Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nhiều di tích có nguy cơ biến mất

Thứ Tư 15/03/2023 | 10:16 GMT+7

VHO-  “Có trường hợp di tích chưa được xếp hạng đang nằm ngoài tầm nhìn lẫn tầm với của các cơ quan quản lý. Điều này dẫn đến nhiều di tích hàng trăm năm tuổi, rất có giá trị về lịch sử và văn hóa đã trở thành “1 năm tuổi”, thậm chí đã một đi không trở lại”…

 Di tích bị “lãng quên” do gặp các vấn đề như không có biển giới thiệu, hoặc có thì bị cũ, che khuất, khó nhìn, khó đọc, chưa được vệ sinh thường xuyên (ảnh minh họa)

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng đã nhận định như vậy tại Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị di tích vừa tổ chức tại huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Tại đây, các đại biểu đã đưa ra những yêu cầu về quản lý, phát huy giá trị di tích, tháo gỡ khó khăn trong lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích. Trong đó, nổi bật là vấn đề rà soát, thống kê, quản lý hệ thống di tích di sản trên địa bàn thành phố nói chung.

Lập hồ sơ xếp hạng di tích là cách bảo vệ hiệu quả

Trên thực tế, tại huyện Hòa Vang vẫn còn một số di tích, di sản cần được huyện tiếp tục chủ động phối hợp với Sở VHTT thông qua Trung tâm Quản lý Di sản văn hóa của Bảo tàng Đà Nẵng để nghiên cứu lập hồ sơ khoa học đề nghị TP xếp hạng, chẳng hạn như Nhà thờ Phú Thượng thuộc địa phận xã Hòa Sơn, khánh thành vào năm 1887, Nhà thờ Tùng Sơn cũng thuộc địa phận xã Hòa Sơn, khánh thành vào năm 1904…

Ông Lê Văn Phúc, cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng thông tin, hiện nay nhiều di tích trên địa bàn TP đang bị xuống cấp nghiêm trọng, bị “biến dạng” do người dân chưa được biết tới. “Di tích bị lãng quên do gặp các vấn đề như không có biển giới thiệu, hoặc có thì bị cũ, che khuất, khó nhìn, khó đọc, chưa được vệ sinh thường xuyên. Bản thân các di tích lịch sử cách mạng chưa hấp dẫn khách tham quan do tình trạng xuống cấp, các hiện vật trưng bày bổ sung không được bảo quản, thiếu giải pháp kỹ thuật trưng bày hiện đại, đội ngũ thuyết minh cho di tích thiếu chuyên môn, các yếu tố tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn khác có giá trị về du lịch chưa được kết hợp nghiên cứu đúng mức…”, ông Phúc nói.

Theo ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng VHTT huyện Hòa Vang, riêng huyện Hòa Vang có 33 di tích đã xếp hạng, trong đó có 6 di tích cấp quốc gia, 27 di tích cấp thành phố, một số đang được lập hồ sơ để xếp hạng. Đối với các di tích chưa được xếp hạng, nguồn tư liệu, thông tin rất ít và bị thất lạc, những người nắm thông tin về di tích thì già yếu và phần lớn đã mất, do đó, để lập được hồ sơ khoa học đòi hỏi phải tốn rất nhiều thời gian nghiên cứu, điều tra, sưu tầm.

“Công trình chưa xếp hạng là các bia, biển có quy mô nhỏ không đủ tiêu chí để xếp hạng theo Luật Di sản. Quan điểm của Phòng VHTT huyện là nên quy hoạch xây dựng một vài công trình tiêu biểu, để quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều địa phương cũng đề xuất được xây dựng thêm nhưng UBND TP đã có quy hoạch mạng lưới bia, biển, công trình hoành tráng, những công trình nằm ngoài danh mục sẽ không được chấp thuận chủ trương đầu tư. Còn những “di tích trăm tuổi biến thành một năm tuổi” là việc trùng tu sai, Hòa Vang không có trường hợp xóa bỏ di tích để làm mới. Di tích xuống cấp chúng tôi sẽ nhanh chóng đề xuất trùng tu hết. Hệ thống di tích được xếp hạng và đăng ký bảo vệ tại Hòa Vang không có cái nào bị xâm hại hoặc biến dạng…”, ông Tân khẳng định.

Tăng cường phối hợp, nâng cao trách nhiệm quản lý

TS Lê Thị Mai, ThS Tăng Chánh Tín (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) cho rằng, để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích có hiệu quả, cần có sự liên kết chặt chẽ từ huyện Hòa Vang với các quận, huyện của TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, vốn thuộc về huyện Hòa Vang trước đây.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng nhấn mạnh: “Không thể quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích một cách hiệu quả nếu không có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương lân cận. Đặc biệt là với những trường hợp di tích nằm trên cả 2 địa bàn lân cận như Căn cứ Huyện ủy Hòa Vang vừa nằm ở Hòa Phú vừa nằm ở Hòa Khương. Có di tích lại nằm trên địa phận 2 phường, xã của 2 quận, huyện như trường hợp mộ Ông Ích Đường nằm phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, còn miếu thờ lại ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang”. Với những trường hợp di tích cùng có vị trí địa lý liên quan tới địa phương khác, theo ông Bùi Văn Tiếng, huyện Hòa Vang phải chủ động phối hợp với Sở VHTT TP thông qua Trung tâm Quản lý Di sản văn hóa của Bảo tàng Đà Nẵng để nghiên cứu lập hồ sơ khoa học, đề nghị UBND TP quyết định xếp hạng các di tích cấp TP trên địa bàn huyện. Là cơ quan quản lý, Sở VHTT phải thường xuyên kiểm kê và liên tục cập nhật, bao gồm nhận diện, xác định giá trị và lập danh mục đối với toàn bộ di tích, di sản đã được xếp hạng và chưa được xếp hạng trên địa bàn.

Sở VHTT Đà Nẵng cho biết, trên cơ sở đề xuất của UBND huyện Hòa Vang, trong thời gian tới, Sở VHTT giao cho Bảo tàng Đà Nẵng xây dựng kế hoạch lập 4 hồ sơ khoa học cho các di tích trên địa bàn huyện đáp ứng đủ tiêu chí xếp hạng để trình UBND TP xem xét, công nhận di tích cấp thành phố. Tuy nhiên, trong công tác quản lý, Sở VHTT Đà Nẵng cũng còn những bất cập mang tính tồn đọng, có tác động tiêu cực đến di tích, di sản như công tác lập quy hoạch còn chậm và chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển của địa phương, trong khi quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh đã khiến nhiều di tích, công trình có giá trị bị hủy hoại hoặc mất đi yếu tố nguyên gốc. 

MINH CHÂU

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top