Chính sách điều trị Covid-19 sẽ thay đổi khi chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

VHO- Dự kiến, quyết định chuyển dịch bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B sẽ được ban hành trong tháng 6. Cùng với đó là các hướng dẫn chuyên môn cũng đồng thời được xây dựng, và có hiệu lực.

Chiều 14.6, tại buổi tọa đàm – trao đổi thông tin y tế do Bộ Y tế tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, khi Covid-19 chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B thì chính sách điều trị sẽ thay đổi, người bệnh không được điều trị miễn phí nữa. Tuy nhiên, người dân khi điều trị Covid-19 có thẻ BHYT thì được thanh toán BHYT theo đúng mức hưởng ghi trên thẻ. Covid-19 đã được đưa vào thông tư số 20/2022/TT-BYT thanh toán BHYT. “Chỉ khác về chi phí điều trị, còn phương thức điều trị, phác đồ điều trị đều như trước”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Chính sách điều trị Covid-19 sẽ thay đổi khi chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B - Anh 1

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan chúc mừng các nhà báo nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Bộ Y tế đã cùng với Bộ Tư pháp tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có quyết định chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Riêng quyết định chuyên môn từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B do Bộ Y tế quyết định.

Hai quyết định này sẽ làm đồng thời. Cùng đó, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành đang chỉnh sửa lại tất cả các hướng dẫn chuyên môn như: hướng dẫn giám sát và phòng, chống dịch Covid-19; hướng dẫn chẩn đoán điều trị; hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế… Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, dự kiến trong tháng 6 sẽ ký quyết định chuyển dịch COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B, khi đó các hướng dẫn chuyển môn cũng đồng thời được ban hành.

Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dù chuyển Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B thì chất lượng điều trị vẫn không hề thay đổi; chỉ khác là chi phí điều trị do BHYT thanh toán theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm y tế. 

Nói về công tác giám sát, kiểm soát dịch bệnh, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, vẫn tiếp tục duy trì hệ thống giám sát ca mắc, ca tử vong, cùng với hệ thống xét nghiệm bệnh Covid-19. Do virus biến đổi thường xuyên nên thời gian tới Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh giải trình tự gen; trong đó lồng ghép các bệnh như cúm, đường hô hấp trên lây qua Covid-19. Từ đó đánh giá nguy cơ để khi có biến đổi bất thường thì phát hiện nhanh chóng. “Trong Luật Phòng, chống bệnh lây nhiễm, sự phân loại dựa trên vấn đề bệnh học, các yếu tố phòng, chống, khi chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B thì các biện pháp hành chính xã hội như hạn chế tụ tập, khoanh vùng… sẽ được bỏ, người dân được hoạt động tự do hơn”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thông tin.

Được biết, Bộ Y tế đang nghiên cứu để đưa vắc xin phòng, chống Covid-19 vào chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm miễn phí cho người dân.

Chính sách điều trị Covid-19 sẽ thay đổi khi chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B - Anh 2

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chia sẻ về hệ thống giám sát bệnh Covid-19

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến ngày 29.5, cả nước ghi nhận 85.493 ca mắc, trung bình hằng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc (giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022); ghi nhận 20 ca tử vong do Covid-19, tỉ lệ tử vong giảm mạnh xuống còn 0,02% (năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%). Các ca tử vong ghi nhận trong thời gian này đều là những trường hợp có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước, phần lớn có tiền sử chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng Covid-19. Hiện nay, tỉ lệ người bệnh Covid-19 nhập viện thấp hơn; tỉ lệ nặng cũng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Số liều vắc xin Covid-19 đã tiêm trên 100 người dân tại Việt Nam cao hơn 1,6 lần so với trung bình của thế giới. Tỉ lệ tiêm liều cơ bản cao hơn 1,4 lần so với trung bình của thế giới và tỉ lệ tiêm mũi nhắc lại cao hơn 2 lần so với trung bình thế giới. Đến nay, tổng số liều vắc xin đã tiêm là hơn 266 triệu. Tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 82,0%; tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,3%; tỉ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 69,4%; tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 92,5% và 76,6%.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, SARS-CoV-2 (virus gây ra bệnh Covid-19) vẫn là virus có tốc độ lây truyền nhanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số ca mắc và tỉ lệ tử vong giảm mạnh, tương đương hoặc thấp hơn tỉ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B trong 5 năm gần đây như: Sốt xuất huyết, Sốt rét, Bạch hầu, Ho gà… Ngày 3.6, tại Phiên họp thứ 20, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã thống nhất đủ điều kiện chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B. Đây là dấu mốc quan trọng ghi nhận sự thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

QUỲNH HOA

 

 

Ý kiến bạn đọc