Phát huy sức mạnh văn hóa để tạo ra sức mạnh dân số và kinh tế bền vững cho đất nước

VHO- Chiều 26.6, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã làm việc với GS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội khóa XV về đề tài “Cần phát huy mạnh mẽ sức mạnh văn hóa để tạo ra sức mạnh dân số và kinh tế cho phát triển đất nước bền vững trong thế kỷ XXI”.

Phát huy sức mạnh văn hóa để tạo ra sức mạnh dân số và kinh tế bền vững cho đất nước - Anh 1

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của GS Nguyễn Thiện Nhân đến lĩnh vực gia đình nói riêng và các lĩnh vực thuộc công tác quản lý của Bộ nói chung. Bộ trưởng cho biết, Bộ VHTTDL rất quan tâm đến đề tài tâm huyết của GS Nguyễn Thiện Nhân, đồng thời tin tưởng, buổi làm việc sẽ đem đến thêm kênh thông tin quan trọng góp phần giúp Bộ xây dựng, hoàn thiện các chính sách về văn hóa và gia đình.

Tại buổi làm việc, GS Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội khoá XV đã giới thiệu các nội dung cơ bản về đề tài Phát huy mạnh mẽ sức mạnh văn hóa để tạo ra sức mạnh dân số và kinh tế cho phát triển đất nước bền vững trong thế kỷ XXI do đồng chí dành hơn 10 năm tâm huyết chấp bút. Theo đó, đề tài tập trung vấn đề về sự mất cân đối trong tỉ suất sinh và tỉ suất sinh thay thế, nguy cơ mất dân tộc, mất văn hóa khi tỉ suất sinh không đảm bảo. 

Từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, GS Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra những báo động tình trạng mức sinh xuống thấp và những hệ luỵ đáng lo. Mặc dù kinh tế ở nhiều nước tăng trưởng nhưng tỉ suất sinh lại giảm mạnh, không có khả năng tái tạo đầy đủ con người, tỉ lệ người ở tuổi trưởng thành có nguyện vọng lập gia đình ngày càng giảm. Khi tỉ lệ hộ gia đình có con ngày càng giảm, tỉ lệ hộ gia đình có hai con trở lên ngày càng giảm thì tỉ suất sinh tất yếu sẽ giảm xuống dưới tỉ suất sinh tái tạo và không thể phục hồi. Gia đình không thể đảm đương được vai trò là tế bào của xã hội, là nơi tái tạo con người và văn hóa của một dân tộc. 

Phát huy sức mạnh văn hóa để tạo ra sức mạnh dân số và kinh tế bền vững cho đất nước - Anh 2

GS Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc

Nghiên cứu cũng chỉ ra những nguy cơ và bài học đối với Việt Nam trong các chính sách dân số. “Nếu chúng ta không thay đổi được nhận thức và xây dựng chính sách thúc đẩy và giám sát phát triển xã hội theo hướng coi gia đình hạnh phúc, người dân hạnh phúc là mục tiêu ngang bằng, thậm chí cao hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao nhất có thể, thì Việt Nam tất yếu đi theo con đường mà tất cả nước phát triển đã và đang đi qua: Càng giàu càng mất khả năng duy trì bền vững nòi giống và lực lượng lao động”, GS Nguyễn Thiện Nhân nhận định.

GS lấy ví dụ về việc mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam 15 năm qua ngày càng trầm trọng mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017; Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 và Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược gia đình đến năm 2030. Nghiên cứu đưa ra dự báo năm 2034, Việt Nam sẽ thừa 1,28 triệu đàn ông so với phụ nữ ở (tuổi 20-49) còn đến năm 2059 sẽ thừa 2,1 triệu. Tức là về tổng thể, mục tiêu đưa tỉ lệ giới tính khi sinh ở Việt Nam về mức cân bằng tự nhiên giai đoạn 2016-2023 là thất bại, tình hình ngày càng xấu hơn. Nếu không có các giải pháp đột phá bây giờ thì triển vọng mục tiêu đến năm 2030 là không thể thực hiện được.

“Bài học của nhân loại 50 năm qua và của 19 tỉnh, thành phố phía Nam 20 năm qua là cảnh báo rất rõ ràng: Chúng ta phải có đột phá về chính sách xã hội, đặt mục tiêu chăm lo, xây dựng, bảo vệ gia đình Việt Nam ngang bằng, thậm chí cao hơn mục tăng trưởng kinh tế thì đất nước Việt Nam mới phát triển bền vững, dân tộc Việt Nam mới trường tồn. Còn gia đình Việt Nam, còn văn hóa Việt Nam thì có tất cả, có tiền đề để làm tất cả. Mất gia đình Việt Nam, mất văn hoá Việt Nam thì đất nước tự tiêu vong hoặc trở thành một nước có hàng chục triệu người nhập cư, dự báo chủ yếu từ châu Phi và Ấn Độ, không còn hồn cốt văn hóa Việt Nam”, GS Nguyễn Thiện Nhân nêu.

GS Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Đã đến lúc  phải có đột phá về chính sách xã hội, đặt mục tiêu chăm lo, xây dựng, bảo vệ gia đình Việt Nam ngang bằng, thậm chí cao hơn mục tăng trưởng kinh tế thì đất nước Việt Nam mới phát triển bền vững, dân tộc Việt Nam mới trường tồn. Để giải quyết công tác dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh thường nhắc tới vai trò của Bộ Y tế, Bộ LĐ,TB&XH nhưng thực tế vai trò của Bộ VHTTDL cũng vô cùng quan trọng vì là cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình.  Ngay từ bây giờ cần sơ kết sâu sắc, toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017, Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh 2016-2025 và chiến lược dân số Việt Nam đến 2030, từ đó rà soát và hoàn thiện thực sự hệ thống chính sách xã hội và gia đình. Khi nói tới dân số  để thực thi mục tiêu “chăm lo, bảo vệ gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình hạnh phúc” được ưu tiên hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong 20 năm sắp tới. Phải có được gia đình hạnh phúc từ lúc chưa giàu (thu nhập trung bình) và càng giàu càng hạnh phúc thì đất nước mới phát triển bền vững, dân tộc mới có tương lai.

Phát huy sức mạnh văn hóa để tạo ra sức mạnh dân số và kinh tế bền vững cho đất nước - Anh 3

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao đề tài cũng như tâm huyết của GS Nguyễn Thiện Nhân trong lĩnh vực phát triển gia đình

Sau khi lắng nghe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của GS Nguyễn Thiện Nhân. Bộ trưởng khẳng định, đề tài thể hiện tâm huyết, trăn trở của GS Nguyễn Thiện Nhân, đem đến những luận điểm, kinh nghiệm, vừa mang tính học thuật vừa có tính thực tiễn giúp lãnh đạo Bộ VHTTDL có cái nhìn sâu sắc hơn. Từ nhận thức chung đó, Bộ VHTTDL cũng thấy được trách nhiệm của Bộ trong việc phối hợp với Bộ Y tế, Bộ LĐ,TB&XH và các Bộ, ngành khác trong tham mưu, xây dựng chính sách. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Những người làm công tác quản lý VHTTDL đều nhận thức được điều này, tuy nhiên phải làm thế nào thay đổi nhận thức của xã hội lại không đơn giản.  Vấn đề văn hóa, con người giữ vai trò cơ bản, quan trọng, được thể hiện ở nhiều nội dung trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Trước đòi hỏi từ thực tiễn đất nước, Đại hội XIII của Đảng đã phát triển lý luận, nâng tầm quan điểm chỉ đạo khi xác định xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng, tạo nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững”. Bộ trưởng cho rằng nhiều tín hiệu vui là sau Hội nghị văn hoá toàn quốc 2021 triển khai kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức của toàn xã hội. Bộ VHTTDL đã thực hiện được nhiều nội dung liên quan đến vấn đề dân số, gia đình như xây dựng và triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, Ban hành Quyết định triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, Đề xuất xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam... Bộ VHTTDL cũng mong GS Nguyễn Thiện Nhân sẽ góp tiếng nói cùng với cơ quan quản lý nhà nước để làm sao xây dựng gia đình hạnh phúc với các tiêu chí nuôi dạy, sinh con khắc phục được những bất cập trước đây của công tác dân số và gia đình. Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo các cục, vụ, viện chức năng nghiên cứu riêng, sâu hơn để làm sao tăng tỉ suất sinh hợp lý, đảm bảo nguồn nhân lực phát triển bền vững cho xã hội.

THUÝ HIỀN; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc