“Bùng nổ” các cuộc thi nhan sắc kém chất lượng (Bài 1): Vì sao biết sai mà... vẫn cứ thi?

VHO- So với Nghị định 79/2012/NĐ/CP của Chính phủ, Nghị định 144/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã mở rộng cánh cửa cho các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp, người mẫu (gọi chung là cuộc thi nhan sắc) theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, được đánh giá tạo thuận lợi để các tổ chức, cá nhân sáng tạo và hưởng thụ giá trị văn hóa nghệ thuật… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã xuất hiện khá nhiều cuộc thi “chui”, thi “lậu”, gây bức xúc trong dư luận với sự châm biếm “ra ngõ là gặp hoa hậu”. Phải chăng, đơn vị tổ chức chỉ cần xin phép cơ quan chức năng tại địa phương nên tạo sự dễ dãi hay còn lý do nào khác?

“Bùng nổ” các cuộc thi nhan sắc kém chất lượng (Bài 1): Vì sao biết sai mà... vẫn cứ thi? - Anh 1

 Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 bị xử phạt do vi phạm "tổ chức thi người đẹp không có văn bản chấp thuận" (Nguồn ảnh: Miss Peace Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam)

Tổ chức đấu trường nhan sắc theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” dù đã bị cảnh báo, xử phạt, nhưng dường như chẳng nhằm nhò gì so với mối lợi trước mắt mang lại cho cả nhà tổ chức lẫn thí sinh. Nhiều cuộc thi tầm cỡ “ao làng”, thậm chí cười ra nước mắt đã bị phanh phui trước bàn dân thiên hạ, khiến danh xưng hoa hậu ngày càng trở nên “vàng thau lẫn lộn”.

 Đã nới lỏng nhưng vẫn thi “chui”

Nghị định 144 của Chính phủ về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (có hiệu lực từ ngày 1.2.2021) không giới hạn số lượng cuộc thi người đẹp với mục đích tạo môi trường pháp lý bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân; hạn chế tình trạng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, thi chui, trái phép...

Theo đó, BTC không cần xin phép Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) mà chỉ cần UBND tỉnh, thành phố hoặc Sở VHTTDL… nơi diễn ra cuộc thi chấp thuận. Việc cấp phép cho thí sinh Việt Nam tham dự đấu trường nhan sắc quốc tế cũng được xóa bỏ, cùng với đó là bỏ quy định cấm phẫu thuật thẩm mỹ. Rõ ràng, Nghị định 144 đã cởi mở hơn rất nhiều so với trước đây, tuy nhiên, điều khó hiểu là tình trạng thi không xin phép vẫn ngang nhiên diễn ra.

Cách đây không lâu, dư luận “nóng” trước thông tin cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và phát hiện Công ty TNHH Hương Giang Entertainment tổ chức cuộc thi “Hoa hậu chuyển giới Việt Nam 2023” tại quận 12, TP.HCM nhưng không xin phép. Dù đã được Sở VHTT TP.HCM “tuýt còi”, yêu cầu dừng hoạt động nhưng đêm chung kết vẫn… tưng bừng diễn ra. Với vi phạm trên, Sở VHTT TP.HCM đã xử phạt hành chính 55 triệu đồng đơn vị tổ chức (áp dụng theo Nghị định 38 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo). Mới đây nhất, Sở VHTT TP.HCM cho biết đang phối hợp các cơ quan liên quan xử lý đơn vị tổ chức cuộc thi “Hoa hậu và Nam vương Hoàn vũ Thế giới quốc tế 2023” vì chưa được cấp phép. Trước đó, hồi tháng 3.2023, cuộc thi “Miss Petite Vietnam 2023 - Hoa hậu Nhân ái Việt Nam” bị cơ quan chức năng yêu cầu tạm ngưng buổi công bố cuộc thi sau khi chương trình bắt đầu được vài phút, với lý do chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý.

Cũng liên quan đến việc tổ chức thi sắc đẹp “chui”, năm 2022, Công ty Minh Khang, đơn vị tổ chức cuộc thi “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam - Miss Peace Vietnam 2022” đã bị xử phạt 55 triệu đồng do vi phạm “tổ chức thi người đẹp không có văn bản chấp thuận”. Trong năm 2022, Sở VHTT TP.HCM đã xem xét, xử lý sai phạm của đơn vị tổ chức cuộc thi “Hoa hậu Thiếu niên Việt Nam 2022” vì đây là sự kiện không chính thống, chưa được cấp phép. Hay tại Đà Nẵng, đơn vị tổ chức “Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022” bị phạt 20 triệu đồng vì tổ chức không đúng với đề án được cấp phép: Trao giải không có trong đề án, thay đổi thành phần BGK, BTC nhưng không thông báo đến cơ quan chức năng. Cùng lỗi vi phạm Nghị định số 38, đơn vị tổ chức cuộc thi “Hoa khôi Nam Bộ 2022” bị Sở VHTTDL Cần Thơ xử phạt 25 triệu đồng. Thế nhưng, các cuộc thi “chui” vẫn liên tục diễn ra.

Trong năm 2023, Sở VHTT TP.HCM cho biết chỉ chấp thuận tổ chức 6 cuộc thi nhan sắc gồm: Hoa hậu Sắc đẹp quốc tế - Miss Charm 2023 (đã diễn ra); Hoa hậu Hòa bình Việt Nam; Miss Grand International 2023; Hoa hậu Quốc gia Việt Nam, Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam; Hoa hậu Thế giới Việt Nam - Miss World Vietnam 2023, đồng nghĩa với việc một số cuộc thi đang hoặc sắp diễn ra, nếu không có văn bản chấp thuận từ các địa phương, có nghĩa là tổ chức khi giấy phép… chưa kịp cấp.

“Bùng nổ” các cuộc thi nhan sắc kém chất lượng (Bài 1): Vì sao biết sai mà... vẫn cứ thi? - Anh 2

Mặc dù cuộc thi “Hoa hậu chuyển giới Việt Nam 2023” bị Sở VHTT TP.HCM “tuýt còi” dừng hoạt động, nhưng đêm Chung kết vẫn tưng bừng diễn ra, sau đó phải nhận án phạt 55 triệu đồng Ảnh: BTC

Vì đâu nên nỗi?

“Thông thoáng” không đồng nghĩa với “thả nổi”, Nghị định 144 đã nêu rõ những quy định về điều kiện, thủ tục tổ chức cuộc thi, điều kiện đối với cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi cũng như thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi nếu vi phạm các điều khoản. Đặc biệt, Nghị định cũng đề cao vai trò của công tác hậu kiểm; các cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm thanh tra và có chế tài xử lý vi phạm một cách triệt để.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế gần đây nhất, cuộc thi “Hoa hậu chuyển giới Việt Nam 2023” dù diễn ra không phép và bị yêu cầu dừng ngay lập tức, nhưng BTC không những không chấp hành mà vẫn cho diễn ra đến cuối buổi. Điều này dấy lên làn sóng phẫn nộ từ dư luận về tình trạng coi thường pháp luật. Theo đó, ca sĩ Hương Giang là người có nhiều năm hoạt động trong giới giải trí ở vai trò ca sĩ, hoa hậu, giám khảo và đồng tổ chức một số cuộc thi, chương trình, gameshow… vì vậy hơn ai hết, Hương Giang phải hiểu những thủ tục bắt buộc để có thể tổ chức một cuộc thi nhan sắc. Thậm chí, trước đó chương trình đã bị nhắc nhở tới 2 lần khi tiến hành họp báo. Phải chăng, quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này vẫn chưa đủ sức răn đe vì quá nhẹ? Hay mức phạt từ vài triệu đến vài chục triệu đồng là quá ít so với lợi nhuận mà đơn vị tổ chức thu về. Như sau đêm chung kết “Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022”, Á hậu 3 cuộc thi là bà Đặng Thị Hương đã lên tiếng tố BTC cuộc thi “mua bán giải”. Bà Hương cho biết đã chi 800 triệu đồng để có giải Á hậu 3 nhưng vẫn phải tốn thêm nhiều chi phí khác. Điều đó cho thấy, với một số cuộc thi “lậu”, các thí sinh chấp nhận đóng phí để thi thố, nên nếu đơn vị tổ chức có bị phạt thì con số ấy cũng “không thấm vào đâu” so với lợi nhuận mà nó mang lại.

So với các địa phương khác, TP.HCM thực hiện việc phân cấp mạnh mẽ Nghị định 144. UBND TP giao việc “chấp thuận tổ chức” (cấp phép) các cuộc thi người đẹp, người mẫu… về Sở VHTT TP.HCM. Đây cũng là địa phương có các cuộc thi sắc đẹp chiếm số lượng lớn nhất cả nước.

Trao đổi với Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, từ khi Nghị định 144 được ban hành, đã có rất nhiều cuộc thi người đẹp, người mẫu trên cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng được tổ chức, làm cho hoạt động văn hóa nghệ thuật trở nên sôi động, đa dạng, hấp dẫn. Tuy nhiên, bên cạnh những cuộc thi uy tín, chuyên nghiệp thì vẫn còn một số cuộc thi kém chất lượng, chưa đáp ứng được kỳ vọng của công chúng, đồng thời còn tồn tại một số cuộc thi người đẹp chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

“Việc một số tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm các quy định nói trên, ngoài nguyên nhân chế tài chưa đủ mạnh, không đủ sức răn đe thì chúng tôi cho rằng chủ yếu là do yếu tố thương mại. Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa là ý thức và hiểu biết pháp luật của thí sinh còn hạn chế, đa số không tìm hiểu cuộc thi mình tham gia đã được cấp phép hay chưa”, bà Thanh Thúy nhấn mạnh và cho biết thêm, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, Sở VHTT nhận thấy một số đơn vị, cá nhân tổ chức các cuộc thi thực hiện rất nhiều hình thức tinh vi để “lách luật”, gây khó khăn đối với công tác đấu tranh, xử lý. Cũng theo Sở VHTT TP, trên thực tế có những cuộc thi không vi phạm quy định nhưng chất lượng lại quá thấp, từ cách thức tổ chức, quy mô cho đến mặt bằng thí sinh… Điều đó là thiếu công bằng đối với các cuộc thi được đầu tư chuyên nghiệp, có chất lượng tốt, tạo được uy tín đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng như công chúng. “Thời gian tới, Sở VHTT TP sẽ tham mưu và đề xuất với Bộ VHTTDL một số giải pháp để góp phần khắc phục những điểm chưa phù hợp này”, bà Thanh Thúy cho biết. 

 Show thời trang phản cảm của NTK Tường Danh bị đề xuất phạt 85 triệu đồng

Mới đây, tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM, đại diện Sở VHTT TP cho biết đã tham mưu và trình UBND TP ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Objoff về hành vi: Tổ chức biểu diễn, thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật có sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc…

Trước đó, NTK Tường Danh tổ chức show thời trang New Tradition (tạm dịch: Truyền thống mới) tại TP Thủ Đức, TP.HCM. Tuy nhiên, show diễn đã gây nhiều ý kiến trái chiều và bức xúc trong dư luận, khi người mẫu trình diễn áo yếm cách điệu, đội nón quai thao, để lộ phần lưng và… trọn vẹn vòng ba. Sở VHTT TP.HCM đã xác minh được đơn vị vi phạm là Công ty TNHH Objoff (trụ sở tại số 73, đường số 4, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức). Sở đề xuất phạt tiền 85 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

HỒNG HẠNH - THÙY TRANG

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc