Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Giá trị thực tiễn lớn lao của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam

Thứ Hai 27/02/2023 | 21:26 GMT+7

VHO- Phiên thảo luận bàn tròn của Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" diễn ra sáng 27.2, các diễn giả, đại biểu đã đưa ra những giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa trong chiều dài lịch sử dân tộc, trong quá trình phát triển đất nước và hình thành nhân cách con người Việt Nam.

Phiên thảo luận bàn tròn của Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển"

Môi trường văn hóa gia đình giúp hình thành nhân cách con người

TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cháu nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh kể rằng, trong suốt cuộc đời của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, văn hóa và truyền thống luôn thấm đẫm trong ông, gia đình cũng luôn đậm chất văn hóa. Điều đó thể hiện rất rõ trong con người đời thường, con người cách mạng và nhân cách sống của cố Tổng Bí thư.

"Những tính cách rất đặc trưng của cố Tổng Bí thư Trường Chinh- ông nội tôi là sự nghiêm cẩn, đó là sự thận trọng, đó là nguyên tắc trong công việc. Những tính cách này trở nên nổi tiếng và đã trở thành giai thoại, trở thành bí danh của cố Tổng Bí thư thời kỳ ông còn công tác. Trong cuộc sống gia đình, sự nghiêm cẩn, sự nguyên tắc cũng rất rõ. Cả 3 người con trai của Tổng Bí thư đều trải qua quân ngũ. Gia đình nhiều người làm công tác nghiên cứu khoa học. Cho dù hoạt động trong lĩnh vực Triết học, Văn học hay Vật lý học thì niềm say mê, sự cống hiến đều xuất phát từ truyền thống gia đình”.

TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cháu nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh kể những kỷ niệm về người ông của mình và khẳng định môi trường văn hóa gia đình rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách mỗi con người

Theo TS Đặng Xuân Thanh, sự nghiêm cẩn, nghiêm túc, thận trọng… trong nghiên cứu khoa học ở mỗi thành viên trong gia đình, được trui rèn từ những cuộc trao đổi trong gia đình, từ những cuốn sách mà Tổng Bí thư Trường Chinh với tư cách là người cha, người ông luôn khuyến khích, động viên con cháu đọc.

“Tất cả mọi người trong gia đình đều có tủ sách riêng. Đấy là một đặc trưng của gia đình chúng tôi. Ngay cả khi tôi chỉ mới 5- 6 tuổi, khi mới biết đọc, biết viết thì đã được ông nội đóng cho một cái tủ sách cao khoảng một mét. Ông đã trích tiền lương của mình mua cho tôi những cuốn sách mà tôi nhớ rất rõ như: "Túp lều của bác Tôm", "Không gia đình", "Những tấm lòng nào cả"… Thời điểm đó, nếu tôi muốn đọc nhiều hơn thì lại tìm tới tủ sách của bố, của ông, của chú. Có thể, lúc đầu đọc cũng không hiểu được mấy, nhưng càng đọc nhiều lại càng thấm. Có cả những tác phẩm như: "Chiến tranh hòa bình", "Những khốn khổ" thấm từng trang sách, có tác phẩm còn thấm sâu hơn nữa”, TS Thanh nói.

Tiếp những dòng kỷ niệm về người ông của mình, TS Thanh cho biết: Tất cả những điều này thấm dần trong văn hóa gia đình và trong mỗi bữa cơm của gia đình. Không có bữa cơm nào không có các cuộc thảo luận nhỏ về các chủ đề chính trị, văn hóa, lịch sử… Qua những lần như thế, văn hóa tự thấm vào mỗi thành viên trong gia đình chúng tôi.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Giữa ông và bà nội tôi, hai người gần như có một sự khác biệt rất lớn. Bà nội tôi thì chỉ học hết lớp 4 thôi. Tuy nhiên, hai cụ là những người rất thực tế. Có những lúc tôi chứng kiến cảnh ông nội đọc thơ tặng vợ và ôm vai người vợ của mình dù khi đó đã ngoài 60 tuổi rồi. Những hình ảnh đó từng ngày từng tháng ngấm vào từng thành viên trong gia đình”.

“Bên cạnh đó, còn có những cuộc tranh luận nảy lửa giữa cố Tổng Bí thư Trường Chinh và con trai về những quan điểm, về những vấn đề đang xảy ra với đất nước. Tôi tin rằng, chính môi trường gia đình, chính sự yêu thương và cũng chính từ những sự nghiêm túc, nghiêm cẩn, nguyên tắc sống của ông nội tôi là cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã ảnh hưởng rất nhiều đến con cháu sau này, ảnh hưởng đến con đường sự nghiệp của họ, trong đó có tôi", TS. Đặng Xuân Thanh chia sẻ.

TS. Đặng Xuân Thanh chia sẻ thêm: “Tủ sách gia đình – một nét truyền thống riêng, có từ thời ông nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh là TS Đặng Xuân Bảng. Sau khi từ quan, ông đã thành lập thư viện tư nhân đầu tiên ở miền Bắc. Và sách, người ta đồn rằng, tủ sách Kim Long sách nhiều tới mức trải rộng trong sau gian nhà tranh. Với một truyền thống như vậy, đương nhiên gia đình luôn lấy làm tự hào và cố gắng truyền lại cho các thế hệ sau”.

NS Nguyễn Thị Thúy Hiền, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an

Chấn hưng văn hóa với tư duy đổi mới, hành động đổi mới, dựa trên thực tiễn đổi mới

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết đã đứng rất lâu trước tấm chân dung vua Duy Tân trong nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh. “Có thể thấy, năm 1943, cố Tổng Bí thư Trường Chinh còn rất trẻ, là người khởi xướng Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943. Đề cương được coi là cương lĩnh đầu tiên về văn hóa. Đến năm 1986, khi cố Tổng Bí thư Trường Chinh tuổi đời đã cao vẫn khởi xướng cho công cuộc Đổi mới của Việt Nam. Trong suốt chiều dài phát triển, Tổng Bí thư Trường Chinh vẫn khởi xướng cho các cuộc duy tân của đất nước. Khi nhìn vào câu chuyện này có thể thấy, nguồn mạch yêu nước là nguồn mạch rất sâu trong mỗi con người Việt Nam. Tư tưởng đổi mới cũng có trong mỗi con người chúng ta. Vì thế chúng ta mới có những khát vọng xây dựng nền văn hóa mới, nền văn hóa tân dân chủ. Suốt trong hành trình đó, Tổng Bí thư Trường Chinh luôn có tư duy đổi mới, hành động đổi mới, dựa trên thực tiễn đổi mới”, bà Nguyễn Thị Thu Phương nói.

Trong công cuộc chấn hưng văn hóa đất nước, các văn nghệ sĩ, quần tụ dưới lá cờ cách mạng của Đảng và sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng vai trò rất quan trọng, góp phần hình thành khối đại đoàn kết. Trong đó có các NSND Trung Kiên, NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền, NSND Thanh Hoa... Tham gia phần thảo luận bàn tròn, đại diện cho văn nghệ sĩ lực lượng Công an nhân dân, NS Nguyễn Thị Thúy Hiền, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an cho biết: Hiện nay, nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển văn hóa, văn nghệ trong lực lượng công an nhân dân, Đảng ủy công an trung ương đã chỉ đạo nâng cao chất lượng về văn hóa văn nghệ.

Bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam

Cùng với đó, Đảng ủy công an trung ương chỉ đạo các đơn vị, công an các địa phương thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nhận thức sâu sắc về vị trí vai trò của văn hóa trong phát triển đất nước và nâng cao nhận thức, lối sống con người Việt Nam, thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền chỉ đạo của Đảng đối với việc phát triển văn hóa, văn nghệ, gắn bó mật thiết với việc xây dựng lực lượng công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ. Đồng thời, tiếp tục quán triệt giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam; thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc năm 2021. Coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần được quán triệt trong toàn lực lượng Công an nhân dân.

Bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho biết: “Sắp tới, ngày 2.3, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cũng tổ chức hội thảo với chủ đề: “Đề cương về văn hóa Việt Nam đối với sự phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam” nói về các đóng góp của các phóng viên ảnh, nhà nhiếp ảnh trong chiến tranh. Trong thời điểm ra đời Đề cương và trong thời điểm hiện nay, những giá trị cốt lõi, to lớn của đề cương cho chúng ta thấy tại sao trong những năm tháng khốc liệt của đất nước, các nhà nhiếp ảnh, phóng viên ảnh đã không ngại hi sinh gian khổ, lăn xả vào cuộc chiến đấu để mang về những hình ảnh chân thực nhất, xúc động nhất, có giá trị lịch sử vô giá. Họ thực sự là những nghệ sĩ, chiến sĩ trên các mặt trận của mình”.

NGUYỄN ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top