Nhà báo viết sách: Chân lý kết hợp với văn thơ

VHO- Ngày 17.6, nhằm cổ vũ phong trào đọc sách trong đội ngũ những người làm báo, khuyến khích nhà báo tham gia viết sách, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp cùng Hội Xuất bản Việt Nam, Sở TT&TT TP.HCM, Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức buổi giao lưu với các nhà báo có tác phẩm đoạt giải thưởng cao của thành phố, TƯ.

Nhà báo viết sách: Chân lý kết hợp với văn thơ - Anh 1

Các nhà báo có tác phẩm đoạt giải thưởng cao của thành phố, TƯ

Sự kiện giao lưu này nằm trong buổi lễ khai mạc “Tuần lễ Sách của người làm báo” nhân dịp chào mừng Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2023), khích lệ các nhà báo tiếp tục đóng góp nhiều tác phẩm cho công cuộc phát triển văn hóa đọc, góp phần làm đa dạng thị trường sách Việt Nam. Tại buổi giao lưu, các nhà báo Lại Văn Long, Lê Minh Quốc, Bùi Phan Thảo, Bùi Tiểu Quyên đã chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề trong vai trò vừa là nhà báo, vừa là tác giả sách.

Có duyên với nghề báo, nặng nợ với văn chương

Nếu như nghề văn cần sự bay bổng, nhiều xúc cảm, thì nghề báo lại cần sự tỉnh táo, chuẩn xác và trung lập. Với nhiều nhà báo, sự đối lập trong việc sáng tạo các câu chữ trong văn nhưng lại chân thực với câu chữ trong báo cũng đem đến nhiều điều thú vị, say mê. Nhà báo Bùi Phan Thảo, tác giả của Ngọn khói về trời đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2022 cho rằng, nghề văn và nghề báo khác nhau nhưng cũng hỗ trợ cho nhau rất nhiều. Ông cho biết, làm báo đã cho ông sự dấn thân, đi đến nhiều nơi, cũng nhờ đó mà ông có những cảm xúc chân thật nhất và được ông nhắn nhủ qua trường ca Ngọn khói về trời. Đó là, chúng ta không thể lãng quên những tháng ngày chông chênh cơ cực của dịch bệnh. Tất cả phải biết quý từng giây hiện hữu trên đời, rút ra những bài học sâu sắc để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. “Phải quên mình, phải đắm đuối vô đó thì mới làm nhà báo chuyên nghiệp, nhà văn thành công được”, nhà báo Bùi Phan Thảo đưa ra lời khuyên với các nhà báo trẻ muốn viết sách.

Nghề báo mang lại tư duy sắc sảo, phản biện, biết tôn trọng sự thật và chứng cứ, còn nghề văn đem lại sự nhân hậu, nhân văn. Sự cộng tác của văn và báo đã truyền tải đến những trang sách mang đậm hơi thở cuộc sống nhưng cũng gắn liền với dòng chảy của thời sự xã hội, làm đa dạng hóa thị trường sách Việt Nam. Ngòi bút của nhà văn Bùi Tiểu Quyên, tác giả của Cà nóng chu du Trường Sa đạt giải thưởng Văn học thiếu nhi hội nhà văn TP.HCM 2022 chính là nhân chứng của sự kết hợp đa dạng giữa văn và báo. Tác phẩm Cà nóng chu du Trường Sa đã đưa biển đảo đến gần hơn với thiếu nhi qua lăng kính dí dỏm của chiếc máy ảnh tên “Cà nóng”. Từ hình ảnh của chiếc máy ảnh đi ngao du, tác giả đã khéo léo chuyển vào trong từng tình tiết truyện niềm yêu mến biển đảo và ý thức chủ quyền đối với Tổ quốc đối với các em nhỏ. Tại buổi giao lưu, nhà văn Bùi Tiểu Quyên chia sẻ cảm hứng để chị viết các tác phẩm về đề tài thiếu nhi là do ảnh hưởng từ thuở bé được cô giáo dạy rằng “học không bao giờ thừa”, hiểu được rằng những tư duy khi còn bé sẽ ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành rất nhiều nên chị đã lựa chọn truyền cảm hứng cho các em thiếu nhi, để các em có thể yêu đọc sách, yêu kiến thức và con chữ. 

Còn với nhà văn Lại Văn Long, tác giả của bộ tiểu thuyết hình sự Hồ sơ lửa, bộ tiểu thuyết hình sự dài tập nhất Việt Nam (1992 – 2022), thì việc đã công tác thời gian dài ở báo Công an nhân dân đã giúp ông tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Nhờ làm báo mà ông được tiếp xúc với những vụ án thực, đưa thêm sự sinh động vào trang sách. Cùng với đó ông cho biết, khi đứng trước pháp trường, nhìn thấy một bị án chuẩn bị bị thi hành án tử hình thì sẽ có những góc nhìn khác hơn, từ đó mà việc thả hồn vào con chữ sẽ càng hay và chân thực.

Nhắn gửi đến các nhà báo ôm giấc mộng văn chương

Nhà báo Lê Minh Quốc, tác giả của Chào thế giới bây giờ con đã đến, giải C – giải thưởng sách quốc gia năm 2020 thổ lộ, ông phân định rất rõ thể loại, thơ văn và báo chí là hai nhận định khác nhau. Nếu như không phân biệt được thơ văn với báo chí, thì tác phẩm đôi khi sẽ bị quá lý tính, thiếu sự bay bổng khi viết văn hay ngược lại lúc viết báo thì sáng tạo, hư cấu. Điều này sẽ khiến tác giả rơi vào hai tình trạng đó là thứ nhất, tác phẩm khó chạm đến trái tim độc giả, còn thứ hai là bài báo viết ra có thể dẫn đến những pháp lý về sau.

Tại buổi chia sẻ, các tác giả cho rằng viết văn, viết báo phải là sự nỗ lực, cố gắng mỗi ngày. Được ví như việc đẩy hòn đá là trách nhiệm và luôn cần tiến tới phía trước, tuy nhiên, quá trình này phải có sự đam mê, yêu thích và thiết tha mới có thế dấn thân sâu nhất. Song với đó, các nhà báo khi viết sách cũng cần có cho mình một điểm tựa, điểm tựa đó sẽ giúp ta có động lực để viết, để sáng tác. Chị Bùi Tiểu Quyên gửi thông điệp đến những nhà báo trẻ, những người ôm giấc mộng văn chương: “Dù chúng ta ở đâu, là ai, là nhà văn hay nhà thơ đều có một mục đích chung đó là hạnh phúc. Để làm việc gặt hái được quả ngọt thì cần đặt cái tâm chân thật vào đó, làm nghề bắt chính trái tim sẽ nhận lại được kết quả xứng đáng”.

Những chia sẻ của các tác giả nhận được nhiều phản hồi của người tham dự, nhất là khi nói về vấn đề sáng tác của nhà báo. Cũng tại buổi giao lưu, nhà văn Dương Thành Truyền cho rằng không chỉ nhà văn, nhà báo viết sách mà khuyến khích mỗi người đều viết sách, viết về mẹ, về gia đình, những gì ta gặp, tất cả những điều đó sẽ tạo nên một nền văn hóa đọc, viết rộng lớn. Việc mỗi người đều viết sẽ giúp cho nền văn học ngày càng có thêm những tay bút tiềm năng, để những nét văn hóa của Việt Nam sẽ ngày càng được lan truyền và lưu giữ.

Có thể thấy, với thế mạnh về bút lực trong thời gian công tác tại các cơ quan báo chí, các nhà báo đã tạo nên những tác phẩm mang đậm tính thời đại. Bên cạnh đó, những chia sẻ tận tâm từ các vị nhà báo, nhà văn và nhà thơ về việc khi người làm báo viết sách đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm cho lớp trẻ đi sau.

Y BÌNH

Ý kiến bạn đọc