Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Màu xanh sau những đau thương ở Sơn Mỹ

Thứ Tư 15/03/2023 | 06:46 GMT+7

VHO- 55 năm về trước, chỉ trong sáng 16.3.1968, tại làng quê Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi), 504 đồng bào Sơn Mỹ, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em đã vĩnh viễn lìa giã cõi đời một cách bi thương. Sau ngày đất nước hòa bình, cũng là lúc những người nông dân tất bật với cuộc sống và đang làm nên những kỳ tích mới trên bước đường xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hồi sinh sự sống
Chúng tôi men theo con đường làng qua cánh đồng thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê hiện ra trước mắt là những cây dừa xiêm xanh mơn mởn vươn mình dưới nắng. Ông Nguyễn Hồng Mân (70 tuổi) cho biết, gia đình ông có người thân mất trong vụ thảm sát, bản thân ông may mắn sống sót, sau ngày giải phóng đến nay ông bắt đầu khôi phục phát triển kinh tế để nuôi 4 người con trưởng thành. Không ngại khó, từ một vùng đất trồng lúa không hiệu quả cùng với khai hoang ông đã trồng 1 ha dừa xiêm, gần 500 cây dừa. Đến nay, dừa đã cho những quả ngọt. 

Dừa xiêm của ông Nguyễn Hồng Mân, thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê cho thu hoạch những quả ngọt 

“Tôi làm rất cật lực, lấy sức lao động làm để có sức khỏe, biến đau thương mất mát thành động lực. Trước kia tôi làm mỗi năm được 300 bao lúa, chăn nuôi heo, bò. Nhờ cơ chế nhà nước tạo điều kiện vay ngân hàng phát triển kinh tế tôi làm nhà, đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Bản thân tôi mong muốn trên thế giới không có Sơn Mỹ thứ 2 nữa”, ông Mân chia sẻ.

Sơn Mỹ những ngày tháng Ba, trên khắp cánh đồng làng đều trải mượt một màu xanh của lúa

Sơn Mỹ những ngày tháng Ba, trên khắp cánh đồng làng đều trải mượt một màu xanh của lúa. Những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi núp bóng dưới rặng dừa. Thật khó có thể tưởng tượng, nơi đây, cũng dưới cánh đồng lúa xanh mơn mởn, những rặng dừa, những ngôi nhà thân thương kia, cách đây 55 năm xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng. Ông Nguyễn Tri (83 tuổi) thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê bộc bạch, nỗi đau mất mát tuy vẫn còn nguyện vẹn trong tâm trí nhưng người dân ở đây ai cũng hiểu rằng họ phải mạnh mẽ đứng lên từ những đau thương. Thấm thía nỗi đau chiến tranh, họ mong muốn con em mình được lớn lên trong môi trường giáo dục tốt nhất để những đứa trẻ ấy có thể hiểu được hòa bình mà chúng đang được sống quý giá đến nhường nào. 
“Vết thương nào rồi cũng sẽ lành. Giờ thấy cuộc sống yên bình, tôi thấy nguôi ngoai, so với trước kia thì bây giờ kinh tế đời sống học hành của con cháu phát triển gấp trăm lần. Quê hương phát triển tôi rất vui mừng”.
Điểm đến của những người yêu chuộng hòa bình
Sơn Mỹ ngày nay còn là một trong những địa chỉ du lịch nổi tiếng ở Quảng Ngãi, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tại Khu chứng tích Sơn Mỹ nơi gìn giữ một khu vực chứng tích hiện trường, trưng bày hình ảnh, hiện vật và đặt tượng đài tưởng niệm 504 nạn nhân. Gần nửa thế kỷ qua, Khu Chứng tích Sơn Mỹ đã trở thành điểm đến của khát vọng hòa bình. Từ đầu năm 2023 đến nay, Khu chứng tích Sơn Mỹ đã đón trên 4.000 lượt khách đến tham quan. Những ngày tháng Ba này, nhân tưởng niệm 55 năm ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ, nhiều đoàn khách đã về viếng hương tại khu chứng tích.

Nhân tưởng niệm 55 năm ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ, nhiều đoàn khách đã về viếng hương tại khu chứng tích

Thầy Ca Văn Bê, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam chia sẻ, trường đưa học sinh tham quan các điểm di tích lịch sử trong đó có Khu chứng tích Sơn Mỹ. “Tôi cũng như các thầy cô giáo ở trường và học sinh đã nghe, đã đọc nhiều về Sơn Mỹ nhưng vẫn muốn đến đây để tận mắt chứng kiến và chia sẻ nỗi đau của hơn nửa thế kỷ trước. Đến đây, như một hành trình tìm đến với hòa bình, để chia sẻ nỗi đau với người dân Sơn Mỹ”, thầy Ca Văn Bê bày tỏ.

Những hình ảnh được trưng bày ở Khu chứng tích Sơn Mỹ

Bà Phan Thị Vân Kiều, Giám đốc Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ cho biết, từ là một biểu tượng cho nỗi đau trong chiến tranh, Sơn Mỹ giờ đây đã trở thành điểm đến của hòa bình, thân thiện và hiếu khách. Năm 2022, Khu chứng tích Sơn Mỹ đón gần 25 nghìn du khách, trong đó khách nước ngoài 3.000 lượt, khách đến từ các quốc gia khác nhau. Trong số đó, có không ít những cựu binh Mỹ. Tại khu Chứng tích Sơn Mỹ, có hơn 500 tư liệu, hiện vật, hình ảnh về vụ thảm sát Sơn Mỹ được trưng bày. 

Làng quê Sơn Mỹ phát triển có nhiều đổi thay

Ông Võ Minh Chính, Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê cho biết, những năm gần đây, xã Tịnh Khê đã có bước phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc. Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng. Trường học từ bậc mầm non đến THPT đều đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống kênh mương nội đồng được kiên cố hóa, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất. Đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Tiếp tục đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu. Duy trì 100% thôn và cơ quan đạt chuẩn văn hóa; tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá đạt trên 93%; nâng cao chất lượng các phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng, tăng cường công tác tuyên truyền cổ động trực quan; quản lý sử dụng tốt các thiết chế văn hóa.

NHƯ ĐỒNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top