Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

"80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam: Khởi nguồn và Khát vọng"- Bài 2: Tiếp nối truyền thống bằng văn hoá, từ văn hoá

Thứ Năm 02/03/2023 | 21:02 GMT+7

VHO- Tầm nhìn xa, trông rộng thể hiện trong Đề cương về văn hoá Việt Nam, khơi dậy khát vọng đi lên bằng văn hoá, từ văn hoá đã được người khởi thảo- Tổng Bí thư Trường Chinh hun đúc từ chính truyền thống văn hoá của quê hương, từ niềm mong mỏi xây dựng nền văn hoá trường tồn, với sức mạnh nội sinh vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Những ngày cả đất nước đang tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời bản đề cương (1943-2023), ở làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của người con ưu tú- Tổng Bí thư Trường Chinh đang được thế hệ hôm nay cùng nhau ôn lại.

Tượng đài Tổng Bí thư Trường Chinh tại trung tâm Thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân  Trường, tỉnh Nam Định

Từ cội nguồn truyền thống

Trải qua 80 năm, Đề cương về văn hoá Việt Nam đã đồng hành cùng những chặng đường quan trọng của lịch sử nói chung, của nền văn hoá dân tộc nói riêng. Những tư tưởng cốt lõi của bản Đề cương ngày càng được bồi đắp nhiều hơn, để văn hoá Việt Nam  hôm nay tự tin sánh vai, hội nhập cùng nền văn hoá nhân loại. Phó Bí thư Thường trực huyện uỷ Xuân Trường Phạm Minh Tuấn chia sẻ: “Tầm nhìn xa, trông rộng từ bản đề cương đầu tiên về văn hoá của Đảng, thể hiện khát vọng đi lên bằng văn hoá, từ văn hoá đã được người khởi thảo- Tổng Bí thư Trường Chinh hun đúc từ chính truyền thống văn hoá của quê hương, từ lòng tự hào dân tộc và niềm khát khao xây dựng nền văn hoá dân tộc trường tồn, tạo sức mạnh nội sinh vượt qua mọi khó khăn, thử thách…”.

Làng Hành Thiện, quê hương của Tổng Bí thư Trường Chinh

Hành Thiện là ngôi làng nổi tiếng cả nước với truyền thống văn hoá, khoa bảng, yêu nước, cách mạng, là vùng đất địa linh, nhân kiệt. Dân gian có câu “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện” để nói về ngôi làng có truyền thống hiếu học, trọng chữ, trọng hiền tài, trọng đạo nghĩa. Một làng quê luôn nghĩ nhưng điều thiện, nói điều thiện và làm nhiều việc thiện, được vua Minh Mạng đổi tên “Hành Cung Trang” thành “Làng Hành Thiện” từ năm 1823. Với truyền thống tốt đẹp đó, Hành Thiện là “cái nôi” đào tạo nhiều nhân tài, chính khách và trong bất cứ giai đoạn nào cũng ươm trồng, nuôi dưỡng những người con ưu tú cho đất nước. Trong đó, Tổng Bí thư Trường Chinh luôn là một biểu tượng tự hào, sống mãi trong trái tim của quê hương Hành Thiện.

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9.2.1907 trong một gia đình trí thức yêu nước tại Hành Thiện. Trong suốt cuộc đời, đảm nhận nhiều trọng trách lớn của Đảng, Nhà nước, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn hết lòng vì nước, vì dân. Tổng Bí thư là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đến thành công và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.

Trên con đường làng đẹp như cổ tích, người dân Hành Thiện hôm nay vẫn luôn luôn tự hào về vùng đất đã đào tạo nhiều nhân tài, chính khách và trong bất cứ giai đoạn nào cũng ươm trồng, nuôi dưỡng những người con ưu tú cho đất nước. Trong đó, Tổng Bí thư Trường Chinh luôn là một biểu tượng tự hào

“Nam Định, Xuân Trường và ngôi làng Hành Thiện luôn tự hào là quê hương, nơi sinh ra và nuôi dưỡng đồng chí Trường Chinh - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực; học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam. Ngoài vai trò là một lãnh đạo kiệt xuất, Tổng Bí thư còn là nhà lý luận, nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ lớn, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”, Phó Bí thư Thường trực huyện uỷ Xuân Trường Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh.

 Những phẩm cách, tác phong đạo đức, tài năng và tầm nhìn xa trông rộng  vốn đã được nuôi dưỡng, hun đúc từ chính truyền thống văn hoá của gia đình, quê hương, để sau này trong hành trình cống hiến vì sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, Tổng Bí thư Trường Chinh cũng đã có nhiều đóng góp trong sự phát triển của nền văn hoá, nổi bật là bản Đề cương, khởi thảo năm 1943.

Ngôi làng đẹp như cổ tích mang tên Hành Thiện những ngày kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam đầy ắp niềm tự hào về người con ưu tú. Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, nơi lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí, những ngày qua luôn tấp nập các đoàn khách tới dâng hương, tưởng niệm. Nhà lưu niệm tọa lạc tại dong 7, thôn Hành Thiện. Đồng chí Trường Chinh được sinh ra với tên gọi Đặng Xuân Khu, lớn lên rồi xây dựng gia đình cũng chính tại ngôi nhà này.

Hành Thiện là ngôi làng nổi tiếng cả nước với truyền thống văn hoá, khoa bảng, yêu nước, cách mạng, là vùng đất địa linh, nhân kiệt

Những giá trị truyền thống của gia đình và quê hương đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, nhân cách của đồng chí Trường Chinh. Ông nội của cố Tổng Bí thư là cụ Đặng Xuân Bảng, đỗ Tiến sĩ Khoa Bính Thìn (1856), là người có học vấn uyên thâm, hiểu sâu nhiều lĩnh vực và để lại cho đời nhiều tác phẩm giá trị. Thân phụ của Tổng Bí thư Trường Chinh là ông Đặng Xuân Viện, một nhà nho uyên bác, nhà khảo cứu giỏi trên nhiều lĩnh vực. Thân mẫu của đồng chí Trường Chinh là bà Nguyễn Thị Từ, người hết lòng phụng dưỡng chồng con…

Về Hành Thiện dịp kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam. chúng tôi đã có mặt tại ngôi nhà giản dị ấy. Những kỷ niệm về cuộc đời, tư tưởng và hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh theo dòng ký ức Hành Thiện cứ thế trở về. Chị Nguyễn Thị Thoa, cán bộ Trung tâm VHTT huyện Xuân Trường cho biết, năm 1994, ngôi nhà được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Bao năm qua, đã có rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước về đây dâng hương, tưởng niệm và tìm hiểu về cuộc đời giản dị, ý chí cách mạng kiên trung và những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Trường Chinh cho quê hương, đất nước. Ngôi nhà đã in dấu bao kỷ niệm, vui có, buồn có, vội vã có, thư thả cũng có. “Trong không gian nhà lưu niệm còn lưu giữ nhiều hiện vật gắn bó, liên quan đến đồng chí Trường Chinh và gia đình như: giường ngủ, bàn ghế, tủ sách, khung cửi…Từng hiện vật, góc nhà đều để lại biết bao bài học cho thế hệ hôm nay về truyền thống khoa bảng và lòng yêu nước vô bờ”, chị Thoa xúc động.

Chị Nguyễn Thị Thoa, cán bộ Trung tâm VHTT huyện Xuân Trường giới thiệu về Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh, nơi Tổng Bí thư  được sinh ra với tên gọi Đặng Xuân Khu, lớn lên rồi xây dựng gia đình...

Ngôi nhà cũng là nơi lưu giữ nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh từ năm 1928 đến thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954). Nơi đây có thời kỳ là cơ sở in tài liệu, sách báo tuyên truyền phục vụ cách mạng. Đồng thời còn là nơi nuôi giấu đồng chí Trường Chinh trong những lần về hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng tại quê nhà. Ngày nay, nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh vừa là nơi đón tiếp các đoàn  khách cùng nhân dân đến thăm viếng, vừa là nơi tuyên truyền, giáo dục tinh thần, truyền thống hiếu học, yêu nước và cách mạng của quê hương.

Tiếp nối những giá trị trường tồn

Với bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, Tổng Bí thư Trường Chinh là người đặt cơ sở lý luận cho việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam theo phương châm: dân tộc, khoa học và đại chúng. 80 năm sau, hậu thế nhìn lại và trân trọng, biết ơn những giá trị nền tảng mà bản cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hoá đã soi đường, chỉ lối.

Chia sẻ những câu chuyện, những kỷ niệm về ông nội mình, TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam xúc động: “Trong suốt cuộc đời ông, văn hóa và truyền thống luôn thấm đẫm. Điều đó thể hiện rất rõ trong con người đời thường, con người cách mạng và nhân cách sống của cố Tổng Bí thư”. TS. Đặng Xuân Thanh kể chuyện, những tính cách rất đặc trưng của cố Tổng Bí thư Trường Chinh là sự nghiêm cẩn, thận trọng, nguyên tắc trong công việc. Những tính cách này trở nên nổi tiếng và đã trở thành giai thoại, trở thành bí danh của cố Tổng Bí thư thời kỳ ông còn công tác. Trong cuộc sống gia đình, sự nghiêm cẩn, nguyên tắc cũng rất rõ rệt. Cả 3 người con trai của Tổng Bí thư đều trải qua quân ngũ. Gia đình nhiều người làm công tác nghiên cứu khoa học. Cho dù hoạt động trong lĩnh vực nào thì niềm say mê, sự cống hiến cũng đều xuất phát từ truyền thống gia đình.

Những tấm bia khuyến học, khuyến tài, tôn vinh truyền thống hiếu học, khoa bảng ở làng Hành Thiện

 Có lẽ vì sự nghiêm cẩn và chất văn hoá thấm đẫm đó mà từ năm 1943, Tổng Bí thư Trường Chinh, khi ấy còn rất trẻ đã khởi xướng Đề cương về văn hóa Việt Nam. Cho đến năm 1986, khi tuổi đã cao, Tổng Bí thư vẫn khởi xướng cho công cuộc đổi mới của Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử, Tổng Bí thư Trường Chinh cũng là người đi đầu các cuộc duy tân của đất nước.

 Nhiều năm sống và gắn bó với làng Hành Thiện, nhà giáo Nguyễn Đăng Hùng, ở tuổi 84 vẫn minh mẫn nhớ từng chi tiết nhỏ trong nhịp đập của ngôi làng. Với ông và những người dân đang sinh sống ở ngôi làng giàu bản sắc truyền thống này, Tổng Bí thư Trường Chinh mãi mãi là biểu tượng của niềm tự hào.

Nhiều năm sống và gắn bó với làng Hành Thiện, nhà giáo Nguyễn Đăng Hùng, ở tuổi 84 vẫn minh mẫn nhớ từng chi tiết nhỏ trong nhịp đập của ngôi làng

Hướng dẫn viên Nguyễn Thị Thoa chia sẻ, dù thời gian lùi xa, nhưng ký ức trong ngôi nhà lưu niệm ở làng Hành Thiện vẫn còn nguyên vẹn. Trong những năm qua, nhà lưu niệm đã đón tiếp nhiều đoàn khách, từ các bậc nguyên thủ, lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành đến các đoàn khách trong và ngoài nước, học sinh, sinh viên… “Chúng tôi luôn ý thức trách nhiệm của mình khi được làm việc tại “địa chỉ đỏ” này, hàng ngày được kể những câu chuyện, chuyển tải những thông điệp thiêng liêng về cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư Trường Chinh, nhà cách mạng lỗi lạc, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong những ngày cả nước sôi nổi tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam, ngôi nhà lịch sử này đã đón tiếp rất nhiều đoàn khách về thăm và tưởng nhớ Người…”, chị Thoa bộc bạch.

Những ngày kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam, nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh luôn tiếp đón nhiều đoàn khách đến dâng hương, tưởng niệm

Nhà giáo Nguyễn Đăng Hùng tâm sự: “Dù bận trăm công ngàn việc, nhưng trong trái tim Người luôn có một vị trí đặc biệt dành cho quê hương. Năm 1960, tôi chứng kiến hình ảnh đồng chí Trường Chinh về thăm quê. Bác nói: “Làng Hành Thiện này rất giàu truyền thống hiếu học, trọng chữ, trọng hiền tài nên chúng ta cố gắng phát huy truyền thống đó...”, rồi thăm hỏi từng người dân trong làng, ân cần, gần gũi…”. Hai lần về thăm quê sau này vào các năm 1981, 1987, hình ảnh của Tổng Bí thư Trường Chinh tiếp tục để lại dấu ấn khi đồng chí dành nhiều  thời gian gặp gỡ người dân, lắng nghe ý kiến của mọi người, giải thích thêm về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tổng Bí thư Trường Chinh cũng ân cần thăm hỏi sức khoẻ và đời sống của mọi người, khen ngợi thành tích chiến đấu, lao động và học tập với tất cả tình cảm yêu thương của người con đi xa lâu ngày trở về. Người nói: “Vì bận công việc của Đảng nên tôi không về thăm được bà con. Tuy ở xa nhưng trái tim tôi lúc nào cũng hướng về quê hương và bà con quê nhà…

Mạch nguồn truyền thống đã nuôi dưỡng ý chí, lý tưởng cách mạng để Tổng Bí thư Trường Chinh đóng góp cho cách mạng, trong đó có những tư tưởng lớn về văn hoá của Đảng, thể hiện trong bản đề cương năm 1943 mà đồng chí là người khởi thảo

“Những ký ức đó đã vun đắp và làm dầy hơn truyền thống quê hương. Tổng Bí thư Trường Chinh luôn hướng về quê hương và quê hương luôn tự hào về một người con ưu tú. Mạch nguồn truyền thống đã nuôi dưỡng ý chí, lý tưởng cách mạng để Tổng Bí thư Trường Chinh đóng góp cho cách mạng, trong đó có những tư tưởng lớn về văn hoá của Đảng, thể hiện trong bản đề cương năm 1943 mà đồng chí là người khởi thảo. Qua 80 năm, những định hướng tư tưởng trong bản đề cương được kế thừa, phát triển. Chúng tôi cảm thấy vui mừng vì từ những đường hướng ấy đã trở thành phương châm, truyền thống để thế hệ hôm nay tiếp bước, noi theo…”, ông Nguyễn Đăng Hùng nói.

Phó Bí thư Thường trực huyện uỷ Xuân Trường Phạm Minh Tuấn khẳng định, kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam không chỉ là dịp để nhìn lại mà còn là sự tiếp nối truyền thống tự hào của quê hương 

Phó Bí thư Thường trực huyện uỷ Xuân Trường Phạm Minh Tuấn chia sẻ, quê hương Xuân Trường luôn tự hào với bề dày truyền thống cách mạng và bản sắc văn hoá của mình. Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam, đối với Hành Thiện nói riêng, huyện Xuân Trường nói chung là dấu ấn vô cùng đặc biệt. “Chúng tôi luôn ý thức rằng đây không chỉ là dịp để nhìn lại mà còn là sự tiếp nối. Khu lưu niệm đồng chí Trường Chinh, các công trình thuộc Quần thể lưu niệm Tổng Bí thư là những công trình văn hoá có ý nghĩa lịch sử, chính trị sâu sắc, được Đảng bộ và nhân dân Xuân Trường luôn chú trọng bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị để đồng bào cả nước và khách nước ngoài về thăm quan, nghiên cứu, học tập và tưởng niệm Tổng Bí thư Trường Chinh và là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các thế hệ….”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Bằng văn hoá và từ văn hoá, niềm tin và khát vọng xây dựng, chấn hưng nền văn hoá dân tộc của thế hệ hôm nay, trong sâu thẳm đã được bắt nguồn từ những tư tưởng, những giá trị cốt lõi mà Tổng Bí thư Trường Chinh viết nên trong bản đề cương lịch sử 80 năm về trước.

PHƯƠNG ANH- TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top