Để Đà Lạt là thành phố sáng tạo của UNESCO về âm nhạc: Âm nhạc phải có giá trị then chốt

VHO- Là một trong 9 thành phố của Việt Nam tham gia đề án “Phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO” do Bộ VHTTDL thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đang gấp rút xây dựng hồ sơ đăng ký gia nhập với tư cách là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc.

Để Đà Lạt là thành phố sáng tạo của UNESCO về âm nhạc: Âm nhạc phải có giá trị then chốt - Anh 1

Nếu gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo về âm nhạc của UNESCO sẽ góp phần định vị và nâng tầm đối với thành phố Đà Lạt

Bên cạnh những lợi thế thì cũng có vô vàn những thách thức đang chờ đợi trước mắt.

Nhìn từ thực lực

Là một thành phố hoàn toàn nằm lọt thỏm trên cao nguyên Lâm Viên hùng vĩ, Đà Lạt ngày nay được biết đến là một trong những lựa chọn hàng đầu cả nước trong lĩnh vực du lịch, nghĩ dưỡng. Bên cạnh các hình thức du lịch nghỉ dưỡng đã khẳng định được vị thế, trong những năm trở lại đây, hình thức du lịch âm nhạc cũng đã dần trở nên phổ biến và là lựa chọn hàng đầu đối với du khách.

Đầu tiên phải kể đến chính là hình thức du lịch trải nghiệm văn hóa âm nhạc cồng chiêng. Nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng gắn liền với các dân tộc định cư lâu đời tại đây từ hàng trăm năm trước. Loại hình diễn tấu này đã và đang được địa phương quan tâm đặc biệt trong vấn đề bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Hằng năm, trong những lễ hội của người C’Ho, Chu Ru, Mạ tại đây đều bắt buộc phải có diễn tấu cồng chiêng. Đến nay bộ môn nghệ thuật truyền thống này đã được phát triển và hội nhập ngày càng mạnh mẽ trở thành những món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân và du khách khi đến đây. Điều này đã vừa góp phần bảo tồn và phát triển loại hình âm nhạc truyền thống, vừa làm tăng thêm sự đa dạng về sản phẩm du lịch trong thu hút ngày càng nhiều hơn du khách đến với địa phương.

Ngoài ra, một loại hình âm nhạc nữa đang ngày có chỗ đứng tại Đà Lạt là âm nhạc gắn với thiên nhiên. Đó là những show biểu diễn âm nhạc ngoài trời với địa điểm là những quán cà phê, homestay có view thiên nhiên. Sự kết hợp giữa các không gian như rừng thông, đồi núi, thung lũng, mây với các giá trị văn hóa đương đại phương Đông và phương Tây đã tạo nên sự cộng hưởng hoàn hảo giữa cảnh quan thiên nhiên, âm nhạc tại đây. Cũng chính từ sự mới lạ này nên đã có ngày càng nhiều các ca sĩ nổi tiếng lựa chọn đến Đà Lạt biểu diễn.

Không chỉ thế, âm nhạc đường phố cũng khá phát triển tại Đà Lạt. Sẽ không khó để có thể tìm thấy những nghệ sĩ đàn hát vào mỗi tối cuối tuần tại các điểm công cộng của thành phố như chợ đêm Đà Lạt, khu phố Hòa Bình hay Quảng trường Lâm Viên.

Trong lịch sử 130 năm hình thành và phát triển, ở mỗi một giai đoạn, thời kỳ Đà Lạt đều tạo ra được sự rung cảm về nghệ thuật, thơ ca, hội họa và đặc biệt là âm nhạc. Cho đến nay, thành phố này đã có vốn liếng cho mình với hơn 300 ca khúc hát về Đà Lạt, trong đó có những ca khúc đã đi sâu vào lòng người.

Nhiều đòi hỏi hơn thế

Đã sở hữu điều kiện cần là nền tảng đang có, tuy nhiên bấy nhiêu đó là chưa đủ để có thể biến Đà lạt trở thành thành phố sáng tạo về âm nhạc của UNESCO, khi mà tổ chức này có những đòi hỏi và yêu cầu nhiều hơn thế.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, về mặt nguyên tắc Đà Lạt cần có những sáng kiến có thể đảm bảo được tôn trọng các biểu đạt đa dạng về văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc và có tính tích hợp, kết nối với các lĩnh vực còn lại. Bên cạnh đó, các giải pháp đề ra phải thu hút được các cộng đồng sáng tạo. Ngoài ra, các sáng kiến phải đảm bảo được âm nhạc chính là một trong những giá trị then chốt tạo ra sự dịch chuyển, phát triển và sự kết nối của thành phố trong lộ trình phát triển mang tính bền vững.

NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam nhấn mạnh, mặc dù sở hữu di sản văn hóa cồng chiêng đặc sắc, cùng kho tàng đồ sộ các ca khúc viết về thành phố, tuy nhiên Đà Lạt cần phải phát triển nhiều thể loại và hình thức hơn. Cũng đồng quan điểm, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, Đà Lạt cần phải coi công nghiệp sáng tạo, cụ thể hơn là công nghiệp âm nhạc phải đóng vai trò quan trọng hàng đầu và phải tạo ra được các giá trị kinh tế và tinh thần nhất định, ngày càng đóng góp cao hơn cho kinh tế xã hội địa phương.

TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) lưu ý, sau khi thành phố đã đưa ra kế hoạch hành động trong đơn đăng ký, thì bắt buộc phải thực hiện cho bằng được và có những kết quả cụ thể, nếu không sau 4 năm danh hiệu sẽ bị thu hồi. Chính vì vậy, thành phố cần bố trí đầy đủ các nguồn lực về tài chính, nhân lực và đặc biệt là cần phải có đầu nối làm công tác hợp tác quốc tế đủ năng lực, trình độ ngoại ngữ để có thể trao đổi với các thành phố trong mạng lưới.

Để Đà Lạt là thành phố sáng tạo của UNESCO về âm nhạc: Âm nhạc phải có giá trị then chốt - Anh 2

 Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đóng góp ý kiến tại Hội thảo quốc tế "Tham vấn xây dựng hồ sơ TP Đà Lạt gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO"

Sẽ được gì khi gia nhập mạng lưới?

Đó là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc khi đề cập đến vấn đề Đà Lạt sau khi gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UNESCO Creative Cities Network - UCCN).

Được khởi xướng vào năm 2004 với mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành phố lấy sáng tạo là yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững. UCCN đã tập trung vào nhiều lĩnh vực sáng tạo đa dạng, các thành phố nằm trong hệ thống cùng cam kết đóng góp vào tầm nhìn chung của mạng lưới thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, phát triển quan hệ đối tác, tôn trọng sự đa dạng và đảm bảo sự tích hợp của văn hóa, sáng tạo vào mọi mặt của đời sống xã hội. Với tôn chỉ và tầm nhìn này, UCCN đã đón nhận sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng quốc tế. Tính đến năm 2023, 301 thành phố đã gia nhập mạng lưới này, trong đó có 61 thành phố đăng ký với lĩnh vực âm nhạc.

Theo TS Nguyễn Phương Hòa, việc gia nhập mạng lưới sẽ mang lại nhiều cơ hội cho mỗi thành phố thành viên. Đó là sẽ đẩy mạnh sự sáng tạo, cũng như giá trị được gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa vào nền kinh tế địa phương; tạo công ăn việc làm, doanh thu cũng như tăng cường tính cạnh tranh của thành phố; tăng cường khả năng tiếp cận và sự tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng, tăng cường kết nối xã hội thông qua tạo dựng niềm tự hào của cộng đồng, sáng tạo về những tài sản của thành phố mình, khơi gợi sự sáng tạo và cống hiến của cộng đồng tại địa phương; bảo vệ, duy trì và phát huy sự đa dạng độc đáo về văn hóa, tạo dựng các không gian sáng tạo; thúc đẩy hợp tác quốc tế, chia sẽ những kinh nghiệm, chiến lược, chính sách cũng như cách thực hành tốt giữa các thành phố thành viên, cùng tham gia các dự án, sáng kiến về văn hóa ở cấp liên quốc gia, liên khu vực, kết nối các nghệ sĩ, các doanh nghiệp trong môi trường quốc tế, tiếp cận được thị trường quốc tế, tạo công nghệ tiên tiến hiện đại; góp phần xây dựng thương hiệu và tăng cường quảng cáo hình ảnh cho thành phố.

Bởi vậy nếu nhập mạng lưới, ngoài việc giúp Đà Lạt trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam được công nhận là phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc, còn góp phần biến Đà Lạt trở thành một trung tâm công nghiệp văn hóa mới của Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á.

 THÀNH KHIÊM

Ý kiến bạn đọc