Tháo “điểm nghẽn” để du lịch phát triển

VHO- Cuối tuần qua, trong ngày làm việc cuối của kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Việc thông qua 2 Luật liên quan đến xuất, nhập cảnh được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” để du lịch Việt Nam phát triển.

Tháo “điểm nghẽn” để du lịch phát triển - Anh 1

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhận định, Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ điều kiện để thu hút khách du lịch quốc tế, tuy nhiên trong những năm qua, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. “Trước thực trạng này, các cơ quan Bộ, ngành đã rà soát và thấy rằng, một trong những điểm nghẽn chính là những quy định về xuất, nhập cảnh còn quá chặt khiến du khách nhiều khi ngại đến Việt Nam, đặc biệt là với các du khách có nhu cầu lưu trú ở Việt Nam dài ngày”, đại biểu Nga nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng tin tưởng, việc thông qua Luật lần này đã giúp chúng ta tháo gỡ được điểm nghẽn tương đối để du lịch Việt Nam phát triển: “Tôi hy vọng, với việc thông qua dự án Luật này và khi Luật đi vào cuộc sống lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên nếu muốn thu hút khách du lịch đến Việt Nam cần có hệ thống các giải pháp đồng bộ, bởi đây là một trong những giải pháp căn bản, cốt lõi để chúng ta thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Họ sẽ không còn e ngại rào cản về thủ tục nữa”.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đánh giá, việc thông qua dự thảo Luật là chất xúc tác tác động trực tiếp đến yêu cầu thực tế để thu hút khách nước ngoài đến Việt Nam. Tuy nhiên chúng ta không chỉ chăm chăm vào khách du lịch quốc tế mà phải chú trọng hơn nữa đến thị trường khách du lịch nội địa bởi thực tế thời gian qua cho thấy thị trường khoảng 100 triệu dân của chúng ta là bệ đỡ cho du lịch. “Việc thông qua Luật sửa đổi lần này cũng cho thấy chúng ta rất nhạy bén trước yêu cầu từ thực tiễn và có chủ trương đúng đắn. Đặc biệt việc sửa đổi Luật có thể tạo nên sự cạnh tranh của du lịch trong khu vực. Việc chọn miễn thị thực 45 ngày, tăng thời hạn lưu trú rồi tạo sự thông thoáng trong các thủ tục làm visa tại cửa khẩu… là một trong những biện pháp để thúc đẩy du lịch phát triển. Thế nhưng, muốn du lịch phát triển thì cũng đừng chỉ trông vào các nội dung đã sửa đổi tại Luật Xuất, nhập cảnh mà phải tiến hành hàng loạt các giải pháp đồng bộ. Chúng ta mở cửa hơn, tạo điều kiện thông thoáng hơn nhưng vẫn phải gắn với công tác quản lý; điều kiện, bối cảnh thực tế của đất nước. Mở nhưng vẫn phải chặt chẽ trong hồ sơ, thủ tục sao cho đảm bảo được an ninh, trật tự an toàn xã hội”, đại biểu An nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Luật đã sửa đổi, bổ sung chính sách thị thực điện tử theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh (nâng thời hạn lên không quá 90 ngày, có giá trị nhiều lần, giao Chính phủ quyết định các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử). Với thủ tục đơn giản, thuận tiện, minh bạch, nhanh chóng, người nước ngoài không phải đến cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, không phải làm thủ tục đề nghị cấp thị thực qua khâu trung gian, sẽ ưu tiên lựa chọn thị thực điện tử khi có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam. 

 Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 5 vào chiều 24.6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau 23 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng, biểu quyết thông qua 8 luật; thông qua 3 Nghị quyết quy phạm pháp luật…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, để các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, bảo đảm yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan sẽ tổ chức hội nghị để quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này trong quý III.2023, đồng thời rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XV và sẽ đưa nội dung này thành hoạt động định kỳ sau mỗi kỳ họp của Quốc hội.

 

 THU SÂM

Ý kiến bạn đọc