Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Lo ngại về tội phạm tiền ảo, tiền kỹ thuật số

Thứ Ba 01/11/2022 | 11:49 GMT+7

VHO-Sáng 1.11, Quốc hội thảo luận về Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Phát biểu tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại trước thực trạng các loại tội phạm về công nghệ trong đó có tội phạm liên quan đến tiền ảo, tiền kỹ thuật số đang gia tăng và ngày càng tinh vi.

Nêu tác dụng tích cực của những tiến bộ về khoa học công nghệ đã làm thay đổi cuộc sống, đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La) cho biết, sự phát triển của khoa học công nghệ cũng kéo theo loại tội phạm khoa học công nghệ cao trong đó có nhóm tội phạm liên quan đến các loại tiền ảo trên mạng xã hội, ngày càng gia tăng.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi lo ngại về tội phạm liên quan đến tiền ảo

Cũng theo đại biểu này, hầu hết các giao dịch liên quan đến tiền mã hoá hay tiền kỹ thuật số đều được thực hiện trực tuyến trên không gian mạng, không được kiểm soát, không tồn tại các giao dịch như đồng tiền thực thụ nhưng thực tế đã cho thấy các loại tiền thật, tài nguyên thật đã đổ vào các giao dịch ảo này. Và hậu quả là nhiều người dân bị lừa mất tiền, mất tài sản và điều đó cũng tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền qua tiền ảo.

Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 theo hướng, quy định khung pháp lý để kiểm soát toàn bộ các hình thức chuyển đổi, thỏa thuận trao đổi tiền thông qua các công cụ mã hóa trên không gian mạng, nhằm thực hiện phòng, chống rửa tiền và các loại tội phạm có liên quan. Đồng thời, cần lưu ý về định kỳ đánh giá tốc độ phát triển và nguy cơ rủi ro về rửa tiền trong hoạt động mà đại biểu đã đề cập ở trên.

Góp ý cho dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Hà Nội) nêu ví dụ, hiện Công an TP.Hà Nội đang điều tra vụ án với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và rửa tiền với số tiền ước tính có thể lên đến nhiều nghìn tỉ. Đối tượng chủ mưu, tổ chức các hoạt động phạm tội này là người nước ngoài, thuê rất nhiều người nước khác, trong đó có người Việt Nam, trụ sở, địa điểm tổ chức và các công cụ, thiết bị thực hiện hành vi phạm tội đều ở nước ngoài. “Phương thức phạm tội của tội phạm này rất tinh vi. Sau khi nhận tiền của người bị hại thì sẽ chia nhỏ gửi qua nhiều tài khoản, sau đó chụm vào 1 tài khoản ảo, rồi rút ra tiền mặt”, đại biểu Trung dẫn chứng. 

Đại biểu Nguyễn Hải Trung cho biết, phương thức phạm tội của loại tội phạm này rất tinh vi

Từ đó đại biểu Nguyễn Hải Trung đề nghị cần phải đảm bảo tính chính danh khi đăng ký mở và sử dụng tài khoản. Qua thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và hoạt động phòng, chống rửa tiền nói riêng của Công an TP.Hà Nội trong thời gian qua nổi lên là hoạt động liên quan đến sử dụng thông tin, giấy tờ giả để mở tài khoản hoặc thuê người khác mở tài khoản, sau đó bán lại tài khoản cho đối tượng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Mục đích của hành vi này là nhằm che giấu thông tin về tài sản của cá nhân, tổ chức thực sự quản lý sở hữu tài sản, gây khó khăn, tránh né công tác phát hiện của các cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, đại biểu Trung đề nghị, đây là vấn đề rất quan trọng, nếu nhận diện xác định rõ đối tượng tự quản lý, sử dụng tài khoản sẽ góp phần triệt tiêu được việc giả mạo thông tin tài khoản.

Kết thúc phiên thảo luận, đã có 22 ý kiến phát biểu tại Hội trường. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cũng đã phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về dự thảo Luật. Theo Thống đốc, các ý kiến rất xác đáng, tâm huyết, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các vị đại biểu Quốc hội đối với công tác phòng, chống rửa tiền nói chung cũng như việc xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi nói riêng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu làm rõ các vấn đề mà đại biểu quan tâm

Trước đó, trình bày Tờ trình về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, trong thời gian qua, việc thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng…

Từ đó Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao…

Dự thảo Luật gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều. Trong đó có quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của Công dân đối với đất đai; hoàn thiện các quy định về các quyền của người sử dụng đất; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất…

Trong đó dự thảo Luật bỏ quy định khung giá đất, quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan; bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm.

THU SÂM; ảnh: QUỐC HỘI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top