Âm nhạc kết hợp giữa ''cổ'' và ''tân”: Độc, lạ tạo nên sức hút

VHO- Thời gian gần đây, trước sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai, việc thu hút người trẻ đến với nghệ thuật truyền thống là một “bài toán” không dễ. Như với cải lương và rap, tưởng chừng khó có thể hòa quyện cùng nhau, thì mới đây NSND Bạch Tuyết và rapper Wowy đã khiến khán giả bất ngờ về sự pha trộn của hai loại hình nghệ thuật đối lập giữa “tân” và “cổ” này.

Âm nhạc kết hợp giữa ''cổ'' và ''tân”: Độc, lạ tạo nên sức hút - Anh 1

 NSND Bạch Tuyết và rapper Wowy kết hợp cải lương với rap trong MV “Tia sáng cuối cùng”

Đặc biệt hơn, không dừng lại ở việc phục vụ người nghe trong nước, sự kết hợp đó được kỳ vọng có thể mang nhạc Việt đi xa hơn.

“Khoác áo mới” cho âm nhạc truyền thống

Sau thời gian một năm ấp ủ và thực hiện, sản phẩm âm nhạc mang tên Tia sáng cuối cùng (The Last Light) với sự kết hợp của NSND Bạch Tuyết và rapper Wowy đã chính thức trình làng. Điều khiến khán giả bất ngờ chính là sự kết hợp độc đáo khi hòa trộn giữa pop, rap, world music và âm nhạc dân gian đã mang đến nhiều điều mới mẻ, thú vị cho người nghe. Chất nhạc đặc biệt hòa quyện cùng phong cách, hình ảnh bay bổng, đậm chất hư ảo đã tạo nên một tổng thể MV độc, lạ đầy sức hút khiến nhiều khán giả đồng loạt để lại bình luận “nổi da gà”.

Phần cải lương, nghệ sĩ Bạch Tuyết chọn tên gọi nốt nhạc cơ bản và từ ngữ trong Tứ đại oán để viết ra những dòng lyrics (lời bài hát) mang nhiều ý nghĩa. Chia sẻ về lần hợp tác này, NSND Bạch Tuyết cho biết: “Chúng tôi gặp nhau ở một điểm chung là muốn mang âm nhạc Việt Nam vươn xa. Đó là cách mà chúng tôi biết ơn quê hương, đất nước. Chúng tôi tìm thấy nhau ở sự tương đồng về quan điểm sống, về những tư duy, sự tử tế trong đời”. Còn với Wowy, anh bày tỏ: “Hai cô cháu có chung cảm nhận về cuộc sống và rất tâm huyết sẻ chia những trải nghiệm đó đến khán giả một cách nghệ thuật nhất”.

Trước đó, nhiều nghệ sĩ cũng đã thành công khi “khoác áo mới” cho các loại hình âm nhạc truyền thống. Có thể kể đến tiết mục Cô gái bán sầu riêng kết hợp giữa một số câu vọng cổ cùng nhạc trữ tình quê hương và rap qua phần thể hiện của NSƯT Quế Trân và rapper Chị Cả trên sân khấu King of Rap. Trong See tình ra mắt hồi đầu năm, nhóm DTAP cũng đưa âm nhạc ngũ cung, vọng cổ vào một phần trong ca khúc để tạo điểm nhấn. Ca khúc Quan trọng là mình có nhau của VP Bá Vương tại chương trình “Thần tượng đối đầu thần tượng” sử dụng một đoạn cải lương trong vở Thái hậu Dương Vân Nga, biến tấu đôi chút về giai điệu, trước khi bước vào phần rap chính. Hay Về nghe mẹ ru của ca sĩ trẻ Hoàng Dũng và NSND Bạch Tuyết cũng đã nhanh chóng trở thành bản hit trên các nền tảng nhạc số khi kết hợp cải lương với âm nhạc hiện đại. Sau thành công của Về nghe mẹ ru hợp tác với ca sĩ trẻ Hoàng Dũng, NSND Bạch Tuyết tiếp tục bắt tay với nhiều nghệ sĩ trẻ khác, thực hiện các sản phẩm kết hợp giữa cải lương với nghệ thuật hiện đại. Đây là cách để đưa nghệ thuật truyền thống đến gần với công chúng, vì vậy dự án với rapper Wowy được dự báo cũng là điểm nhấn thú vị trong thời gian sắp tới.

Bên cạnh sự khen ngợi cũng có những bình luận ngờ vực cho rằng sự “phối ngẫu” giữa cải lương với rap có phần gượng gạo và khó cảm nhận. Rõ ràng, mới lạ và ấn tượng là những điều mà khán giả cần, tuy nhiên về lâu về dài thì sự kết hợp này cần được đi đúng hướng chứ không phải mang tính nhất thời, chưa tạo dấu ấn đã “đuối sức”. Bởi lẽ, ở mọi sự kết hợp mới lạ, nếu làm hay khán giả sẽ hưởng ứng nhiệt tình, nhưng nếu không phù hợp thì chắc chắn sẽ nhận về những chỉ trích, nhất là việc “giao duyên” với những ca khúc bất hủ, những thể loại mang giá trị truyền thống, chỉ cần “sai một li” là có thể “đi một dặm”.

Cơ hội để nhạc Việt “xuất ngoại”?

Thời gian qua, rap đang trở thành âm nhạc “trending” của phần đông thế hệ trẻ quốc tế và Việt Nam. Hiện tại, cải lương cũng là chủ đề bàn tán sôi nổi của nhiều nghệ sĩ trong nước. Một số người cho rằng, cải lương đã qua thời hoàng kim. Nhưng sự thật thì cải lương luôn không ngừng đổi mới, cách tân và vẫn là âm nhạc xu hướng của thời đại. Như mục tiêu của dự án Tia sáng cuối cùng là tạo ra sự giao thoa thể nghiệm, nhằm sử dụng rap để giới thiệu cải lương đến bạn bè quốc tế và khán giả đương thời Việt Nam.

Rõ ràng, sự kết hợp giữa các yếu tố hiện đại và truyền thống trong âm nhạc không những khiến tác phẩm trở nên mới mẻ, ấn tượng mà hơn hết còn mở ra xu thế của tương lai, hướng tới một diện mạo nghệ thuật đương đại mang đậm bản sắc Việt, đây cũng là cách để âm nhạc Việt Nam định vị thương hiệu trước bạn bè quốc tế. Nhiệm vụ này thuộc về cả những nghệ sĩ truyền thống và hiện đại, song vẫn là con đường không dễ đi và chỉ dành cho những người thật sự đam mê và dám dấn thân vào nghệ thuật. Bởi trên thực tế, không phải bất cứ sự kết hợp nào cũng tạo nên những “chiếc áo” vừa vặn và được khán giả đón nhận, nếu khai thác vốn cổ không hợp lý thì dễ thành phá vỡ, bóp méo truyền thống và bước qua lằn ranh phản cảm. Vì vậy, để thực hiện được điều này, đòi hỏi người sáng tạo phải am hiểu sâu sắc từng loại hình nghệ thuật, để khi kết hợp không làm bão hòa đi mà phải tôn nhau lên, cùng nhau tỏa sáng. Bên cạnh đó là sự kết hợp với các chuyên gia ở các lĩnh vực chuyên ngành, họ sẽ là những người vừa bổ trợ, vừa điều chỉnh lẫn nhau, từ đó mang đến những tác phẩm sáng tạo phù hợp với thị hiếu công chúng, mang đậm giá trị nghệ thuật và có sức sống lâu dài.

Có thể thấy, vì “món mới” gây tò mò, nên nhiều khán giả vẫn ủng hộ mạnh mẽ những phần kết hợp độc lạ, nhưng đa phần đó là giới trẻ, họ dễ dàng chấp nhận những cái mới thú vị và không bàn nhiều đến giá trị nghệ thuật. Thế nhưng, để sự kết hợp này trở thành một xu hướng lâu dài thì các nghệ sĩ cần nhiều hơn thế nữa, phải làm sao để tiếp cận, mang đến nhiều giá trị và được sự chấp nhận của đa số khán giả, thì đó mới là thành công. 

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc