Thừa Thiên Huế nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh

VHO- Ngày 15.6, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo đào tạo, tập huấn công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thừa Thiên Huế nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh - Anh 1

Chương trình Hội thảo đào tạo, tập huấn cải thiện môi trường đầu tư tại Thừa Thiên Huế

Trong hai năm trở lại đây, Thừa Thiên Huế được xếp vào danh sách những tỉnh, thành phố có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng đầu cả nước, vị thứ 8 năm 2021 và thứ 6 vào năm 2022. Qua đó, khẳng định những nỗ lực của địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian qua.

Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Cuộc đua” cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết, khi mà hầu hết các tỉnh/thành phố đều rất quyết liệt trong các hành động nhằm cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đẩy mạnh xây dựng chính quyền thân thiện, công khai minh bạch thông tin, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư, cắt giảm các chi phí không chính thức,...

Mới đây nhất, VCCI đã đưa vào Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) góp phần thúc đẩy các địa phương quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường góp phần thu hút các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường.

Tại Thừa Thiên Huế, để sâu sát hơn đến từng cấp, từng ngành, nhiều năm liền tỉnh đã tiến hành đánh giá thêm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ban, ngành và địa phương. Qua đó, nhằm xác định các hạn chế mà cộng đồng doanh nghiệp đánh giá chưa cao rơi vào đơn vị nào, thủ tục nào, hoạt động nào, để từ đó thực hiện các biện pháp điều chỉnh tốt hơn.

Thừa Thiên Huế nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh - Anh 2

Ông Phan Quý Phương cho biết tỉnh đã thành lập 4 Tổ công tác để giám sát, đẩy nhanh các dự án trên địa bàn

“Tỉnh đã xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiên trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thực hiện quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn và đã thiết lập 100% quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế… Đến nay, ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng di động, tích hợp lên ứng dụng Hue-S đã có hơn 1 triệu tài khoản công dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia”- ông Phan Quý Phương thông tin.

UBND tỉnh cũng đã thành lập bốn Tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách.

Năm 2022, mặc dù chỉ số PCI của Thừa Thiên Huế xếp thứ 6 cả nước, song một số chỉ số thành phần lại lại “rớt hạng” và đứng ở vị trí khá thấp, như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (xếp vị 49/63); Tính năng động và tiên phong của chính quyền (xếp 34/63)…

Chương trình hội thảo đào tạo, tập huấn lần này nhằm cung cấp các thông tin, trao đổi và thảo luận để có cái nhìn tổng quan về những tiêu chí thấp điểm trong bộ chỉ số PCI của tỉnh; từ đó, đưa ra các giải pháp và chương trình hành động để tháo gỡ nhằm tiếp tục duy trì vị trí xếp hạng PCI của Thừa Thiên Huế.

Tại hội thảo, các chuyên gia của VCCI cũng đã có những đánh giá thực trạng và “hiến kế” cho các đại diện Sở ngành, chính quyền các cấp, các Hiệp hội… tại tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cấp tỉnh qua góc nhìn của PCI và PGI.

S.THÙY

Ý kiến bạn đọc