Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Báo động trẻ cần Internet  hơn cha mẹ

Thứ Sáu 25/11/2022 | 11:04 GMT+7

VHO- Sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các thiết bị thông minh đã mở ra nhiều cơ hội để trẻ em học tập, vui chơi và tìm hiểu thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực, vẫn còn đó những tác động tiêu cực từ các thông tin xấu độc lan truyền trên mạng, các nguy cơ tiềm ẩn hay cạm bẫy khó nhận biết do trẻ em chưa có đủ kỹ năng bảo vệ mình khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.

Đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp công nghệ tọa đàm về vai trò và trách nhiệm của các bên trong Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

 Trong khuôn khổ sự kiện thường niên Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022 diễn ra tại Hà Nội, hôm qua 24.11, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức Hội thảo “Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” nhằm tạo ra diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia an ninh mạng trao đổi và chia sẻ thông tin, gợi mở phương pháp bảo vệ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng.

Nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên và cả xã hội

Theo báo cáo của Tổ chức UNICEF công bố ngày 3.8 vừa qua, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 có sử dụng Internet, và con số tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi. Điều này cho thấy mức độ tham gia các hoạt động trên không gian mạng của trẻ em ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 vừa qua. Có thể nói, chưa bao giờ trẻ em dành nhiều thời gian lên mạng như hiện nay.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Quốc Khánh, Phó Chủ tịch VNISA cho rằng, việc sử dụng, tham gia các hoạt động trên Internet gia tăng sẽ khiến trẻ em phải đối mặt với nhiều cạm bẫy, rủi ro, phổ biến như tiếp cận với những nội dung độc hại (bạo lực, khiêu dâm…) làm lệch lạc suy nghĩ, lối sống, sự phát triển; bị phát tán thông tin riêng tư, thông tin cá nhân, gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của trẻ; bị bắt nạt trực tuyến dưới nhiều hình thức khác nhau; sử dụng quá mức và rơi vào tình trạng nghiện Internet; bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, tống tiền, ép tham gia các hoạt động phi pháp, thậm chí mại dâm, bị xâm hại tình dục… Báo cáo của Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột năm 2021 cho thấy, Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á có nhiều báo cáo nhất về hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Theo tổ chức Internet Watch Foundation, 2021 là năm ghi nhận nhiều sự cố xâm hại trẻ em trên môi trường mạng nhất với khoảng 252.000 URL/hình ảnh (so với 153.000 năm trước đó). Các hình ảnh xâm hại về trẻ em độ tuổi từ 7-10 được báo cáo về cũng tăng gấp 3 lần.

“Hiện nay, các sản phẩm, ứng dụng để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em Việt Nam tham gia môi trường mạng an toàn, lành mạnh, thúc đẩy sáng tạo còn chưa phổ biến, thiếu những sản phẩm dễ sử dụng, phù hợp với đặc thù người Việt Nam, trong khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm này là phổ biến, hiện hữu. Đây là lần đầu tiên VNISA có 1 phiên chuyên đề riêng về các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, sẽ là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm phát triển sản phẩm, ứng dụng bảo vệ, hỗ trợ trẻ em khi sử dụng Internet. Đồng thời, là dịp để nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên và cả xã hội trong việc sử dụng công nghệ đồng hành cùng trẻ…”, ông Vũ Quốc Khánh nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Đức Tuân, quyền Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Quốc gia - VNCERT (Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT), việc tạo ra môi trường mạng lành mạnh; trang bị kỹ năng số để trẻ em nhận biết và sử dụng Internet an toàn là vô cùng cần thiết. Việt Nam đã sớm có chính sách quan tâm mạnh mẽ đến việc bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ ngày càng nhiều trên không gian mạng. Chính sách này được hình thành và đang được hoàn thiện dần trong các bộ Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật Trẻ em 2016, Luật An ninh mạng 2018. Tuy nhiên, để biến chính sách trên giấy thành hiện thực sống tất yếu phải trải qua một chặng đường dài, đòi hỏi sự nỗ lực chung tay của của tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cả cộng đồng.

Đừng để trẻ mất lòng tin vào cha mẹ

Việc trẻ em sử dụng Internet là phổ biến và mỗi gia đình đều có những biện pháp riêng nhằm hạn chế những nguy cơ, rủi ro có đến với con em họ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trẻ em cũng có rất nhiều hành động để ứng phó. Tham gia Hội thảo với tư cách báo cáo về “Thực trạng của phát tán nội dung độc hại trên Internet và làm sao để phụ huynh có thể giữ cân bằng giữa việc bảo vệ con và tôn trọng quyền riêng tư của con trên mạng”, bà Nguyễn Phương Thanh Trúc, đồng sáng lập và CEO CyberPurity cho rằng, nếu theo dõi, giám sát những riêng tư của trẻ, đến một lúc nào đó, chúng phát hiện ra sẽ cảm thấy thất vọng và mất lòng tin vào bố mẹ mình, khi đó trẻ sẽ ít chia sẻ. Các cuộc khảo sát cho thấy, bố mẹ càng giám sát, theo dõi trẻ thì trẻ càng tò mò và lén lút xem nhiều hơn, nhưng lúc này chúng sẽ không hỏi cha mẹ nữa vì sợ phán xét, sợ mắng mỏ nên tự tìm tòi và dần dần trở thành con mồi của những kẻ lừa đảo trên mạng lúc nào không hay.

“Ngay từ đầu, khi cha mẹ cho trẻ sử dụng điện thoại, Internet nhưng không có sự giao kèo, đến khi thành thói quen khó sửa chữa, thậm chí trẻ sẽ cần Internet hơn cần cha mẹ. Trẻ sử dụng Internet dường như đang ở mức sắp báo động, nhất là sau dịch, bởi trong dịch các hoạt động học tập, vui chơi đều online, trẻ chia sẻ các hình ảnh nhạy cảm tăng 130% so với thời kỳ trước dịch. Và sau dịch thì xu hướng sử dụng Internet không giảm đi, thậm chí có trẻ không muốn ra ngoài đường chơi nữa. Chẳng hạn, một cô bé khi mẹ hỏi Trung thu muốn đi chơi gì, thì bé nói “không muốn ra ngoài chơi, chỉ cần cái ipad là vui rồi”; hay một cậu bé ban đầu rất thích chơi bóng đá, nhưng kể từ sau dịch thì cậu chỉ còn thích đá bóng online. Đây là những dấu hiệu đáng báo động, nhưng nhiều phụ huynh còn chủ quan, xem nhẹ. Dấu hiệu những đứa trẻ không cần tới cha mẹ nữa là không muốn đi chơi, hoặc đi chơi nhưng chỉ mượn điện thoại, ipad để cắm cúi ngồi xem, đi học về là hỏi ipad đâu, giãy nảy lên nếu cha mẹ không đồng ý, hoặc kéo dài thời gian chơi 5 phút nhưng thực tế là tới 30 phút hay 1 giờ”, bà Nguyễn Phương Thanh Trúc chia sẻ.

Mỗi ngày có hàng trăm trang web độc hại ra đời, hàng nghìn nội dung xấu hoặc không phù hợp với trẻ em len lỏi trên Internet thì không có một công nghệ nào có thể chặn lọc 100%, do đó, cha mẹ không nên phụ thuộc vào nhà trường mà cần phải trò chuyện, trao đổi với trẻ, không có gì bằng mối quan hệ thoải mái và cởi mở giữa cha mẹ và con cái, từ đó hướng trẻ đến những hoạt động lành mạnh trên không gian mạng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần phát huy vai trò và trách nhiệm của mình trong bảo vệ trẻ, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. 

QUỲNH HOA

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top