy tiện… Có thể nói, các hình thức sách trên Internet và sách điện tử không bản quyền đang “giết dần” hệ thống thư viện giấy, thư viện số hoặc sách điện tử từ cá c NXB.

Ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Công ty CP Tin học Lạc Việt cho rằng, việc phát triển thư viện số và sách điện tử tại Việt Nam là rất cần thiết. Qua đó, bạn đọc có thể dễ dàng tìm kiếm trong vài giây và bất cứ nơi đâu; giảm giá thành xuất bản, bảo vệ môi trường; mở rộng thị trường trong và ngoài nước… Ông Thân nhấn mạnh: “Nếu có NXB nào lo ngại sách điện tử sẽ ảnh hưởng đến thị trường sách giấy truyền thống thì NXB đó sẽ chậm chân trong thị trường đang phát triển như vũ bão. Vì đây là nhu cầu khách quan của những người bận rộn, muốn có thông tin nhanh, nhất là giới trẻ”.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số cho các thư viện tại các trường học là điều tất yếu và cần được nhanh chóng triển khai. Bởi việc đào tạo ở các trường học, nhất là trường phổ thông chỉ thực sự có chất lượng khi hoạt động học tập của học sinh được thực hiện trong cả bốn môi trường: Lớp học, thư viện, cơ sở thực nghiệm và môi trường thực tế. Trong đó, thư viện có vai trò quan trọng trong việc rèn luyện tính độc lập, sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, thư viện trong trường học hiện nay vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa phát huy hết vai trò của mình.

Có thể nói, số hóa thư viện, số hóa tài liệu là một việc không hề đơn giản, thế nhưng lại không thể không làm trong thời đại công nghệ số hiện nay. Vì vậy để đẩy nhanh tốc độ số hóa, tiết kiệm các nguồn lực, điểm mấu chốt là các bên liên quan cần phải đề ra một chiến lược nhất quán, cần tập trung cao hoạt động số hóa theo hướng chuyên nghiệp, có tổ chức và có tầm nhìn lâu dài. 

THẢO MY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top