Hành trình tìm kiếm manh mối về nhà tình báo bí ẩn Đặng Trần Đức

VHO- Chiều ngày 17.6, hưởng ứng “Tuần lễ sách của người làm báo”, Công ty TNHH Văn hóa Sáng tạo Trí Việt (First News) - đơn vị phát hành tác phẩm Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng đã tổ chức buổi giao lưu cùng tác giả sách. Qua đó để thấy được, hành trình vén bức màn bí ẩn về cuộc đời vị tướng tình báo Ba Quốc vào 20 năm trước của nhà báo Hoàng Hải Vân và Tấn Tú là chuyện không hề dễ dàng.

Hành trình tìm kiếm manh mối về nhà tình báo bí ẩn Đặng Trần Đức - Anh 1

Nhà báo Hoàng Hải Vân tại buổi giao lưu

Hành trình vén màn bí mật không dễ dàng

Vì tính chất nghề nghiệp, lực lượng tình báo gần như phải luôn giữ kín thân phận và nhiệm vụ của mình. Sách báo viết về đơn vị này cũng như về những tướng lĩnh tình báo vô cùng ít ỏi. Cho đến năm 2004, Báo Thanh Niên đăng loạt ký sự 36 kỳ với tựa đề Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng kể về một vị tướng tình báo  nằm vùng trong cơ quan mật vụ tối cao của địch, người đã có đóng góp to lớn giúp cuộc kháng chiến chống Mỹ giành thắng lợi và thống nhất đất nước. Mãi cho đến thời điểm này, công chúng mới biết đến một người thầy lỗi lạc đã có hơn 20 năm hoạt động trong lòng địch, điệp viên duy nhất thâm nhập được vào cơ quan tình báo cao cấp nhất của chính quyền Sài Gòn, với tư cách là sĩ quan tình báo làm việc tại Cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống và Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo. Ông chính là Thiếu tướng Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam Đặng Trần Đức, đồng đội vẫn gọi ông là Ba Quốc. 

Chia sẻ về cơ duyên đưa mình có cơ hội tìm hiểu từ đó quyết tâm thực hiện phóng sự dài trên báo Thanh Niên cho đến viết sách về vị tướng tài ba này, tác giả Hải Vân cho biết: “Nhà tình báo đầu tiên chúng tôi viết là tướng Phạm Xuân Ẩn. Đó là 2 loạt ký sự, ký sự đầu tiên về tướng Ẩn đăng 52 kỳ trên báo Thanh Niên, sau này tôi có viết thêm loạt bài “Giải mã Phạm Xuân Ẩn” 17 kỳ cũng đăng trên Thanh Niên. Từ chuyện của tướng Ẩn, chúng tôi đã tiếp cận hầu hết các nhân vật trong mạng lưới tình báo miền trước năm 1975 và viết thêm nhiều loạt ký sự về các nhà tình báo anh hùng khác. Chúng tôi biết về ông Ba Quốc khi tiếp cận mạng lưới đó”. Ông cho biết thêm người đã dẫn dắt, gợi ý cho ông và nhà báo Tấn Tú viết về tướng Ba Quốc không ai khác chính là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, cũng là người đã từng được ông Ba Quốc dìu dắt ngay từ những ngày đầu tiên bước vào lĩnh vực tình báo.

Chia sẻ về hành trình vén màn bí mật, nhà báo Hải Vân cho hay: “Thông tin chủ yếu do tướng Nguyễn Chí Vịnh cung cấp. Vì sinh thời ông Ba Quốc không hé răng nửa lời về hoạt động của ông trong giai đoạn này, còn những người khác trong mạng lưới trước năm 1975 thì không biết. Chỉ có tướng Vịnh là người duy nhất có thể cung cấp những thông tin về ông trong giai đoạn này. Cuốn sách Ông tướng tình báo bí ẩn và điệp vụ siêu hạng ra đời là do gợi ý của tướng Vịnh, khi ông viết cuốn Người Thầy để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của chú Ba".

Hành trình tìm kiếm manh mối về nhà tình báo bí ẩn Đặng Trần Đức - Anh 2

Cuốn sách Ông tướng tình báo bí ẩn và điệp vụ siêu hạng sẽ mang đến cho bạn đọc những câu chuyện chân thật nhất

Để có thể mang đến cho độc giả quyển sách đầy đủ nhất, gần gũi nhất và hơn hết là chân thực nhất tác giả cũng đã gặp không ít những khó khăn, bất lợi trong quá trình tiếp cận vị tướng này. Nói về những ngày đầu khó khăn khi chắp bút nên cuốn sách này, nhà báo Hải Vân cho hay: “Hầu hết các nhà tình báo anh hùng của chúng ta đều khiêm nhường, không đề cao bản thân. Nên viết về họ vô cùng khó, viết về ông Ba Quốc càng khó hơn. Trước khi loạt ký sự về ông Ba Quốc đăng trên Thanh Niên, giới truyền thông và công chúng không biết gì về ông, tên của ông cũng chưa hề xuất hiện trên sách báo. Chúng tôi phải nhờ nhiều nhà tình báo lão thành thuyết phục ông để chúng tôi được viết, nhưng ông đều từ chối, ông bảo chuyện của ông không có gì đáng viết. Tôi phải nhờ đến tướng Vịnh, lúc đó là Tổng cục trưởng Tổng cục 2. Anh Vịnh đã đưa tôi đến gặp ông Ba Quốc và bảo lãnh về tư cách của chúng tôi, ông mới nhận lời”.

Không chỉ khó khăn ở việc tiếp cận, mà ngay cả khi cho ra mắt từ những phóng sự đầu tiên ông cũng đã vấp phải không ít những ý kiến trái chiều xoay quanh về việc căn cứ, bằng chứng cho những câu chuyện trên là gì. Ông cho biết, khi đưa những chiến công hiển hách của ông Ba Quốc đến công chúng đã gặp rất nhiều khó khăn ở khâu kiểm chứng. Bởi lẽ việc ông Ba giải cứu Bí thư Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng bí thư Đảng) và 9 đặc khu ủy viên Sài Gòn - Gia Định thoát khỏi sự truy bắt của mật vụ, cứu ông hoàng Norodom Sihanouk thoát chết trong một vụ ám sát đều là tuyệt mật mà ngay cả những người được cứu và người nhà của họ đều không biết.

Nhưng bằng tất cả lòng nhiệt huyết, sự quyết tâm, kiên trì mỗi ngày thì cuối cùng 2 tác giả cũng đã không phụ lòng tướng Vịnh, khi đã cho ra đời cuốn sách Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng  gồm hai phần. Phần  một là tập hợp ký sự 36 kỳ đăng trên báo Thanh Niên viết về cuộc đời và những điệp vụ siêu hạng của ông trước năm 1975, phần hai viết về giai đoạn sau năm 1975. 

Nhà báo viết sách khác nhà văn viết sách

Bên cạnh những câu chuyện xoay quanh chặng đường đưa những câu chuyện tình báo đến công chúng thì tại buổi giao lưu, thông qua quyển sách của chính mình ông cũng đã có những trải lòng về nhận định nhà báo viết sách so với nhà văn viết sách liệu có khác biệt quá nhiều hay không.

Nhà báo Hải Vân bày tỏ quan điểm: “Khác biệt. Nhà văn viết sách có hư cấu, dù hư cấu về các nhân vật lịch sử phải dựa vào sự thật phù hợp với bản chất của các sự kiện. Còn nhà báo viết sách thì không hư cấu mà phải viết sự thật hoàn toàn”. Theo ông, nhà văn có thể hoàn mỹ hóa nhân vật của họ dựa theo cốt chuyện hoặc một bối cảnh nào đó. Tuy nhiên, nhà báo thì khác, nguyên tắc hàng đầu của nhà báo đó là chính xác tuyệt đối, chính vì vậy những câu chuyện, những trải nghiệm được viết trong sách của một nhà báo, đặc biệt hơn là những thể loại sách lịch sử, chính trị càng phải bảo tồn được giá trị chân thực nhất. 

Đối với nhận định “Sách lịch sử - chính trị tương đối khá kén người đọc”, nhà báo Hải Vân cũng bày tỏ sự không đồng tình. Ông cho rằng, sách chính trị - lịch sử thật ra rất có sức hút với độc giả, đặc biệt là những câu chuyện họ chưa bao giờ được nghe hay nhìn thấy. Sở dĩ có nhận định trên là bởi vì đa phần các sách còn viết theo khuôn khổ nên vẫn thô cứng và chưa thật sự chạm đến trái tim bạn đọc. “Chúng ta hãy thử thoát khỏi khuôn sáo, biến những điều ấy thành câu chuyện chân thực chắc chắn sẽ hấp dẫn được độc giả”, nhà báo Hải Vân nhấn mạnh.

Cũng trong khuôn khổ của "Tuần lễ sách của người làm báo", nhà báo Hải Vân đã có những lời nhắn nhủ đối với các bạn nghề: “Viết báo hay viết sách đều là những câu chuyện kể. Nếu bạn tiếp xúc với một nhân vật, chứng kiến một sự kiện, bạn kể lại cho cha mẹ hay người yêu của bạn nghe bằng giọng của chính bạn, bằng cảm xúc của chính bạn, bạn viết giống hệt như vậy sẽ có một bài báo hay, một cuốn sách hay”.

THANH HUYÊN
 

Ý kiến bạn đọc