Phát huy vai trò VHNT trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh

VHO- Đó là kiến nghị của nhiều đại biểu tại Hội thảo khoa học “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM, nhiệm vụ và giải pháp” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP vừa tổ chức. Diễn đàn khoa học lần đầu tiên diễn ra đã thu hút sự chú ý và tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý văn hóa, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn.

Phát huy vai trò VHNT trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh - Anh 1

 Các chuyên gia đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Củng cố, tạo lập các giá trị văn hóa

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết, Thường trực Thành ủy đang chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị tham mưu Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI về Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, một khái niệm mới, có nội hàm rộng, vì vậy cần lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, chuyên gia để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và kéo dài nhiều nhiệm kỳ. “Đó là việc củng cố, tạo lập các giá trị văn hóa mà nền tảng là từ những giá trị của cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nói cách khác là làm cho môi trường sống của thành phố chứa đầy những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho nét đẹp văn hóa con người Hồ Chí Minh thấm sâu hơn nữa vào văn hóa con người TP và trở thành nguồn sức mạnh nội sinh, đặc thù của nhân dân”, bà Thảo nói.

Nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh, Thành phố xem xét có sự tăng cường đầu tư về lĩnh vực văn hóa, xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát triển đối với các công trình kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa, quan tâm đúng mức việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh để TP trở thành một điểm đến hấp dẫn toàn cầu, trong đó có nội dung đặc sắc về văn hóa Hồ Chí Minh, có công trình, điểm nhấn tiêu biểu. Xây dựng mỗi cộng đồng, mỗi gia đình là một không gian văn hóa.

Bày tỏ quan điểm đồng thuận, PGS. TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Văn hóa TP.HCM góp ý, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần phải gắn liền với bối cảnh tự nhiên và văn hóa cụ thể của từng vùng, từng khu vực. Theo đó, không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần phải có sự độc đáo, đặc sắc riêng. “Cần nhìn nhận các yếu tố hình thành nên không gian này, đó là con người, môi trường, thiết chế văn hóa và các hoạt động văn hóa. Ngoài việc xây dựng các thiết chế văn hóa mới, cần thiết chú trọng đến các thiết chế truyền thống. Việc xây dựng không gian văn hóa phải có trọng tâm, trọng điểm; tránh sự dàn trải, mang tính phong trào, hời hợt dẫn đến lãng phí nguồn lực và thiếu hiệu quả”, ông nhấn mạnh.

NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM tâm tư, có thể thấy rằng, hơn lúc nào hết, việc phát huy, bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đang được xem là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách, nhất là thế hệ trẻ. Để mỗi bạn trẻ có ý thức nhận biết và giữ gìn nền tảng văn hóa của dân tộc mình thì cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó bao gồm cả gia đình, nhà trường và xã hội. Bên cạnh đó, việc lên án, phê phán đúng mức, đúng cách của xã hội là cách thức đúng đắn giúp giới trẻ có thể kịp thời nhận ra được những cái xấu, cái chưa phù hợp để thay đổi và điều chỉnh hành vi.

Phát huy vai trò VHNT trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh - Anh 2

 Một chương trình nghệ thuật về Bác Hồ tại Nhà hát Thành phố

Nâng tầm nhận thức và hành động

Bà Phạm Phương Thảo bày tỏ, TP.HCM đã có nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật về Bác như thơ, ca, nhạc, họa, điện ảnh, kịch, cải lương... rất hay và đi vào lòng người. Tuy nhiên, công trình, thiết chế văn hóa gắn với Bác còn ít, tác phẩm văn học - nghệ thuật chưa tương xứng với cuộc đời và tầm vóc của Người; việc học tập và làm theo Bác cần phải triển khai sâu rộng hơn nữa. Những hạn chế cho thấy cần nâng cao nhận thức và hành động, cần làm tốt hơn công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư, tổ chức thực hiện, cần phấn đấu để vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ trong tác phẩm văn học - nghệ thuật, trong khắc họa hình tượng Bác…

Chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động sáng tác văn học - nghệ thuật, phối hợp xây dựng các chương trình nghệ thuật có nội dung về Bác, về việc học tập và làm theo Bác, về những phẩm chất tốt đẹp của con người TP, không chỉ phục vụ các đợt lễ hội mà còn phục vụ du khách như nét văn hóa đặc trưng của TP.HCM. Các chương trình này có thể phục vụ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TP.HCM), Khu đô thị mới Thủ Thiêm, có thể biểu diễn ở bến sông, trên sông, trên tàu thuyền du lịch, tại các không gian văn hóa công cộng…

Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng, TP.HCM cần sớm có một nghị quyết chuyên đề về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Cạnh đó, cần phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa, nghệ thuật, của văn nghệ sĩ trong thực hiện hóa không gian này. “Việc hiện thực hóa không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Thành phố mang tên Bác vừa đặt ra những yêu cầu bức thiết, vừa tạo ra những cơ hội mới để lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và các văn nghệ sĩ thể hiện tâm huyết, tài năng của mình, góp phần làm cho không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành một không gian thấm đẫm tình người, vừa tiên tiến, hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, bản sắc của văn hóa đất phương Nam”.

GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM hiến kế: “Chúng ta có thể thực hiện một số dự án cụ thể, như kết nối không gian quảng trường đi bộ tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (trước UBND TP) với Công viên cột cờ Thủ Ngữ, dọc bến Bạch Đằng (trước Tượng đài Trần Hưng Đạo) tới cảng Ba Son, Bảo tàng Tôn Đức Thắng thành một công viên văn hóa công cộng với sự điểm xuyết khoa học, nghệ thuật bằng những tác phẩm điêu khắc có nội dung về lịch sử, văn hóa của quá trình hình thành, phát triển TP.HCM…

Ông Nguyễn Hồ Hải đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu để tham mưu, bổ sung, hoàn chỉnh Chương trình hành động của Thành ủy, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TP về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM và đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng về văn hóa, như: Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam; Nghị quyết số 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 23 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới… 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc