Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Gia Lai: Nỗ lực bảo tồn, phát triển thổ cẩm truyền thống Bahnar từ cơ sở

Thứ Năm 10/11/2022 | 15:30 GMT+7

VHO - Sau thời gian triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng”, huyện Kbang (Gia Lai), bước đầu cho thấy dự án đã đem lại những tín hiệu tích cực trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống nghề dệt thổ cẩm của người dân nơi đây.

Cuối năm 2021, chị Trần Thị Bích Ngọc – cán bộ UBND xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang (Gia Lai) đã đề xuất ý tưởng thực hiện Dự án “Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng”, với mong muốn tìm kiếm cơ hội lưu giữ, bảo tồn và phát triển những giá trị cốt lõi của thổ cẩm truyền thống Bahnar. Dự án gồm 19 thành viên, chị Ngọc là chủ nhiệm đề tài.

Chị Trần Thị Bích Ngọc trao đổi cùng các thành viên trong nhóm thực hiện dự án “Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng”

Chị Ngọc cho biết, các thành viên trong dự án sẽ thực hiện 3 hoạt động chính, gồm: thực hiện tư liệu hóa quy trình dệt thổ cẩm truyền thống để xây dựng giáo trình; tổ chức truyền dạy dệt thổ cẩm và phát triển sản phẩm mới dựa trên hoa văn thổ cẩm truyền thống.

“Hướng đi là làm ra những sản phẩm mẫu từ hoa văn dệt của người Bahnar, thiết kế lại trang phục truyền thống của người Bahnar tinh gọn hơn, nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống cốt lõi của trang phục”, chị Ngọc chia sẻ.

Với ý nghĩa và mục tiêu thiết thực của mình, dự án “Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng” đã được chọn là 1 trong 4 đề tài của tỉnh Gia Lai được Hội đồng Anh chấp thuận tài trợ, nằm trong hợp phần “Di sản văn hóa sống” của Hội đồng Anh Việt Nam.

Từ khi bắt đầu triển khai dự án, ngôi nhà rông truyền thống của làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng luôn rộng ràng tiếng nói cười, trò chuyện, chỉ dạy nhau của chị em phụ nữ trong làng. Họ đến nhà rông để học nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Lớp học được tổ chức một cách bài bản, dưới sự chỉ dạy, dẫn dắt của nghệ nhân Đinh Thị Hiền và Đinh Thị Lăm.

Nghệ nhân Đinh Thị Hiền chia sẻ: “Những nghệ nhân như chúng tôi rất vui khi có cơ hội truyền dạy cho thế hệ trẻ về nghề dệt thổ cẩm truyền thống, chúng tôi cố gắng truyền đạt hết kinh nghiệm của mình, hướng dẫn cho chị em phụ nữ những kỹ thuật cơ bản để họ thấy rằng thổ cẩm Bahnar đẹp đến thế nào. Quá trình chỉ dạy, chúng tôi sẽ hướng dẫn thêm cho bà con ứng dụng các loại sợi công nghiệp vào dệt thổ cẩm để có thể tạo ra những trang phục mới dựa trên hoa văn thổ cẩm của Bahnar, hướng đến đưa các sản phẩm dệt thổ cẩm trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo nguồn thu nhập ổn định cho dân làng sau này”.

Nghệ nhân Đinh Thị Hiền truyền dạy dệt thổ cẩm Bahnar cho bà con

Theo chị Đinh Thị Lách ở làng Kgiang: “Từ khi triển khai dự án, các chị em trong làng đều được học quy trình dệt thổ cẩm truyền thống, từ trồng bông, kéo sợi, nhuộm màu sợi chỉ, căng khung và thực hành dệt thổ cẩm. Bên cạnh đó, lớp còn được học thêm cách phát triển những dải hoa văn truyền thống để thiết kế nên những sản phẩm mới có tính ứng dụng cao hơn”.

Sau hơn 5 tháng triển khai thực hiện, nhóm thực hiện dự án đã biên soạn và cho ra mắt giáo trình “Dệt thổ cẩm Bahnar” gồm 23 bài học cơ bản. Ngoài ra, nhóm dự án đã cho ra mắt 15 mẫu váy và 2 mẫu áo dài là sản phẩm cách tân dựa trên hoa văn thổ cẩm truyền thống, với mức giá chỉ từ 300 - 400 ngàn đồng/bộ. Cùng với đó là một số phụ kiện thời trang như: dải cột tóc, dây đeo tay thổ cẩm… Các thiết kế mới sử dụng chất liệu co giãn thoải mái, phù hợp với hoạt động hàng ngày nhưng vẫn giữ nguyên phom dáng truyền thống và vẻ đẹp của các mảng dệt thổ cẩm. Điều này sẽ giúp cho các sản phẩm dễ dàng tiếp cận thị trường và không quá kén chọn đối tượng sử dụng dạng trang phục thời trang này.

Theo chị Trần Thị Bích Ngọc - Chủ nhiệm dự án, để thổ cẩm Bahnar trở thành sinh kế mang lại giá trị thiết thực và phát huy hiệu quả dài lâu, bên cạnh đòi hỏi sự sáng tạo của nhóm thực hiện dự án mà rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, của ngành văn hóa cùng sự nỗ lực của chính đồng bào Bahnar trong gìn giữ vẻ đẹp truyền thống thổ cẩm dân tộc mình.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến tới thành lập câu lạc bộ hoặc hợp tác xã phát triển nghề dệt, tạo ra nhiều mẫu trang phục mang bản sắc của người Bahnar, từ người lớn đến trẻ em cũng như phụ nữ đều có thể sử dụng các sản phẩm có giá trị truyền thống của dân tộc mình, lan tỏa để phát triển nghề dệt hơn nữa. Ngoài ra, từ hoa văn họa tiết của người Bahnar sẽ phát triển, tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch như túi xách, vòng đeo tay, đem lại kinh tế cho gia đình; cũng như tiếp tục bảo tồn giá trị của nghề dệt tại nơi đây”, chị Ngọc kỳ vọng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân – cố vấn các dự án của Hội đồng Anh tại Gia Lai (nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai) cho rằng, việc thực hiện thành công dự án đã giúp bảo tồn nghề dệt truyền thống của người Bahnar và trở thành một sản phẩm có thể mặc hàng ngày với giá thành thấp, qua sự kết hợp các dải hoa văn truyền thống với những chất liệu vải thông thường có ngoài thị trường. Bên cạnh đó, những thiết kế mới với điểm nhấn là những dải họa tiết, hoa văn thổ cẩm Bahnar chính là sản phẩm của bàn tay, khối óc và tấm lòng của toàn bộ nhóm thực hiện dự án và điều này đã có hiệu quả lớn trong việc kích thích những nghệ nhân dệt sáng tạo hơn trong công việc.

VĨNH AN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top